Cho đến tận bây giờ, người dân Khoái Châu – Hưng Yên vẫn không tin nổi gã trai 18 tuổi - Đào Văn Hiếu (trú tại thôn 3, xã Đại Hưng, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã gây ra thảm án giết ông giám đốc đồng tính tại cánh đồng Bông. Hành vi của Hiếu đã bị Tòa án sơ thẩm tuyên án tử hình. Nhưng số phận của Hiếu đã gặp may khi có được một vị luật sư có tài và có tâm.
Được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra nên tôi có nhiều thời gian và cơ hội để nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và được tiếp xúc với bị cáo để hiểu tường tận về nội tình vụ việc cũng như tình cảm, tâm trạng của sát thủ tuổi teen này. Năm 18 tuổi, gã trai nghèo đi xe buýt từ quê ra Hà Nội với vốn liếng chưa đầy 100 ngàn để kiếm việc làm. Sau một ngày lang thang, đói mệt mà không còn đồng tiền nào trong túi, Hiếu chấp nhận “bán tình” cho một người đàn ông đáng tuổi cha mình. Đây cũng là khởi nguồn của mọi bi kịch.
Bi kịch thương tâm từ cái nghèo
Đào Văn Hiếu là con trai lớn trong một gia đình nông dân nghèo có hai anh em, thuộc diện hộ nghèo nên Hiếu mới được luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí. Học chưa hết cấp 2, Hiếu phải nghỉ học để đi kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp bố mẹ để nuôi em. Cha Hiếu hàng năm chỉ ở nhà làm xong vụ lúa, rồi lại phải đi tha hương cầu thực bằng nghề đóng gạch, đốt lò gạch có khi ở mãi tận Quảng Ninh, tích cóp được đồng nào thì ông gửi về nhà cho vợ nuôi con.
Hàng ngày, mẹ Hiếu cũng phải vất vả tần tảo đi gánh gạch thuê từ 4 giờ sáng đến tối mịt mới về nhà. Con nhà nghèo sớm khôn nên ngay từ nhỏ Hiếu đã biết tự lo liệu bản thân và chăm sóc cho đứa em những khi vắng bàn tay quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Vào tuổi trổ giò, Hiếu cũng biết làm dáng, để tóc bờm ngựa, nhuộn vàng nhuộm nâu rồi cũng đua đòi theo chúng bạn ra Hà Nội làm ăn.
Nhưng chỉ được một thời gian thì Hiếu phải mò về quê vì đồng lương eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống. Chưa kể, Hiếu lại có ngoại hình ẻo lả kiểu “trai đẹp” không hợp với việc chân tay nên ít bữa lại mò về quê, quanh quẩn ở nhà với công việc bếp núc, đồng bãi. Cuối cùng Hiếu chọn học nghề nghề cắt, nhuộm tóc ở thị trấn Bần (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), công việc này không quá vất vả lại dễ có đồng ra đồng vào.
Không ngờ cũng từ khi bén duyên với nghề làm đẹp, Hiếu bắt đầu đua đòi sa ngã. Hiếu giao du quen với nhiều bạn bè, chủ yếu là nhóm choai choai tóc nhuộm đầu xanh, đầu đỏ. Trong số những khách hàng của Hiếu, có một số thanh niên hay phục vụ tình dục cho người đồng tính ở khu vực gần bến xe Mỹ Đình.
Thấy Hiếu có ngoại hình “xinh trai”, hợp mắt những người đồng tính nên đám bạn này đã lôi kéo hiếu vào con đường bán tình lấy tiền, thoải mái ăn tiêu mà không tốn chút mồ hôi công sức. Sáng hôm đó, Hiếu đi xe buýt từ Hưng Yên ra Hà Nội để xin việc làm, trong túi chỉ có vài chục ngàn và một con dao gấp phòng thân. Hiếu định rằng, ra đến Hà Nội sẽ kiếm việc gì làm đó, lại có tiền ăn, tiền tiêu xài ngay.
Hung thủ thực nghiệm lại hiện trường vụ án, ảnh Internet |
Thế nhưng sau một ngày lang thang vạ vật, Hiếu tiêu hết sạch số tiền ít ỏi đem theo mà vẫn chưa kiếm được chỗ nào để làm kiếm tiền. Bước chân lang thang đưa Hiếu đến khu vực trước cửa bến xe Mỹ Đình - nơi mà trước đó Hiếu đã biết đến qua những lần giao du với một số thanh niên hay phục vụ cho những người đàn ông đồng tính.
Đêm đó, khi Hiếu đang đứng thu lu xem bóng đá thì có một người đàn ông đến làm quen, rủ đi “tâm sự”. Người đàn ông “U50” này là giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ. Sau vài câu xã giao, biết rõ người đàn ông đồng tính đáng tuổi cha mình đang muốn gì, nhưng vì cần tiền nên Hiếu chấp nhận theo ông ta vào khu vực cánh đồng Bông - nơi được coi là “chợ tình” của những cặp đôi đồng tính nam. Sau khi Hiếu đã phục vụ ông ta đúng theo yêu cầu, tưởng rằng sẽ được trả công hậu hĩnh, ai ngờ thỏa mãn xong ông này móc ví đưa cho Hiếu 70.000 đồng, nét mặt vô cùng trịch thượng.
Hồi sinh nhờ tính nhân đạo của pháp luật
Bị cáo Hiếu khai, chỉ khi cầm những đồng tiền từ tay người đàn ông đồng tính trả cho việc “bán tình”, Hiếu mới có cái cảm giác nhơ nhớp, cảm thấy bản thân bị xúc phạm nặng nề. Thế là trong lúc ông “bạn tình” còn đang lúi húi mặc quần thì hắn ta bất ngờ cầm con cầm dao có sẵn trong ba lô hạ sát ông ta. Nạn nhân hô "cướp, cướp" đuổi theo, Hiếu đã hoảng sợ bỏ chạy. Nghĩ nếu chạy ra đường sẽ bị mọi người phát hiện nên Hiếu quay lại đâm tiếp khiến nạn nhân gục xuống. Trong cơn hoảng loạn, Hiếu vứt vội con dao, lục túi lấy điện thoại của nạn nhân rồi chạy trốn về quê. Hai ngày sau khi gây án, Hiếu bị bắt tại quê nhà.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hiếu bị TAND TP.Hà Nội tuyên mức án tử hình. Xót thương cho cậu thanh niên mới vừa qua cái ngưỡng 18 tuổi, chưa từng được yêu đã phạm vào tội ác. Vì vậy, Luật sư đã động viên Hiếu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; xin pháp luật mở cho một con đường sống với lý do: Bản thân bị cáo trẻ người non dạ, ít học, kém hiểu biết và hành động phạm tội hoàn toàn bột phát nhất thời, hơn nữa hành vi phạm tội của bị cáo cũng xuất phát từ hành vi, lối sống buông thả của chính nạn nhân. Lá đơn kháng cáo thống thiết đó, chính Luật sư đã soạn thảo giúp bị cáo với tất cả lòng trắc ẩn trước số phận một con người.
Nhờ chính sách nhân đạo của pháp luật, tại phiên phúc thẩm, Đào Văn Hiếu đã được TANDTC chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm mức án xuống tù chung thân. Bị cáo đã khóc òa trong giây phút được tha tội chết, bố mẹ bị cáo khóc, cả Luật sư cũng xúc động nghẹn ngào.
Hiếu hứa với Luật sư của mình một câu chắc nịch: “Cháu đội ơn Luật sư và tính nhân đạo của pháp luật đã cho cháu được hồi sinh. Cháu hứa sẽ nỗ lực cải tạo tốt để trở thành người lương thiện”. Ai cũng có thể mắc phải sai lầm, nhất là khi người ta còn trẻ dại, vậy nên tôi tin tưởng vào lời hứa quyết tâm phục thiện của bị cáo, tin rằng sau bài học xương máu đầu đời, Hiếu sẽ có đủ bản lĩnh để hoàn lương.
LS Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận