Thảm sát Nghệ An: Lý giải hành vi 'đuổi cùng, giết tận' của nghi can

Điều gì đã khiến Vi Văn Mằn “đuổi cùng, giết tận” các nạn nhân? Trên cơ sở tâm lý học hành vi, Trung tá, Ths Đào Trung Hiếu (cựu Điều tra viên trọng án) phân tích, đó là hành vi tự vệ để tránh bại lộ.

Sau 18 ngày tích cực truy xét, cơ quan điều tra đã bắt giữ nghi can gây ra vụ thảm sát 4 người tại Nghệ An là Vi Văn Mằn (20 tuổi, ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Trao đổi tin tức với PV báo Người đưa tin, đánh giá nguyên nhân dẫn đến thắng lợi này của Ban chuyên án, Trung tá Đào Trung Hiếu, cựu điều tra viên tại Đội điều tra trọng án 1 – Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội cho biết, đó là vì lực lượng phá án đã đưa ra một giả thuyết điều tra đúng, sát hợp với thực tế khách quan.

Trung tá Hiếu nói: “Trong nghề điều tra, các nhận định, giả thiết về vụ án, được xây dựng trên những gì còn sót lại sau tội ác, nghĩa là từ những dấu vết, thương tích, vật chứng… thu được tại hiện trường trong hoạt động khám nghiệm, cùng các tài liệu, lời khai nhân chứng hiện trường.

Trên cơ sở những dữ kiện, “đầu bài” đã có, lực lượng phá án phải tư duy logic để đưa ra các phán đoán, nhận định về về tính chất vụ án, về diện đối tượng gây án, động cơ mục đích phạm tội… Nhận định mà đúng thì hướng điều tra đúng, dẫn đến sự thật của vụ án. Nhận định sai, việc điều tra sẽ đi vào vô vọng, câu dầm bế tắc, và kết cục tất yếu là “thối” án.

   Thảm sát Nghệ An: Lý giải hành vi 'đuổi cùng, giết tận' của nghi can - Ảnh 1

Trung tá Đào Trung Hiếu, cựu điều tra viên tại Đội điều tra trọng án 1 – Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội.

Chúng tôi thường nói với nhau, hoạt động truy xét thủ phạm cũng giống như cấp cứu bệnh nhân trong nghề y. Chỉ khi chẩn bệnh chính xác, mới có thể lên phác đồ điều trị hợp lý và kê đơn, bốc thuốc đúng bệnh. Trong vụ này, án ra bởi nhận định đúng”.

Điều thú vị là trước khi làm rõ thủ phạm 4 hôm, tức vào ngày 16/7/2015, trong lúc có nhiều ý kiến đặt nghi vấn vào 3 thanh niên lạ xuất hiện ở hiện trường, thì Trung tá Hiếu đã đưa ra giả thuyết hoàn toàn khác. Trung tá Hiếuphán đoán hung thủ là người địa phương, có quan hệ với nạn nhân, gây án do mâu thuẫn thù tức, không loại trừ việc che dấu tội phạm khác (như hiếp giết).

Việc thảm sát cả gia đình có thể để “diệt khẩu”, vì nạn nhân trót biết những việc thủ phạm cần che giấu…Suy luận đó, đến nay đã được chứng minh là đúng với những gì đã xảy ra. Nghi can Vi Văn Mằn là người địa phương (cùng ở bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An), có quen biết, quan hệ với gia đình nạn nhân, y khai giết cả nhà nạn nhân, vì họ trông thấy Mằn chém anh Thọ...

Lý giải về nhận định này, Trung tá Hiếu nói: “Căn cứ vào chính hành vi thảm sát toàn bộ những người có mặt tại hiện trường (4 người) của hung thủ. Xác nạn nhân nằm rải rác, cho thấy đã có một cuộc “đuổi cùng, giết tận”.

Vì sao hung thủ phải giết bằng hết những người này? Chỉ có thể lý giải đó là vì giữa nạn nhân và hung thủ có quan hệ, hoặc quen biết nhau từ trước.

Khi hung thủ “trót” làm một việc nghiêm trọng, mà bị những người khác nhìn thấy, tâm lý hung thủ khi đó sẽ bật lên một tiếng nói: “Tha cho bất cứ ai, việc làm vừa rồi sẽ bị tố cáo, bởi họ đã biết rõ về mình”.

Việc truy sát đó, là phản ứng tất yếu bị kích hoạt bởi nỗi sợ thường trực trong tâm lý kẻ phạm tội – (sợ bị phát hiện, bị bắt đi tù, bị trừng phạt…). Bản năng tự vệ sẽ thúc đẩy hung thủ làm điều hắn cho rằng cần phải làm, để triệt tiêu mọi nguy cơ bại lộ xảy ra với mình”.

Hành động ác thú

Trung tá Hiếu cho rằng, trong thảm sát Nghệ An, việc Mằn đang tâm chém chết cháu bé chưa đến 1 tuổi trong vòng tay mẹ, đã vượt xa mọi tưởng tượng của nhiều người về mức độ man rợ, phi nhân tính. Đó chính xác là một hành động của ác thú, quái vật.

Về vụ thảm sát ở Bình Phước, Trung tá Hiếu có cách lý giải khác trước việc tên Dương không giết cháu bé. Anh nói: “Đã có người “khen” Dương còn một chút nhân tính, khi tha mạng cho cháu bé 18 tháng tuổi. Bản thân Dương giải thích lý do dừng tay dao, bởi y quen thân với cháu, thấy thương hại nên không nỡ giết.

Trên cơ sở tâm lý học hành vi, tôi cho rằng việc Dương không giết cháu bé đó, chỉ vì y cảm thấy cháu “vô hại” với mình. Y biết rõ ở độ tuổi đó, cháu bé chưa có khả năng tri giác (ghi nhớ và phản ánh), nên không thể kể với ai về việc làm của mình. Giả sử nếu đó là một cháu bé đã lớn hơn, có thể nhớ được mặt hung thủ và kể lại chuyện cho người khác…thì rất có thể Dương sẽ không chần chừ khi xuống tay dứt điểm tính mạng cháu”.

Quà mừng 20/7

Sau khi bắt được nghi can trong vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước, cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc điều tra vụ án bản Phồng. Đến ngày 19/7/2015 hung thủ đã lộ diện.

Chia sẻ cảm xúc về chiến công này của lực lượng phá án, Trung tá Hiếu nói: “Cũng như người dân cả nước, tôi xin bày tỏ sự khâm phục và biết ơn tinh thần làm việc tận tụy quên mình, vượt mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu hy sinh vì bình yên cuộc sống của đồng đội. Với việc kẻ thủ ác lộ diện và chịu sự trừng phạt của pháp luật, các anh đã phần nào xoa dịu nỗi đau của thân nhân người bị hại, băng bó tổn thương của xã hội sau những thảm kịch vừa qua.

Điều các anh làm được đã chứng minh tính nghiêm minh của pháp luật và công lý luôn tồn tại, kẻ có tội ắt sẽ bị trừng trị. Những chiến công này càng ý nghĩa hơn, bởi đúng vào dịp kỷ niệm 53 năm, ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam”.

Mô tả về những khó khăn của CBCS Công an trong hành trình khám phá các vụ trọng án trên rẻo cao, Trung tá Hiếu cho biết: “Trọng án ở miền núi thường tập trung vào các nguyên nhân xã hội như mâu thuẫn thù tức (nhiều vụ do dân trí lạc hậu, nghi ngờ thả ma, bùa ngải… có thể dẫn đến giết người). Rừng núi còn là tuyến hoạt động của các băng nhóm tội phạm ma túy, chúng có thể thanh toán nhau tại đây.

Làm án trên rẻo cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn đặc thù và lớn nhất chính là ở rào cản văn hóa và ngôn ngữ. Thông tin tội phạm luôn đến từ người dân, nhưng muốn lấy được trước tiên phải biết tiếng của họ.

Mặt khác, với người thiểu số, nếu không tin, không quý thì không nói. Cán bộ điều tra phải am hiểu văn hóa, tập tục của họ, thực hiện 3 cùng với họ (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc), chiếm được lòng tin thì người ta mới cởi lòng mà nói cho biết thông tin về vụ án.

Chưa kể, mối quan hệ dòng tộc, họ hàng chằng chịt, dễ dẫn đến tâm lý bảo vệ, che chắn cho kẻ phạm tội. Về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của anh em CBCS vô cùng gian khổ, thiếu thốn và nguy hiểm”.

Mộc Miên

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889