Cơ quan điều tra đã thu hồi gần 9.000 tỷ đồng, số tiền nhiều nhất từ trước tới nay trong các đại án tham nhũng, khắc phục hết thiệt hại của MobiFone khi mua AVG.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời VnExpress vào cuối tháng 11 bên lề kỳ họp Quốc hội đã xác nhận chưa vụ án nào có số tiền thu hồi kỷ lục và nhanh chóng như vụ án MobiFone mua AVG.
Vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ, Đưa hối lộ xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ được xét xử sơ thẩm 16 ngày liên tục tại TAND Hà Nội, bắt đầu từ 16/12.
Trong 14 người bị truy tố về các tội: Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ có hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, hai cựu tổng giám đốc MobiFone và 5 cựu phó tổng giám đốc MobiFone.
Theo cáo trạng, các bị can đã nộp tổng cộng gần 8.900 tỷ đồng nhưng chiếm phần lớn (gần 8.800 tỷ đồng) là tiền do cựu chủ tịch công ty AVG Phạm Nhật Vũ nộp trả MobiFone khi hai bên hủy hợp đồng mua bán. Còn lại là tiền do hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nộp lại khoản nhận hối lộ.
VKSND Tối cao cho hay, gần 8.800 tỷ đồng do ông Vũ nộp đã bao gồm cả tiền thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội của các cựu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và MobiFone gây ra.
Cụ thể, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông MobiFone (với 100% vốn nhà nước) thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông muốn đầu tư vào lĩnh vực truyền hình. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son gợi ý cho MobiFone mua lại Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG). Ông Son muốn đây là dự án mang dấu ấn cá nhân để sau này khi đã rời ghế Bộ trưởng còn được nhớ tên.
Sau 5 buổi đàm phán, ngày 2/10/2015, theo chỉ đạo của ông Son, AVG và MobiFone đã thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là gần 8.900 tỷ đồng. Việc mua bán này được ông Son và Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, sau này giữ chức Bộ trưởng) thống nhất "không thông tin, tuyên truyền", đề xuất đưa giao dịch vào danh mục "Mật" của Nhà nước.
Theo cáo buộc, dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, ngày 15/12/2015 ông Son vẫn chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015. Khi Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Son đã chỉ đạo, giao ông Tuấn ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 để phê duyệt dự án.
Từ đây, AVG bán cho MobiFone 95% cổ phần với giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho ông Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG.
Khi phát hiện sai phạm này, nhà chức trách cáo buộc ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng nhiều lãnh đạo MobiFone đã trực tiếp gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng. Số tiền này được nhà chức trách tính bằng cách lấy 8.500 tỷ đồng (tiền MobiFone đã thanh toán cho AVG) trừ đi 1.970 tỷ đồng (tài sản thực tế còn lại của AVG) cộng với 115 tỷ đồng (thiệt hại tiền lãi của MobiFone với các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG).
Năm 2018, ông Phạm Nhật Vũ đã tự trả lại cho MobiFone gần 8.800 tỷ đồng, bao gồm tiền nhận chuyển nhượng trước đó, một số chi phí khác và lãi phát sinh tiền gửi mà MobiFone rút ra để mua cổ phần của AVG.
VKSND Tối cao nhận định ông Phạm Nhật Vũ không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của ông Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra. Nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Phạm Nhật Vũ đã "chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone".
Về gần 100 tỷ đồng còn lại được thu hồi, cáo trạng cho biết đó là tiền một số bị can nộp để khắc phục hậu quả của các hành vi phạm tội, đặc biệt là nhận hối lộ. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách xác định để việc chuyển nhượng thành công theo đúng mong muốn và có lợi, ông Phạm Nhật Vũ đã đưa ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng), Trương Minh Tuấn 200.000 USD (hơn 4,4 tỷ đồng), Lê Nam Trà 2,5 triệu USD (gần 56 tỷ đồng) và cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng). Số tiền đưa phụ thuộc vào vị trí chức vụ và tính quyết định của từng cá nhân trong thực hiện dự án.
VKSND Tối cao ghi nhận ông Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD, ông Trương Minh Tuấn nộp 4,1 tỷ đồng, ông Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỷ đồng. Riêng ông Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền. Hiện ông mới nộp gần 600 triệu đồng.
Các tài khoản, sổ tiết kiệm có tổng giá trị gần 5 tỷ đồng của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà bị phong tỏa. Các ông đồng ý dùng tài sản này để khắc phục hậu quả hành vi phạm tội của mình.
Ở vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải bị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ. Khung hình phạt truy tố lên tới án tử hình. Ông Phạm Nhật Vũ bị truy tố về tội Đưa hối lộ, khung hình phạt 12-20 năm tù.
VKSND Tối cao đề nghị tòa án khi xem xét quyết định hình phạt với tội Nhận hối lộ cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả. "Áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can, nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt", cáo trạng nêu.
Với ông Phạm Nhật Vũ, VKSND Tối cao cho rằng đã "nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội, tích cực khai báo và hợp tác" để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ. Ông này còn có nhiều hoạt động từ thiện, được nhiều đoàn thể gửi đơn xin cho hưởng khoan hồng, vì vậy VKSND Tối cao cũng đề nghị toà áp dụng triệt để các tình tiết giảm nhẹ.
Bảo Hà - Hoàng Thuỳ
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận