Gia đình ông Nguyễn Đức Chung nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh thi hành án
Sau khi gia đình nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh thi hành án, đại diện VKS đề nghị giảm mức án cho ông Nguyễn Đức Chung từ 10 đến 12 năm xuống còn 8-10 năm tù.
Chiều 11/12, TAND Hà Nội tiếp tục ngày thứ hai xét xử cựu chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Võ Tiến Hùng, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Arktic, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bào chữa cho ông Chung, luật sư Nguyễn Văn Tú cho hay đại diện gia đình thân chủ ông vừa nộp 10 tỷ đồng tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Đây là nguồn tiền của gia đình ông Chung, nộp để bảo lãnh cho trường hợp nếu ông bị HĐXX tuyên buộc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án. Khi đó số tiền này sẽ khấu trừ vào tiền nộp bảo lãnh, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
Theo luật sư Tú, cơ quan điều tra còn kê biên một nhà đất và 2 căn hộ chung cư của ông Chung để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Sau khi nộp 10 tỷ đồng, gia đình ông Chung mong được dỡ bỏ một phần tài sản kê biên trên.
Trong vụ án này, nhà chức trách đã ra lệnh kê biên căn nhà trên thừa đất hơn 100 m2 của ông Chung ở phố Trung Liệt, quận Đống Đa và hai căn hộ chung cư cao cấp tại quận Thanh Xuân.
Trong phần tranh luận, đại diện VKS ghi nhận sự tự nguyện này nên đề nghị giảm hình phạt cho ông Chung xuống còn 8-10 năm tù. Trong buổi sáng, VKS đề nghị 10-12 năm. Hai bị cáo Hùng và Giang, VKS vẫn giữ nguyên đề nghị 6-7 năm tù.
"Gỡ tội" cho thân chủ, ông Tú nói thời điểm sau ngày 26/1/2016, ông Chung cùng vợ và con trai không góp vốn, không có tên trong sổ đăng ký cổ đông của Công ty Arktic. Bởi thế, VKS không thể cáo buộc ông Chung liên quan đến công ty này sau khi bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) đã bán toàn bộ cổ phần cho Nguyễn Trường Giang.
Luật sư Tú còn cho rằng, việc nhân rộng và nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C trong giai đoạn thử nghiệm là thực hiện theo chỉ đạo của Thành uỷ. Do vậy, quá trình Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3c từ Công ty Arktic "hoàn toàn không có dấu ấn của ông Nguyễn Đức Chung".
Về thiệt hại 36,1 tỷ đồng trong vụ án, luật sư đề nghị cần được giao cho cơ quan chuyên môn giám định.
Tự bào chữa, ông Chung cho hay không chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước mua chế phẩm thông quan Công ty Arktic. Mọi việc ông làm chỉ là muốn làm sạch nước sông hồ ở Hà Nội, có lợi cho nhân dân. Ông cũng phủ nhận cáo buộc có công ty gia đình khi không tham gia góp vốn, không chỉ đạo Nguyễn Trường Giang về các hoạt động kinh doanh
Đối đáp ý kiến của một số luật sư cho rằng các bị cáo không có tội và việc phân cấp đánh giá vai trò của các bị cáo chưa đúng, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đánh giá đây là vụ án đồng phạm. "Các bị cáo ở các vị trí chức vụ khác nhau nhưng thực hiện một chuỗi sai phạm. Bị cáo này sai, bị cáo khác tiếp nhận cái sai đó để tiếp tục sai".
Phân tích vai trò chủ mưu của ông Nguyễn Đức Chung, đại diện VKS nói ngoài là Chủ tịch UBND Hà Nội, chủ sở hữu của công ty thoát nước, ông còn là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước, giữ vai trò cao nhất. Với các chức vụ trên, ông Chung một mặt tạo điều kiện để Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường. Mặt khác, ông chỉ đạo để Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố, tham gia các buổi thử nghiệm, dù Giang không có tên trong danh sách do sở ngoai vụ đề xuất.
Ngoài các cáo buộc liên quan vai trò chủ mưu, công tố viên cho rằng, việc gửi giấy mời Giám đốc Công ty Watch Water sang Việt Nam không có trong các văn bản, chương trình làm việc của bất cứ sở ban ngành nào của thành phố, không xác định được người gửi. Theo lời khai của Giang trong giai đoạn điều tra, thư mời do thư ký của ông Chung gửi bằng tiếng Việt cho Giang để Giang sau đó dịch sang tiếng Đức và email cho Giám đốc Watch Water.
VKS xác định Công ty Arktic thực chất là công ty của ông Chung và gia đình. Ban đầu con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Song thực chất, vợ ông Chung là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất nhưng sau chuyến công tác châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.
Ngoài việc làm giả đăng ký kinh doanh, cơ quan điều tra phát hiện công ty gian lận, kê khai man thuế tới 27 tỷ đồng. Tất cả hành vi này có thể quy kết Arktic thực chất là "công ty gia đình", được ông Chung "sử dụng quyền lực để thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình", công tố viên kết luận.
Về vấn đề chế phẩm độc quyền, VKS cho rằng là giả tạo. Theo cơ quan công tố, bao bì ghi là Redoxy-3C, một sản phẩm độc quyền của Hà Nội, sản phẩm tốn nhiều tiền ngân sách Nhà nước nhưng cuối cùng lại phải mua qua một công ty trung gian. VKS kết luận thiệt hại 36,1 tỷ đồng trong vụ án là phù hợp bởi đã "có những tính toán kỹ lưỡng".
Phiên toà đang tiếp tục làm việc.
Phạm Dự - Thanh Lam - VNE
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận