Nghi can vụ thảm sát tinh quái, đóng kịch xuất sắc

Ban đầu, Dương tỏ ra hết sức tinh quái, đóng kịch xuất sắc về tình cảm dành cho Linh và gia đình nạn nhân, sự tiếc thương của Dương “diễn” đạt tới mức không ai ngờ Dương có thể ra tay tàn độc.

 

 

Tiến và các hung khí gây án bị công an thu giữ - Ảnh công an cung cấp

Sáng sớm 7-7, khi vừa vào cơ quan tại số 258 Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), các cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) và Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự (C54) TP.HCM thuộc Bộ Công an bàng hoàng khi nghe tin vụ thảm sát tại Bình Phước.

Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của C45 và các cán bộ lão luyện của C54 lập tức được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cử ngay tới hiện trường vụ án để thu thập dấu vết, khám nghiệm hiện trường cùng lực lượng cảnh sát điều tra Công an Bình Phước.

Khám xét từng centimet hiện trường

Chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ án, trung tướng Triệu Văn Đạt và thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - cùng nhiều cán bộ của tổng cục đã có mặt tại hiện trường, bắt đầu phối hợp với Công an Bình Phước khám nghiệm hiện trường. Ban chỉ đạo được thành lập, túc trực gần như 24/24 giờ tại hiện trường vụ án.

Một cán bộ của C54 kể: “Chúng tôi tới nơi xảy ra vụ án từ rất sớm, hiện trường được bảo vệ tương đối tốt và công tác khám nghiệm được thực hiện gần như ngay lập tức. Cảnh tượng rất thương tâm, thi thể của các nạn nhân trong đủ tư thế với nhiều vết thương ở những vị trí hiểm yếu như cổ, ngực, vết thương đâm vào động mạch khiến máu phun rất nhiều ra sàn nhà, vật dụng”.

Theo lời của cán bộ này, ngoài sáu dấu vết của sáu nạn nhân đã tử vong, trong khu vực được xác định là hiện trường vụ án (rộng hàng ngàn mét vuông), bộ phận khám nghiệm hiện trường thu giữ được gần 80 
dấu vết lạ khác nhau.

Việc khám nghiệm hiện trường kéo dài từ sáng 7-7 tới khoảng 2g sáng 8-7, lúc đó trời đổ mưa lớn, không khí ngột ngạt và cũng cần tạm ngưng khám nghiệm để tổng hợp các dữ liệu đã thu thập được, báo cáo ban chỉ đạo chuyên án nhằm đưa ra các đánh giá ban đầu.

Cuộc họp vào lúc 2g sáng kéo dài hơn một giờ, có sự tham dự của các lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, các thành viên tham gia ban chuyên án. Tổng hợp báo cáo từ hiện trường, lời khai của những người có liên quan và kết quả thu được từ các biện pháp nghiệp vụ đã được trung tướng Đạt, thiếu tướng Hùng và giám đốc Công an Bình Phước đánh giá về nguyên nhân, đưa ra hướng điều tra mà kết quả sau này chứng minh những đánh giá đó hoàn toàn chính xác.

“Chúng tôi đã khám nghiệm liên tục từ khi vụ án xảy ra tới tối 
10-7, khám xét từng centimet hiện trường. Cũng thời gian đó, các lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát, C45, lãnh đạo Công an Bình Phước đều thức cùng anh em, liên tục họp nghe báo cáo, chỉ đạo các nhánh công tác phối hợp điều tra” - một cán bộ của C54 kể.

 

Nghi phạm Nguyễn Hải Dương được dẫn giải từ trụ sở Công an huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ra xe về trại tạm giam - Ảnh: Gia Minh

 

Nghi phạm Nguyễn Hải Dương được dẫn giải từ trụ sở Công an huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ra xe về trại tạm giam - Ảnh: Gia Minh

Đấu tranh bằng chứng cứ

Dấu vết từ hiện trường và những tài liệu, chứng cứ thu thập bằng các biện pháp nghiệp vụ đã khép dần đối tượng là Nguyễn Hải Dương. Lúc này Dương vẫn có mặt tại hiện trường vụ án trong vai bạn trai cũ của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh với vẻ mặt đau đớn, tiếc thương.

Chiều 9-7, khi đã có đủ tài liệu chứng cứ xác định Dương là nghi can, các trinh sát của C45 và Công an Bình Phước đã bí mật mời Dương về trụ sở công an địa phương để làm việc.

Ban đầu, Dương tỏ ra hết sức tinh quái, đóng kịch xuất sắc về tình cảm dành cho Linh và gia đình nạn nhân, sự tiếc thương của Dương “diễn” đạt tới mức không ai ngờ Dương có thể ra tay tàn độc nếu không có các tài liệu, chứng cứ thu thập bằng các biện pháp nghiệp vụ.

Các điều tra viên đầy kinh nghiệm với những chứng cứ trong tay đã dần làm Dương lung lay ý chí. Lần lượt từng chứng cứ được lực lượng công an trưng ra trước mặt Dương, kết quả giám định về khoa học chứng minh sự liên quan của Dương tại hiện trường vụ án cũng chuẩn bị báo về, bên cạnh đó là những lời động viên của lực lượng công an khiến Dương bớt hẳn chiêu thức đối phó.

Khoảng 15g ngày 10-7, Dương bắt đầu khai nhận toàn bộ hành vi và diễn biến vụ án khớp với những tài liệu chứng cứ đã thu thập được và khai ra Tiến - người đang giữ tang vật gây án tại xã Nhị Bình, H.Hóc Môn.

Trước khi Dương khai nhận, thông tin về Tiến đã được thu thập, chỉ chờ kết quả giám định ADN và dấu vân tay là đủ cơ sở bắt giữ, vì vậy một tổ công tác của C45 đã mật phục gần nơi ở, giám sát nhất cử nhất động của Tiến và người thân.

Ngay khi Dương khai nhận, khớp được toàn bộ chứng cứ, lời khai, lệnh bắt được đưa ra, các trinh sát ập vào bắt Tiến khi Tiến chuẩn bị hành trang để chạy trốn.

Quá trình khám xét đã thu giữ được gần như toàn bộ tang vật các đối tượng dùng để gây án, tài sản cướp được chưa kịp tiêu thụ hay giấu giếm. Sau khi bị bắt, Tiến biết không thể che giấu hành vi nên ngay lập tức khai báo toàn bộ quá trình bàn bạc, lên kế hoạch và diễn biến vụ thảm sát gia đình ông Mỹ.

 

Thở phào nhẹ nhõm

Sau thông tin cơ quan điều tra bắt được hai nghi phạm liên quan đến vụ thảm sát tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số người dân tại đây cho biết họ đã thở phào nhẹ nhõm, yên tâm sinh sống và làm ăn trở lại. Trước đó, vụ án mạng nghiêm trọng làm nhiều người hoang mang, lo lắng.

Anh Nguyễn Văn Cường, chủ quán cà phê GH (gần nhà nạn nhân), cho biết: “Từ hôm xảy ra án mạng tôi thấy rất sợ, đã từng nghĩ tới việc nghỉ bán cà phê để đi nơi khác làm ăn, nhưng nay đã bắt được nghi phạm thì chúng tôi thấy bớt lo hơn”.

Ông Nông Hồng Quân (59 tuổi), nhân viên bảo vệ siêu thị gần nhà nạn nhân, chia sẻ: “Mấy hôm nay trực bảo vệ ở bên này tôi rất sợ, không biết hung thủ đang ở chỗ nào nên vừa làm vừa lo. Vợ con ở quê gọi điện thoại vào hỏi thăm vì lo cho tôi quá. Nay bắt được thì yên tâm lắm rồi”.

Bà Nguyễn Thị Sương (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) cho hay: “Khi đọc tin cơ quan công an đã bắt được hai nghi phạm của vụ án, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy an tâm hơn. Người dân chúng tôi mong muốn các cơ quan cần xét xử nghiêm minh, thích đáng đối với những kẻ gây ra tội ác để đòi lại công bằng cho các nạn nhân”.

