Luật sư của Lâm 'Chín Ngón' đòi bồi thường gần 2 tỷ đồng

Luật sư Nguyễn Cao Trí đưa ra những bức ảnh để chứng tỏ mức độ bị hại của ông Lâm, thương tật vĩnh viễn 75%. Theo luật sư, hành vi hãm hại người bằng cách tạt axít là "dã man và đê hèn". Tổng số tiền gia đình ông Lâm đề nghị được bồi thường gần 1,2 tỷ đồng và 40.000 USD là phù hợp với cơ sở pháp lý và khách quan.  

 

Luật sư Lê Thu Hiền, đại diện cho bà Lê Thị Hạnh (mẹ của cảnh sát Phan Lê Sơn), yêu cầu HĐXX buộc các bị cáo tham gia vụ án mạng phải liên đới bồi thường gần 725 triệu đồng, và gia đình nạn nhân xin nhận lại chiếc xe máy của Sơn. Luật sư Hiền cho biết mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Thịnh (kẻ tham gia sát hại nạn nhân Sơn) có đến nhà bà Hạnh đề nghị gia đình làm giấy bãi nại. Việc này đã khiến gia đình Sơn hoang mang. Hơn nữa, 2 năm sau khi cảnh sát Sơn bị giết, gia đình mới nhận được giấy báo tử của Công an TP HCM. "Trong 3 năm qua, gia đình Sơn đã mất lòng tin vào công lý cho đến khi phiên toà toà xét xử Năm Cam và đồng bọn được mở", bà Hiền nói.

Chiều cùng ngày, trong phần bào chữa bổ sung của các bị cáo, Năm Cam nói: "Đề nghị toà xem xét và tách bạch phần tài sản của bị cáo. Những tài sản do vợ chồng làm mà có, thì xin đừng tịch thu”. Còn Nguyễn Mạnh Trung trình bày khi bị điều tra, bị cáo không được giải thích sự việc mà chỉ được trả lời “có” hoặc“không”. Theo Trung, VKS chỉ dựa vào lời khai của Trương Văn Cam để buộc tội bị cáo là không có cơ sở. Những lời khai này không hề được thẩm tra mặc dù bị cáo đã có yêu cầu. "Các chứng cứ, tư liệu chứng tỏ bị cáo có quan hệ mật thiết với Năm Cam cũng không được xác minh; không có tư liệu chứng minh việc bị cáo làm trái chức vụ quyền hạn…" - bị cáo Trung nói.

Dương Ngọc Hiệp cũng xin HĐXX xem xét đến các tình tiết như: đưa Bảy Việt ra đầu thú; chủ động khai báo việc đưa hối lộ để chạy tội cho Năm Cam trước khi cơ quan điều tra phát hiện. Hiệp khẩn khoản: “Xin quý toà cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước đúng theo pháp luật đã quy định”.

Trước đó, luật sư Phạm Quốc Hưng đã trình bày phần bào chữa của mình cho Châu Phát Lai Em. Luật sư cho rằng vụ án Đổng Chí Nam xảy ra cách nay 15 năm. "Khi đó, cơ quan điều tra đã kết luận Lai Em giết người do phòng vệ chính đáng nên đình chỉ điều tra. Vậy lý do gì khôi phục điều tra? Theo cáo trạng thì điều tra viên đã làm sai lệch hồ sơ. Nhưng cũng trong quá trình điều tra không thấy có biểu hiện chạy án". Luật sư Hưng đưa ra nhiều lời khai nhân chứng để khẳng định Lai Em không phải là côn đồ đâm thuê chém mướn. Bản thân trong vụ xô xát chết người này Đổng Chí Nam cũng thể hiện sự ngang ngược của mình, chủ động khiêu khích Lai Em trước. "Buộc tội Lai Em giết người thì cần hiểu rõ hành vi đó xảy ra trong tình trạng Lai Em tâm lý bức bách. Nếu Nam không gây sự thì án mạng đã không xảy ra”.

Ngày 14/5, phiên toà tiếp tục làm việc với phần bào chữa bổ sung của các bị cáo còn lại và phần bào tự bảo vệ quyền lợi của 54 bị cáo không nhờ luật sư. Nguyễn Thập Nhất là người duy nhất trong số các bị cáo từng công tác trong ngành bảo vệ pháp luật tự bào chữa cho mình.

Nghĩa Phương

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889