Bác Hồ và ông luật sư người Anh

 

(CATP) Sáng 6-6-1931, Bác Hồ bị nhà cầm quyền Anh ở Hồng Kông (Hương Cảng) bắt. Họ lấy cớ là Bác tuyên truyền cho cộng sản, mưu lật đổ chính phủ Anh. Sau này mới biết đây là âm mưu rất thâm độc, có sự phối hợp giữa thực dân Pháp ở Đông Dương và nhà cầm quyền Anh ở Hương Cảng tìm bắt Bác khi chúng dò ra tung tích.


Bác nghỉ chân bên gốc thông Thái Nguyên, năm 1955


Bác bị bắt ở nhà số 6 Cửu Long. Thời gian ấy ở Hồng Kông có một câu chuyện chúng ta ghi nhớ mãi. Chuyện về ông luật sư người Anh Lôdơbai. Ông là giáo sư tiến sĩ luật Trường Đại học Luật khoa của Hoàng gia Anh và và Giám đốc Công ty luật Russ ở Hồng Kông. Gia đình ông là một gia đình quý tộc lớn. Nhà ông nhiều sách và nhiều hoa: có năm vạn cuốn sách và hơn hai nghìn chậu hoa, với 17 người giúp việc.

Lần sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1960, trong câu chuyện vui luật sư có kể cho các đồng chí ở Viện bảo tàng cách mạng nghe chuyện cũ về Bác hơn 30 năm trước.

- Các bạn có biết không? Những người làm việc và cộng tác với tôi rất hiểu tâm tính của tôi. Không những thế họ đoán hiểu cả cử chỉ của tôi nữa. Thấy tôi liếc mắt là họ biết tôi muốn cái gì rồi. Như ông Hakin chẳng hạn. Ông này có khả năng nói tám giờ đồng hồ liền không nghỉ. Ông ấy là luật sư chuyên về cãi. Hoặc ông Long luật gia người Trung Quốc, thư ký riêng của tôi chuyên giữ hồ sơ. Hồ sơ của tôi có hàng vạn nhưng khi hỏi về vấn đề gì thuộc hồ sơ nào, không quá năm phút sau, ông ấy đã đưa cho tôi rồi. Lập hồ sơ xong đưa ra tòa.

Phiên tòa đại hình công khai hôm ấy - nói là công khai nhưng trong và ngoài pháp đình đều giới nghiêm, công chúng rất ít, võ quan và cảnh binh dày đặc.
Bọn cảnh sát khóa tay Tống Văn Sơ (bí danh của Bác Hồ lúc ấy) đưa từ hai dãy rào lưỡi lê tuốt trần vào vành móng ngựa. Luật sư Lôdơbai phẫn nộ. Ông ấn tay xuống bàn, tức thì Hakin như chiếc lò xo bật dậy(1). Câu đầu tiên luật sư đã buộc tội quan tòa:

- Chính tòa án đã phạm vào luật lệ của Hoàng gia Anh. Luật quy định bị cáo phải được cởi trói khi đưa vào vành móng ngựa. Tống Văn Sơ còn bị khóa tay, như thế là quan tòa đã phạm vào luật pháp, thì làm sao xử án được!

Ngay tức khắc bọn cảnh sát được lệnh quan tòa phải mở khóa còng tay cho Bác. Vợ luật sư Lôdơbai bổ sung thêm: những phiên tòa có chồng bà ngồi cãi thì nhất định là phải nắm phần thắng lợi. Bởi vì ngay các chánh án khắp nước Anh thời ấy đều là học trò hoặc bạn hữu của luật sư cả.

Hôm ấy quan tòa đọc đủ các thứ luật, thỉnh thoảng lại giở đống hồ sơ dày cộp, kể cả hồ sơ từ Đông Dương gởi sang, để vu cáo Bác và khép Bác vào án tử hình. Nhưng nhờ có luật sư Lôdơbai biện hộ, bọn chúng đành phải xóa án tử hình, giảm xuống sáu năm tù. Dưới hồ sơ có ghi: “Người can án thuộc quốc tịch nào sẽ trả về chính quốc người ấy”.

Đây là một mưu mô rất thâm hiểm, vì năm 1929 bản án Nam triều đã khép án Bác tử hình vắng mặt. Bây giờ đưa về, nhất định chúng sẽ thi hành bản án ấy. Luật sư Lôdơbai biết được ý đồ đen tối, ông đưa mắt ra hiệu, Hakin liền hiểu ý, viết ngay một bản kháng án đệ trình Hoàng đế Anh, và đưa cho Tống Văn Sơ xem. Ông Tống đồng ý ký vào bản kháng cáo. Chẳng bao lâu bản kháng án được gởi đến Hoàng đế Anh và nhất định Bác sẽ được trắng án.

Luật sư Lôdơbai nét mặt rạng rỡ vui tươi và hồn hậu, ông nhắc lại với giọng sôi nổi câu chuyện cũ đã gần một phần ba thế kỷ:

- Hôm Tống Văn Sơ bị bắt ở phố Cửu Long, tôi có công việc đi đâu đó về muộn. Nhà tôi chờ cơm đương bực mình vả lại có một người An Nam đang ngồi đợi. Thấy tôi về, người ấy(2) chào và hỏi ngay:

- Thưa luật sư, mong luật sư cứu cho. Hiện nay có một người An Nam yêu nước bị nhà cầm quyền Anh bắt giam.

Tôi hỏi chuyện người lạ mặt một lúc, hỏi địa chỉ rồi quay lại nhà giam Tống Văn Sơ. Tuy mới gặp người yêu nước họ Tống chưa đầy 20 phút, nhưng tôi rất có cảm tình. Tôi nhận ra đó là một trí thức lớn, hiểu sâu, biết rộng tình hình thế giới. Tôi thầm cảm phục ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên ấy. Trở về nhà vợ tôi rất lo và tôi sẽ bực mình. Nhưng trái lại, chính hôm ấy tôi rất vui, tôi cứ lẩm bẩm một mình: “Rất thông minh! Rất tuyệt vời!”. Vợ tôi gặng hỏi:

- Cái gì rất tuyệt vời, rất thông minh?

- Tống Văn Sơ.

- Tống Văn Sơ là ai? Là người thế nào?

Luật sư chậm rãi kể tóm lược về những phút giây gặp gỡ Bác ở nhà lao Hồng Kông. Một nhà ái quốc, một nhà tư tưởng lớn. Bà vợ cũng cảm thấy thích thú và quý mến ngay, giục chồng đưa đi gặp người An Nam yêu nước đó!

Thế là ăn cơm xong, hai vợ chồng luật sư trở lại nhà giam. Trên đường đi, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Rằng trước đây cũng có một luật sư người Anh đã cãi cho một người yêu nước Trung Quốc, người đó sau làm nên Tổng thống đó là Tôn Trung Sơn. Cho nên bây giờ cãi cho Tống Văn Sơ. Thế rồi luật sư Lôđơbai chân thành nói với Bác: 

- Bác sĩ Tôn Dật Tiên được cứu thoát. Tôi cũng sẽ ra sức cứu ông, ông có thể nói cho tôi nghe điều gì có thể giúp ích cho việc bênh vực ông. Tôi muốn hỏi ông nhiều hơn, nhưng vì mỗi người cách mạng đều có bí mật riêng của họ.

Bác ôn tồn trả lời từng câu hỏi của luật sư, trong khi ấy bà Lôdơbai lại nghĩ khác: Tống Văn Sơ giỏi tiếng Anh phải cãi cho ông ta được tha, để sau này nhờ Tống Văn Sơ làm gia sư dạy cho con gái mình. Người con gái nhỏ lúc đó mới sáu tuổi. Bác ở trong tù được bà Lôdơbai và con gái nhỏ vào thăm và gửi những vật cần thiết.
(Còn tiếp)

(1) Theo quy định của phiên tòa lúc ấy, chỉ có bốn người được hỏi: chánh án, phó chánh án, đại diện chính phủ Anh và luật sư cãi cho bị can - ông Lôdơbai nhờ Hakin cãi, nên ông chỉ ra hiệu
(2) Sau này mới biết là đồng chí Hồ Tùng Mậu

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889