“Ai nỡ giết con dâu tui?”

Sáng 11-7, trong căn nhà gỗ lợp tôn cũ kỹ ở xóm nhỏ hẻo lánh xã Kiến An, Chợ Mới (An Giang), bà T., 47 tuổi, mẹ của Nguyễn Hải Dương, ôm mặt nghẹn ngào. Hàng xóm kể sáng nay sau khi nhiều người đọc báo cho hay chuyện, bà ngỡ ngàng như... bị trời trồng, sau đó ngất lịm đi. Mỗi lần tỉnh dậy lại gào khóc: “Dương ơi, sao làm vậy con?”.

Mấy ngày trước, khi hay cả gia đình Lê Thị Ánh Linh bị thảm sát, bà T. bỏ ăn bỏ ngủ, sớm chiều ôm mặt khóc ròng: “Ai nỡ giết con dâu tui, giết cả gia đình nó?”.

Nhiều hộ ở lân cận cho biết dù chưa cưới hỏi nhưng Linh đã nhiều lần về đây. Linh đã gọi bà T. và ông H. (chồng bà T., cha Dương) bằng cha, bằng mẹ. “Tội nghiệp con nhỏ đẹp người đẹp nết, bình dị dễ gần lắm, làng trên xóm dưới đều khen”, nhiều người ở đây nói.

Mãi đến trưa, khi bình tĩnh trở lại, bà T. kể học xong phổ thông Dương lên TP.HCM học trung cấp, do thiếu môn nên không được nhận bằng. Từ bảy năm trước ông H. đã lên đó làm quản lý cho một cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ của người em ruột tại Nhị Bình 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Nhân đó Dương vào cơ sở này làm, vừa đi học thêm, gần đây đi học bằng lái xe.

Dương quen Linh chừng bốn năm nay, từng đưa bạn gái về quê dự đám giỗ bà ngoại, đám cưới dì út của Dương. Dương bảo sau khi yêu nhau mới biết gia thế người yêu mình giàu có, thấy nhà cửa còn nghèo, phần mặc cảm nên bà T. không dám cho Linh ghé nhà.

Rồi một lần Dương đột ngột chở Linh về nhà bằng xe máy. Linh gần gũi, bình dị khiến bà không còn ngại ngần. Căn nhà hơi chật, không có giường, chỉ có một căn buồng nhỏ, Dương, Linh, bà T. và đứa con gái cùng nằm ngủ chung trên nền gạch đất giữa nhà. Họ trò chuyện thâu đêm, từ đó giữa bà T., em gái của Dương và Linh càng thêm thân thiết.

“Hằng tuần nó đều gọi điện hỏi thăm tui và con gái tui, thường đến thăm chồng tui, rủ tụi tui lên thăm gia đình nó. Mẹ của Linh cũng vậy. Tui nghĩ người ta giàu sang nên ngại, chưa dám” - bà T. nói trong nước mắt.

Bà T. còn cho hay cách nay hơn chục ngày Linh gọi điện thoại hỏi thăm bà, nói mấy tháng qua do quá bận đi thực tập chuẩn bị tốt nghiệp nên chưa thể về thăm được. Linh mong bà lên thăm gia đình mình. “Nó trò chuyện với tui bình thường, rất tình cảm, không hề có dấu hiệu gì giữa hai đứa nó chia tay nhau cả”, bà T. lại khóc rấm rứt.

Mấy người chú, dì của Dương cho biết ban đầu họ giấu bà chuyện cả gia đình Linh bị thảm sát, sau đó mới cho biết. Bà T. khóc ngất, bỏ ăn bỏ ngủ, tối ngày nhắc tên Linh. Và khi Dương gọi điện về, bà trách mắng sao không báo tin để bà lên chia buồn, Dương lạnh lùng: “Con đang ở đám tang nè, không cho mẹ hay vì sợ mẹ buồn”.

 

 
Theo Tuổi Trẻ
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889