Đến tòa sáng nay trong bộ quần áo chỉnh tề, cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên vui vẻ bắt tay em trai. Bị cáo 50 tuổi này là người duy nhất mang theo tập hồ sơ dày, cắm cúi đọc trong vành móng ngựa.
Hơn một tiếng trước giờ thông báo mở phiên xử, 5 xe thùng tiến vào cổng trụ sở tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội trên đường Đội Cấn, chuẩn bị cho phiên phúc thẩm kéo dài 10 ngày xem xét đơn chống án của cựu phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên và 5 cựu lãnh đạo cấp cao nhà băng này.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xuất hiện muộn trong phòng xử phúc thẩm. |
Lực lượng công an bảo vệ được bố trí suốt trục đường Đội Cấn. Như tại phiên sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM, vừa lĩnh án chung thân trong vụ án khác) bị áp giải tới phiên xử.
12 luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo, riêng bị cáo Kiên mời 4 luật sư song một vị vắng mặt. Ngân hàng ACB được xác định là nguyên đơn dân sự, có đại diện tham dự. Phía Vietinbank có luật sư Nguyễn Tiến Hùng làm đại diện, ngân hàng này được xác định là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong các bị cáo, Nguyễn Đức Kiên là người duy nhất mang tài liệu bên mình với tập hồ sơ dày cộp để trong bìa cứng, chăm chú đọc trong vành móng ngựa. Khi tòa kiểm tra căn cước của vợ là Đặng Ngọc Lan, bị cáo 50 tuổi tóc bạc trắng này vẫn không ngẩng lên.
Bà Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên, là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án. Ảnh: Quý Đoàn |
Đầu phiên xử, luật sư Lưu Văn Tám, bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, đề nghị được trao đổi tài liệu với các bị cáo trong giờ nghỉ giải lao và đề nghị HĐXX cho phép bị cáo gặp người nhà. Luật sư Vũ Xuân Nam, bảo vệ Nguyễn Đức Kiên, đề nghị triệu tập một số người có lời khai trong vụ án như nhóm nhân viên của Vietinbank, nhóm nhận tiền vay vốn của Vietinbank. Cùng bảo vệ cho bị cáo Kiên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đề nghị HĐXX xem xét đến sức khoẻ của thân chủ, mong cho bị cáo Kiên được ngồi để trả lời thẩm vấn. Luật sư Nguyễn Đình Hưng, đề nghị HĐXX xem xét việc các cơ quan an ninh không cho mang điện thoại, máy tính vào phòng xử.
Được tòa hỏi trong phần thủ tục, bị cáo Kiên đề nghị triệu tập đại diện của Bộ Tư pháp cùng đại diện sở Kế hoạch đầu tư nơi 6 công ty của mình hoạt động; triệu tập cựu chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Trần Mộng Hùng...Trình bày được hơn một phút, bị cáo Kiên giọng trùng xuống, vẻ mệt mỏi, tay ép vào ngực nói: "Tôi xin lỗi tòa một chút". Ngừng khoảng 10-15 giây, bị cáo nói tiếp và đề nghị thay đổi tư cách của ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) từ nhân chứng sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Sau khi bất ngờ tuyên bố tạm dừng phiên xử, sau khoảng 40 phút, HĐXX tiếp tục làm việc bằng việc chủ tọa thông báo yêu cầu triệu tập thêm một số cá nhân và đại diện một số cơ quan của luật sư và bị cáo, trong quá trình thẩm vấn "nếu thấy cần" HĐXX sẽ thực hiện. Theo tòa, việc triệu tập thêm các nhân viên Vietinbank là không cần thiết nên bác yêu cầu này. Tòa cũng không chấp nhận việc các luật sư bảo vệ cùng một bị cáo muốn ngồi cùng một khu vực.
HĐXX chấp nhận việc bị cáo gặp luật sư tại phiên xử nhưng sẽ xem xét trong những điều kiện thích hợp. Việc gặp thân nhân, theo tòa thuộc về các cơ quan có thẩm quyền quản lý bị cáo. Việc xác định lại tư cách của một số người và nhận thêm chứng cứ để giúp giải quyết vụ án, tòa cũng sẽ xem xét.
Trao đổi lại với HĐXX, các luật sư tiếp tục đề đạt nguyện vọng được ngồi gần nhau để tiện trao đổi. Chủ tọa khẳng định không chấp nhận và tuyên bố "dừng lại ở đây". Theo thông báo, 13h30 HĐXX sẽ tiếp tục làm việc.
Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND Hà Nội xác định đã chiếm đoạt 718 tỷ đồng tiền ACB gửi trái phép vào Vietinbank. Hôm nay, người này bị triệu tập đến phiên phúc thẩm vụ bầu Kiên. |
Theo bản án sơ thẩm ngày 9/6 của TAND Hà Nội, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng tài khoản với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng thông qua 6 công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên. Hành vi này được cho là phạm tội Kinh doanh trái phép, theo Điều 159 Bộ Luật hình sự, do kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký.
Án sơ thẩm cho rằng thông qua Công ty B&B (một trong 6 công ty), bị cáo Kiên đã trốn thuế hơn 25 tỷ đồng khi ký hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính giữa công ty B&B với em gái mình nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh vàng sang cho cá nhân bà này.
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cấp sơ thẩm quy kết ông Kiên bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát để nhận về 264 tỷ đồng.
Với tội Cố ý làm trái, bị cáo Kiên bị xác định trong thời gian làm việc tại ACB đã cùng bị cáo Lý Xuân Hải (Tổng giám đốc ACB), 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng gửi vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các sếp của ACB còn bị cáo buộc đã tổ chức đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Cấp sơ thẩm cho rằng, hậu quả của các hành vi nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng nên tuyên phạt bị cáo Kiên tổng cộng 30 năm tù. Bị cáo này kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm 4 tội (Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) như quy kết.
5 bị cáo Hải, Kỳ, Cang, Quang, Tuấn (án 2-5 năm tù) chống án kêu oan hoặc đề nghị xem xét lại việc bị kết tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Việt Dũng
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận