Sẽ xem xét trách nhiệm cựu Chủ tịch Vinaconex

Liên quan vụ vỡ đường ống nước sông Đà, cùng với đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ án, CQĐT cho biết sẽ tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Phí Thái Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vinaconex) cùng một số cán bộ lãnh đạo Tổng Cty này.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tống đạt kết luận điều tra, đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Cty Vinaconex. Hành vi của các bị can này liên quan tới việc đường ống cấp nước sông Đà bị vỡ liên tục 16 lần (2 lần gần đây nhất sự cố có quy mô nhỏ) trong những năm qua, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân và làm tiêu tốn nhiều tiền của để sửa chữa, khắc phục.

Tự ý thay đổi chất liệu ống

Theo kết quả điều tra, năm 2002, ông Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc Vinaconex ký Tờ trình báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi “Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội” với nội dung: Tổng Cty Vinaconex là Chủ đầu tư dự án cấp nước chuỗi đô thị Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông với công suất 600 nghìn m3/ngày đêm; đường ống truyền tải nước sạch được làm bằng vật liệu bê tông cốt thép và ống gang dẻo có đường kính từ 600mm - 1.500mm…

Sau khi tổng hợp, xem xét ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đã ký văn bản thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và yêu cầu Vinaconex hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng xem xét quyết định đầu tư. Trong năm 2003, Vinaconex và Bộ Xây dựng 2 lần báo cáo Thủ tướng về các nội dung liên quan đến báo cáo khả thi dự án, trong đó đề nghị cho dùng vật liệu truyền tải nước sạch là ống gang dẻo. Sau đó, Thủ tướng cho phép Tổng Cty Vinaconex giao HĐQT tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ngày 15/4/2004, HĐQT Vinaconex đã ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó thay đổi ống truyền tải nước sạch từ gang dẻo sang ống sợi composite cốt sợi thuỷ tinh. Một tuần sau, HĐQT Vinaconex tiếp tục phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia các hạng mục, gói thầu, lựa chọn nhà thầu cho dự án.

Còn 5 cựu lãnh đạo Vinaconex liên quan

Ngoài việc xác định hành vi phạm tội của từng bị can trong vụ án, kết luận điều tra còn chỉ rõ trách nhiệm của các thành viên HĐQT Tổng Cty Vinaconex trong việc này. Cụ thể, CQĐT xác định, HĐQT Tổng Cty Vinaconex (thời điểm 2004), gồm ông Phí Thái Bình, Chủ tịch và các ủy viên Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm, khi thực hiện vai trò, nhiệm vụ của chủ đầu tư dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, dẫn đến quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào dự án đầu tư loại vật liệu composite cốt sợi thuỷ tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị vỡ khi vận hành khai thác, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Từ năm 2012 đến tháng 9/2015, hệ thống đường ống này đã bị vỡ 14 lần.

Theo kết luận điều tra, có căn cứ xác định việc làm của các thành viên HĐQT Tổng Cty Vinaconex đã vi phạm các quy định về quy chế đấu thầu của Chính phủ, Luật Xây dựng năm 2003, có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, cần phải được điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, hiện ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc, ủy viên HĐQT Vinaconex - người chịu trách nhiệm chính trong vụ án đang cấp cứu, mổ điều trị ung thư tại nước ngoài, sức khỏe yếu nên chưa có điều kiện điều tra làm rõ. Những người khác như ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT; Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm, nguyên ủy viên HĐQT đều có hành vi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình khi quyết định cho thay đổi vật liệu và lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ và đề nghị xử lý sau.

Từ năm 2012 đến tháng 9/2015, hệ thống đường ống này đã bị vỡ 14 lần. Việc tuyến ống liên tục bị vỡ buộc đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước sinh hoạt cho 177.000 hộ tiêu thụ trong thời gian dài (343 giờ), với lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m3, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của một bộ phận lớn người dân Hà Nội và các vùng lân cận. Ngoài ra, việc tuyến ống không đảm bảo chất lượng buộc doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền lớn hơn 1.000 tỷ đồng để khẩn cấp xây dựng thêm tuyến ống mới nhằm khắc phục, thay thế. Qua 14 lần vỡ ống, có 18 cây ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy, doanh nghiệp đã phải tiêu tốn hơn 13 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa.

Theo Dương Lê

Tiền phong

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889