Hôm nay tái thẩm vụ “tù oan” 10 năm- Đại diện VKSND TC: Tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm

(PL&XH) - Ngày 5-11, VKSND TC tổ chức họp báo về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội “Giết người”. Dưới đây là trả lời của đại diện VKSND TC trước những câu hỏi của PV.

Lý Nguyễn Chung SN 1988, điều này đồng nghĩa với việc, khi phạm tội, anh ta 15 tuổi, tức là phạm tội tuổi vị thành niên?


Ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra VKSND TC: Nhận được đơn kêu oan thay chồng của bà Chiến, CQĐT – VKSND TC đã tổ chức xác minh, lần theo dấu vết của Chung. Chỉ trong 2 tháng, anh này thay đổi chỗ liên tục, từ các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Ninh, thậm chí sang Trung Quốc, sử dụng hơn 100 sim điện thoại di động. Khi tổ công tác vừa đến nơi, Chung đã di chuyển chỗ ở. Trước tình thế đó, CQĐT – VKSND TC phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Công an khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra đầu thú. Được phân tích sẽ có cơ hội giảm án vì gây án tuổi vị thành niên nên ngày 25-10, Chung đầu thú tại CQĐT – VKSND TC và khai nhận thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị H vào tối 15-8-2003 để cướp tài sản. Hiện, VKSND TC đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” và “Cướp tài sản”, Điều 92, 133 BLHS và quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung. 

CQĐT cũng ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ đối với Lý Văn Chúc, SN 1950, bố đẻ của Chung, để làm rõ hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án.
Việc ông Chấn “tố” bị ép cung, vấn đề này sẽ được xử lý thế nào?


Ông Nguyễn Thanh Chấn khi được tạm hoãn thi hành án.   Ảnh: TL

Ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra VKSND TC: Tới đây vụ án sẽ được chuyển sang CQĐT của Bộ Công an điều tra theo đúng thẩm quyền; nhưng với nhiệm vụ của mình, VKSND TC sẽ tiếp tục điều tra những dấu hiệu về việc xâm phạm tư pháp; có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo sau.
 Bản án chung thân đối với ông Chấn đã thi hành được 10 năm, nhưng tới nay, cơ quan tố tụng mới xử lý, vào cuộc điều tra có phải là quá chậm trễ?

Bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND TC: Ngay từ năm 2004, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, VKSND TC đã nhận được đơn kêu oan của ông Chấn và VKSND TC đã cử cán bộ xác minh theo đúng quy trình. Tuy nhiên sau đó, bản án phúc thẩm bị hủy phần dân sự (bồi thường) nên hồ sơ vụ án được chuyển lại cấp sơ thẩm. Năm 2006, ông Chấn kêu oan nhưng đơn lại không chuyển tới VKSND TC.

Kháng nghị bản án theo hướng tái thẩm có chính xác? 

Bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND TC: Tái thẩm, giám đốc thẩm là 2 thủ tục đặc biệt, chỉ xem xét khi bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có tình tiết mới. VKSND TC kháng nghị tái thẩm và kháng nghị tạm đình chỉ thi hành án là theo đúng thẩm quyền; việc Chung ra đầu thú được coi là tình tiết mới nên kháng nghị tái thẩm. 

Ở vụ án này, đơn của bà Chiến là một nguồn để VKSND TC xem xét. Kháng nghị của VKSND TC đối với vụ án của ông Chấn mới là bước khởi đầu; quan trọng là kháng nghị có được Hội đồng thẩm phán chấp nhận. Nếu kiến nghị mà bị bác, dù không đồng tình nhưng VKSND TC vẫn phải chấp nhận vì đó là quy định.

Nếu có oan sai, việc xử lý với những cán bộ làm sai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND TC: Mọi việc đều phải chờ phán quyết của TAND TC vào phiên xử tới. Nếu có oan sai chắc chắn có sự bồi thường nhưng theo quy định của luật, của Nhà nước, trình tự thủ tục đã có luật quy định, trách nhiệm của những người làm sai đến đâu thì phải chịu đến đó.


Phương Hoa
 (ghi
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889