BS Hoàng Quốc Kỷ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) |
Để tìm hiểu phần nào về phương pháp phẫu thuật nâng ngực gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền và cách xử lý của BS khi xảy ra tai biến, PV có cuộc trao đổi với BS Hoàng Quốc Kỷ.
Theo lời khai của chủ cơ sở thẩm mỹ Cát Tường, ông này đã lấy mỡ từ bụng bệnh nhân rồi bơm vào ngực để nâng ngực cho bệnh nhân Huyền. Vậy BS có thể giải thích rõ hơn về phương pháp nâng ngực này?
Kỹ thuật nâng ngực bằng cách dùng mỡ tự thân để bơm vào ngực là kỹ thuật mới, hiện đại đã được quốc tế trải nghiệm, có nhiều ưu điểm như: Khuôn ngực đẹp mềm mại, tự nhiên, không có sẹo mổ, không cần phẫu thuật đặt túi ngực, hay lo lắng về hiện tượng co thắt túi ngực, dị ứng chất liệu độn...
Nâng ngực bằng cấy mỡ tự thân hiện là một xu hướng làm đẹp ngực mới nhất hiện nay. Nâng ngực bằng mỡ tự thân phải được bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật nâng ngực với nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và thực hiện.
Mỡ sau khi được lấy ra từ bụng, đùi sẽ được cho vào máy ly tâm đặc biệt để loại bỏ tất cả những tế bào dạng sợi, các mô không cần thiết. Sau đó lọc lấy những tế bào nhỏ và các tế bào gốc để bơm vào mô tuyến vú hai bên.
Hiện nay, ở Hàn Quốc thực hiện kỹ thuật này rất rộng rãi, nhiều BS của Việt Nam đã sang đây học và áp dụng ở Việt Nam.
Nhưng vì sao chị Huyền khi thực hiện phẫu thuật này đã bị tai biến, nguyên nhân có thể là do đâu?
Bất kể thủ thuật nào trên người cũng có thể gây tai biến. Trong quá trình thực hiện việc lấy mỡ, bơm mỡ vào ngực bệnh nhân Huyền đã xảy ra các rủi ro.
Theo tôi có thể xảy ra 2 giả thiết: Để giảm đau cho bệnh nhân, BS thường phải dùng thuốc gây tê, có thể bệnh nhân đã bị sốc thuốc gây tê rồi tử vong.
Khi tiêm dung dịch mỡ vào ngực có thể tiêm vào tĩnh mạch, mỡ đã đi vào mạch máu gây tắc mạch do mỡ khiến tắc động mạch phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Để có được kết luận rõ ràng về nguyên nhân tử vong vẫn phải dựa trên kết quả giải phẫu tử thi.
Có ý kiến cho rằng: Nếu ngay từ khi phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, BS Tường nhanh chóng đưa nạn nhân vào BV Bạch Mai gần đó cấp cứu thì có khả năng chị Huyền sẽ không tử vong? Ông có đồng tình với ý kiến này không?
Bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội sống, nếu được cấp cứu kịp thời. Kể từ khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu co giật, BS tiên lượng tình hình không tốt đưa ngay vào BV Bạch Mai cấp cứu thì bệnh nhân có thể thoát chết.
Hơn 1 tiếng sau khi bệnh nhân xuất hiện tím tái, khó thở, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, BS mới cho thở ôxy, truyền thuốc trợ tim thì không ăn thua.
Nếu lúc đó khẩn trương vừa bóp bóng ôxy cho bệnh nhân vừa chuyển vào khoa cấp cứu - BV Bạch Mai gần đó để đặt nội khí quản duy trì hô hấp thì có thể bệnh nhân vẫn còn có cơ hội sống.
Điều đáng tiếc là BS Tường đã chủ quan không tiên lượng được tình hình và cách xử lý không tích cực đã khiến bệnh nhân tử vong.
Đã có không ít chị em mất mạng khi làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ tư nhân. Ông có thể giải thích vì sao chị em lại thích đến làm tại các cơ sở “chui” như vậy?
Thực tế là chị em rất thích làm thẩm mỹ “chui” và giấu chồng con, người nhà. Nhân lúc chồng đi công tác vắng vài ngày là tranh thủ đi nâng ngực, sửa mũi, hút mỡ bụng... tại các cơ sở tư nhân, mà không lường hết được nguy hiểm có thể xảy ra.
Tôi đã từng khuyên nhiều chị em nên đến các khoa thẩm mỹ của các BV công có phòng mổ với đầy đủ phương tiện cấp cứu để làm đẹp.
Nhưng chị em vẫn cứ “chui” vào các cơ sở tư nhân, với lý do rất ngại vào các BV công vì sợ lộ khi gặp người quen, sợ các thủ tục hành chính... Đó là những lý do chị em tìm đến các cơ sở tư nhân.
Hiện, ở Hà Nội chưa có BV thẩm mỹ, trong khi đó ở Hàn Quốc có tới hàng trăm BV thẩm mỹ thu hút khách hàng khắp khu vực Châu Á. Họ đến những BV này được đảm bảo riêng tư, an toàn, vì BV được trang bị đủ các thiết bị hiện đại.
Có lẽ chúng ta cần sớm có những BV thẩm mỹ như vậy để đáp ứng mong mỏi nâng cấp sắc đẹp của chị em, và cũng để tránh cho chị em gặp những rủi ro đáng tiếc khi phải làm thẩm mỹ “chui”.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao động)
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận