Thưa bộ trưởng, đừng để các bác sĩ 'với tay cao hơn trời'

Thưa bộ trưởng, đừng để các bác sĩ 'với tay cao hơn trời'

Nhìn bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị túm gáy đẩy vào xe công an, lòng tôi nhói đau. Tôi thấy rùng mình về tội ác của đồng nghiệp và lạnh buốt như chính tôi bị bàn tay rắn chắc kia túm vào gáy .

Những ngày qua tôi luôn cảm thấy nặng lòng khi dõi theo vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân phi tang. Dường như tôi đã từng gặp bác sĩ Tường ở khóa cao học hay hội nghị nghiên cứu sinh... Trông mặt mũi Tường hiền lành, đạo mạo như bất cứ bác sĩ ngoại khoa nào, vậy mà anh ta lại ác và mê muội đến thế.

Nhìn Tường bị túm gáy đẩy vào xe công an, lòng tôi nhói đau. Tôi thấy rùng mình về tội ác của đồng nghiệp và lạnh buốt như chính tôi bị bàn tay rắn chắc kia túm vào gáy .

Thông tin gia cảnh cũng như những lời ăn năn, ân hận muộn màng của đồng nghiệp làm tôi càng thêm xót xa, nặng trĩu, nuối tiếc và cả hoang mang về nghề y và tương lai của chúng ta.

Đồng nghiệp ơi! Gia đình tôi cũng 4 anh em nheo nhóc, mẹ tôi sinh ra 4 người con chỉ trong vòng 5 năm rồi đau ốm triền miên và thất nghiệp. Bố tôi chỉ là một bác sĩ chuyên khoa mắt, không quyền chức, không lao động hợp tác nước ngoài, không làm thêm... Ông phải oằn lưng nuôi 4 con và một vợ, đến khi về hưu chỉ ông chỉ còn 38 kg.

Gia đình tôi có 2 người làm bác sĩ, chị gái tôi là y tá và cô em út của tôi cũng làm hành chính trong bệnh viện. Ngày bước chân vào trường Y, anh em chúng tôi chỉ mong sau này được đi làm ở nước ngoài, có tiền mua xe máy và xây nhà như bao cô chú đi lao động ở Algeria, Congo...

Đường đời muôn nẻo, xã hội chuyển hóa quá nhanh, chẳng ai trong chúng tôi làm giàu được bằng nghề y. Anh trai tôi làm bác sĩ ở Mỹ gửi được ít tiền về mua đất, chúng tôi góp tiền xây nhà. Cô em gái tôi phất lên nhờ mua được vài mảnh đất hời nên bán rẻ cho tôi chiếc ôtô nhỏ. Bản thân tôi có cuộc sống tạm ổn chứ chưa dư giả gì.

Không biết vì bản tính nhút nhát, lười biếng hay theo chủ nghĩa an phận mà tôi vẫn chưa tham gia phòng mạch nào. Tôi không dám ký bậy vào giấy khám sức khỏe hay sổ y bạ, cũng chẳng thông đồng với cò mồi để cải thiện thu nhập, tôi không quen với việc quát tháo để bệnh nhân phải giật mình mà xòe phong bì đút túi riêng...

Đồng nghiệp ơi! Tôi chỉ hơn bạn vài tuổi nhưng đến giờ phút này có lẽ tôi may mắn hơn bạn. Bạn ngồi trong nhà giam, cầm chắc một tương lai u ám, còn tôi mừng vì đã an toàn đến giờ phút này nhưng tôi vẫn không dám chắc về tương lai.

Ai đó đã nói: “Làm người tốt trong thời buổi này thật khó lắm thay”. Bản thân tôi không chắc có thể giữ mình được đến bao giờ... Nếu tôi có thêm thu nhập, con tôi sẽ được học trường Quốc tế, điều hòa mùa hè sẽ được dùng thoải mái, cả nhà tôi sẽ được đi nghỉ ở resort sang trọng như các con tôi hằng mong ước, tôi có thể thay xe mới to hơn và đẹp hơn...

Tôi đang gồng mình, đang cố giữ gìn giữa ham muốn và thực lực, giữa toan tính mưu đồ và sự níu kéo của lương tâm, nền tảng giáo dục hay truyền thống để mình không sa ngã mà đánh mất lương tri của người thầy thuốc.

Tôi biết làm phòng mạch luôn có sức hấp dẫn ghê gớm và có nhiều cái lợi. Bạn có thêm thu nhập, bạn có thể giúp cấp dưới có thêm vài đồng chi tiêu và tạo công ăn việc làm cho những người đang thất nghiệp. Đồng thời bạn góp phần giảm tải bệnh nhân từ các bệnh viện lớn...

Tuy nhiên bên cạnh đó sẽ có những mặt hạn chế, bạn sẽ bị kiệt sức, không phải ai gây ra mà do chính bạn đang bóc lột bạn. Chẳng phải con bạn sẽ chẳng có ai đón ở trường mặc dù trời đã tối mịt? Bữa cơm của bạn không bao giờ trước 21h và bạn sẽ chẳng biết bản tin thời sự ở tivi là gì nữa.

Những ngày nghỉ, thay vì đưa lũ trẻ đi chơi, nghe chúng líu lo kể chuyện trường lớp, bạn bè... thì lại thì bạn phải chăm sóc bệnh nhân đau ốm, nghe những lời than phiền, kể lể và nếu có sai sót thì ngay lập tức bị kiện...

Tôi chẳng biết khi nào mình sẽ xin làm ở một bệnh viện hay phòng mạch tư nào đó để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho bố, cho con cái đi du học... biết đâu tôi lại rơi vào tình cảnh túng quẫn như bạn. Tôi cầu mong hương hồn của người mẹ túng thiếu cho đến lúc mất của tôi cho tôi sự dũng cảm, minh mẫn để khỏi sai lầm như đồng nghiệp.

Nhưng trên hết tôi muốn cầu xin các lãnh đạo ban ngành hãy cho chúng tôi một cơ chế, hành lang pháp lý, bảo hiểm nghề nghiệp... để chúng tôi hành nghề an toàn, minh bạch và được trả công xứng đáng. Mỗi khi có tai biến chúng tôi có lộ trình hợp lý để giải quyết, đủ tài chính để chi trả..., khỏi phải hành động mù quáng như bị “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” như bác sĩ kia.

Tôi cũng thỉnh cầu thanh tra các cấp của ngành y tế hãy lập lại kỷ cương, khuôn phép, đừng chỉ để phạt và sau đó quay lại cũng lại... để phạt. Hãy cảnh báo cho những người như đồng nghiệp Tường tuân thủ qui tắc “đừng với tay cao hơn trời”.

Tôi kính mong Bộ trưởng bắt đầu từ bây giờ hãy đặt những viên gạch, xây ngôi nhà hạnh phúc cho ngành y, trong đó các bác sĩ có đủ thu nhập để sau khi làm việc cật lực ở bệnh viện có thể sống như một người bình thường, nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và đọc sách... chứ không phải làm thêm nữa.

Khi cuộc sống được cải thiện, tôi và rất nhiều người nữa có thể giúp Tường không bị đói, không bị rét, con cái Tường bớt bơ vơ thiệt thòi... Nhưng để Tường không bị lương tâm dằn vặt, không bị gia đình nạn nhân oán căm thì khó quá đồng nghiệp ơi.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889