Những 'rào cản' với luật sư trong tố tụng

Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho biết, "cản trở" của các cơ quan tố tụng với việc hành nghề của luật sư được minh chứng qua việc đơn giản là cấp chứng nhận bào chữa. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, trong thời hạn 3 ngày, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa. Nhưng ông Quang cho rằng, thực tế đã không diễn ra như vậy.

 

"Gần 100% các trường hợp không được cấp giấy chứng nhân bào chữa đúng thời hạn 3 ngày, cá biệt có khi kéo dài hơn một năm", ông Quang đánh giá.

Cùng quan điểm trên, bà Nông Thị Hồng Hà nhận xét: "Hầu như rất ít trường hợp luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn". Trong khi việc này có ý nghĩa rất quan trọng với bị can, bị cáo - họ cần có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Với thâm niên lâu năm trong nghề luật sư, bà Hà nhận xét: "Tại một số trường hợp, giấy chứng nhận người bào chữa được cơ quan điều tra sử dụng như một "công cụ" để hạn chế luật sư tham gia tố tụng". Lý do được đưa ra cho cho việc này thường là bưu điện chuyển đến chậm (nếu gửi qua bưu điện) hoặc người có thẩm quyền cấp giấy đi công tác vắng...

Hay lý do khác "lịch sự" hơn cho việc trì hoãn, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, được một số luật sư "tổng kết" đó là việc họ được điều tra viên thông báo "bị can từ chối, không mời luật sư".

"Trong khi đó chúng tôi có đủ căn cứ xác định bị can thật sự muốn mời luật sư bảo chữa cho mình", ông Quang bức xúc.

Còn luật sư Vũ Công Dũng đặt thẳng nghi ngờ, người bị tạm giam có khi còn bị tác động bởi cán bộ có thẩm quyền để từ chối luật sư.

Nhiều bị cáo rất cần luật sư để bảo vệ quyền lợi. Ảnh minh họa: Hoàng Khuê

Ở cương vị cơ quan kiểm soát, một đại diện Viện phúc thẩm VKSND Tối cao cho biết: "Việc cấp giấy chứng nhận bào chữa nếu đầy đủ thủ tục chỉ cần 15 phút là xong. Đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải làm".

Theo vị này, có luật sư tham gia tố tụng thì càng tạo được sự dân chủ, văn minh. Vấn đề quan trọng là tìm ra sự thật, công lý. "Chúng ta làm việc vì lương tâm đạo đức nghề nghiệp, vì những người yếu thế trong xã hội", ông nói.

Sau "cửa" cấp chứng nhận bào chữa, khó khăn trong việc được vào trại giam gặp thân chủ cũng tiếp tục được các luật sư nêu ra. "Việc trực tiếp đến trại giam để gặp đương sự là việc làm cực kỳ khó khăn và rất ít trường hợp thực hiện được", ông Dũng phản ánh.

Chia sẻ việc này, ông Quang cho biết: "Gặp được bị can đang bị tạm giam đã hiếm, nhưng nếu được thì bao giờ cũng đều có mặt điều tra viên ngồi cạnh để giám sát".

Theo ông Quang lý do nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là bởi một số cán bộ còn mang tư tưởng cũ, không muốn người bào chữa có mặt trong hoạt động điều tra vì sợ rằng sẽ bị gây cản trở, khó khăn.

Hàng loạt những vấn đề "chết" khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã được các luật sư thẳng thắn nêu ra tại Hội thảo khoa học về sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật vào sáng 8/10 do Đoàn luật sư Hà Nội tổ chức.

"Quy định người bào chữa chỉ được gặp riêng đương sự một giờ trong một lần gặp là không phù hợp với thực tế", ông Dũng nhận xét.

Trăn trở này nhận được sự chia sẻ của luật sư Phạm Hồng Hải, Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư toàn quốc. Từng góp mặt tại nhiều vụ án nổi đình nổi đám vào bậc nhất của cả nước, ông đánh giá: "Thời gian gặp đương sự của chúng tôi luôn bị thúc ép".

Trước những "tố khổ" của giới luật sư, ông Đinh Văn Hiệp (điều tra viên Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, C15 Bộ Công an) tâm sự: "Điều tra viên không dại gì mà gây khó khăn cho luật sư. Chúng tôi cần sự hợp tác của các bạn với mong muốn làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Chỉ những điều tra viên chưa hiểu biết, nhận thức lệch lạc hay có khuất tất mới sợ luật sư tham gia tố tụng gây khó khăn trong quá trình điều tra".

Về việc luật sư đề nghị được tham gia trong quá trình hỏi cung đương sự và ký xác nhận dưới mỗi bản cung, ông Hiệp cho biết: "Việc chúng tôi rất nhiều, nếu cứ chờ các anh chúng tôi mới được làm thì vụ án đến bao giờ mới kết thúc. Các anh có đủ người để "theo" lực lượng điều tra chúng tôi khi làm việc không, trong khi cả nước mới có hơn 5.000 luật sư mà mỗi năm có hơn 100.000 vụ án cần giải quyết. Luật sư chỉ nên có mặt tại những bản cung quan trọng".

Ông Đỗ Văn Đương (Viện khoa học xét xử, VKSND Tối cao) chia sẻ: "Cũng không nên cho rằng cứ mỗi bản cung phải có chữ ký của luật sư. Ở mỗi cương vị mới thấy những khó khăn của mỗi người". Nhưng ông quan điểm rằng cần "mở toang cánh cửa tố tụng", tạo điều kiện cho luật sư được làm việc.

Ông Được đánh giá cần các giảm bớt các thủ tục tố tụng hiện nay như khởi tố, phê chuẩn, tống đạt quyết định khởi tố... "Chi phí thực hiện những thủ tục rườm rà trên tính ra có thể xóa đói giảm nghèo cho vài tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận bão lũ vừa qua", ông ước tính

Lắng nghe từ đầu đến cuối buổi thảo luận, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, Quốc hội rất quan tâm những trăn trở giới luật sư. Bà đề nghị Liên đoàn Luật sư toàn quốc tập hợp những góp ý, kiến nghị gửi tới Ủy ban để có cơ sở báo cáo Quốc hội vào cuối năm.


CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889