Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến có được đặc xá?

 - Những đối tượng nào sẽ được xét đặc xá, thưa ông?

 

- Có 3 đối tượng: (1) những người bị kết án phạt tù mà đang chấp hành hình phạt tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý; (2) người bị kết án phạt tù đang được hoãn chấp hành hình phạt tù; (3) người bị kết án tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Điều kiện để có thể được xét đặc xá cụ thể ra sao, thưa ông?

- Người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt trước hết phải chấp hành tốt các quy chế, nội quy của trại; tích cực học tập và lao đông, cải tạo và trong quá trình đó phải được xếp loại khá trở lên. Một yêu cầu khác là phạm nhân phải chấp hành được ít nhất 1/3 tổng số thời gian phạt tù.

Với đối tượng bị phạt tù chung thân thì phải chấp hành ít nhất được 10 năm tù rồi. Còn trường hợp án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân thì thời gian chấp hành hình phạt tù phải tối thiểu từ 12 năm trở lên.

Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước vừa công bố đã loại những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia, có 3 tiền án trở lên; phạm nhân cầm đầu các tổ chức tội phạm, hoạt động băng nhóm và có tính chất xã hội đen ra khỏi diện được xét đặc xá. Vì sao vậy thưa ông?

Việc đặc xá phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Mà những đối tượng trên thì không ai dám khẳng định là khi được thả ra, họ sẽ không tái phạm.

Ví dụ như vụ án Năm Cam và đồng phạm được coi là hoạt động xã hội đen có tổ chức. Nhưng trong đó lại có những quan chức như Phạm Sỹ Chiến, Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh. Vậy những đối tượng này cũng không bao giờ được xét đặc xá, thưa ông?

- Đúng là dư luận vẫn gọi đó là băng nhóm tội phạm Năm Cam. Song những phạm nhân từng là quan chức, không phải là thành viên của nhóm này, họ chỉ là người có trách nhiệm trong việc quản lý, có sai phạm trong việc tạo điều kiện cho băng nhóm xã hội đen đó hoạt động. Vì thế nếu cải tạo tốt, họ vẫn được xét đặc xá.

Thưa ông, những đối tượng nằm trong diện gia đình có công với cách mạng, thương binh, người bị kết án do phạm tội về kinh tế có được ưu tiên đặc xá?

- Cũng không hẳn là ưu tiên, mà chủ trương đặc xá lần này có mở rộng thêm một số đối tượng đặc biệt như: bản thân là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; được thưởng huân chương hoặc huy chương, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Những đối tượng khác là người trong quá trình chấp hành hình phạt tại trại giam đã lập công lớn, hay đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; đối tượng phạm những tội về kinh tế mà đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền và hoàn thành tốt việc bồi thường dân sự của bản án đã tuyên; người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng đã già yếu (trên 70 tuổi), không còn khả năng phạm tội...

Với những trường hợp nêu trên, điều kiện xét ân xá có nới lỏng hơn. Nếu họ thực hiện cải tạo tốt thì chỉ cần chấp hành hình phạt dược 1/4 tổng số thời gian phạt tù (án tù có thời hạn), 8 năm với án tù chung thân và chấp hành trên 10 năm với án tử hình được ân giảm thì sẽ được xét đặc xá.

Bấy lâu dư luận thường lo lắng có việc "chạy chọt" để được đặc xá", ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Kể cả trước đây và trong đợt này, nếu phát hiện nơi nào xảy ra chuyện "chạy chọt" thì phải xử lý nghiêm.

Hội đồng Tư vấn đặc xá trung ương có biện pháp gì để ngăn chặn hành vi này, thưa ông?

- Hội đồng sẽ thành lập 9 đoàn chuyên viên để đi kiểm tra các nơi. Sau khi các nơi trình hồ sơ lên, hội đồng sẽ phải đối chiếu, kiểm tra từng trường hợp. Mỗi thành viên Hội đồng tư vấn phải có một tổ tư vấn giúp việc (hơn 10 người) để kiểm tra lại hồ sơ mà các địa phương trình lên. Mình làm chặt chẽ, công khai như vậy, yếu tố tiêu cực khó mà len vào được.

Những quy định, tiêu chuẩn sẽ được niêm yết thế nào trong trại giam để phạm nhân được biết?

- Các trại sẽ phải thực hiện việc công khai các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đặc xá. Trên cơ sở đó để chính các phạm nhân bình bầu công khai người nào đủ tiêu chuẩn, người nào không. Thậm chí, nếu phạm nhân đủ các tiêu chuẩn mà không được xét đặc xá, người tá còn kiện ấy chứ.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889