Sửa đổi gần 300 Điều của Bộ Luật dân sự

Dự thảo Bộ luật dân sự sẽ giữ 265 điều của Bộ luật năm 2005, sửa đổi gần 300 điều, bổ sung hơn 170 và bãi bỏ khoảng 150 điều...

Chiều 5/1, Bộ Tư pháp cho hay việc lấy ý kiến người dân về những thay đổi trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) được bắt đầu từ hôm nay cho đến hết ngày 5/4. Ba đầu mối tổ chức tiếp nhận góp ý là Chính phủ, UBND; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TAND Tối cao và VKSND Tối cao.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đây là Bộ luật gốc, lớn và phức tạp nên Thủ tướng quyết định lấy ý kiến của nhân dân, cả với người Việt Nam ở nước ngoài"Chỉ trong 3 tháng thôi, chúng ta làm sao huy động được trí tuệ của quần chúng nhân dân", ông trăn trở và cho rằng phương pháp, hình thức lấy ý kiến rất quan trọng.

Tại buổi công bố quyết định của Thủ tướng, đại diện Bộ Tư pháp thông báo 10 vấn đề trọng tâm của bộ luật sửa đổi gồm: quyền nhân thân; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi...

So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 170 điều, bãi bỏ gần 150 điều. Bộ Tư pháp khẳng định người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp ý kiến. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp đầy đủ, chính xác để Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo.

Bộ luật dân sự năm 2005 gồm 777 điều, có có hiệu lực từ 1/1/2006.

Bảo Hà

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889