CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị còng tay, còng chân như trọng phạm

Trung Nam Hải "nóng mặt": CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị còng tay, còng chân như trọng phạm

Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - lên tiếng tỏ thái độ trong vụ Canada bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 theo đề nghị của phía Mỹ

Trong bài xã luận đăng trên số ra ngày Chủ nhật (9/12), NDNB gọi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chul à "một vụ việc khiến xã hội quốc tế chấn động", "xâm phạm quyền lợi hợp pháp chính đáng của công dân Trung Quốc, bất chấp luật pháp, không hợp lý, không hợp tình, tính chất hết sức tồi tệ".

Tờ này cáo buộc Canada xâm phạm nhân quyền của công dân Trung Quốc. Theo đó, "cảnh sát Canada - trong tình huống chưa có kết quả thẩm phán kết tội, hoàn toàn phớt lờ luật pháp, đã lựa chọn xác định [bà Mạnh Vãn Chu] có tội và buộc đương sự đeo còng tay, còng chân".

Báo đảng Trung Quốc gay gắt chỉ trích Canada đối xử với Công dân Trung Quốc "như một trọng phạm", "làm nhục nhân phẩm đương sự" và "khiến mọi người cảm thấy phẫn nộ".

NDNB đe dọa, Trung Quốc không gây chuyện nhưng "không sợ va chạm, bất kể ai cũng không thể xem thường sự tự tin cùng thực lực của Trung Quốc", và Canada phải chịu toàn bộ trách nhiệm nếu vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, CFO của Huawei vừa thực hiện phẫu thuật tuyến giáp hồi tháng 5 vừa qua, đồng thời có tình trạng cao huyết áp cần được chăm sóc y tế hàng ngày, nhưng bà Mạnh không được phía Canada đáp ứng những nhu cầu này.

Hoàn Cầu cho rằng, bà Mạnh không vi phạm luật pháp Canada, trong khi Mỹ đề nghị Canada bắt giữ bà này dựa trên cáo buộc vi phạm luật pháp Mỹ nhưng việc các bằng chứng do phía công tố Mỹ đưa ra có đủ vững chắc hay không vẫn là điều chưa thể xác định.

Cơ quan công tố Canada cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu dính nghi vẫn nắm vai trò lãnh đạo trong một công ty con của Huawei, và công ty này vi phạm quy định trong lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran trong lĩnh vực mua bán thiết bị điện tử.

Hoàn Cầu nhận định, cáo buộc của Canada vẫn còn nhiều tranh cãi, và ngay cả khi những chứng cứ được phía Mỹ thừa nhận thì tính chất vụ việc pháp lý "tay ba" (Mỹ-Trung Quốc-Canada) này vẫn còn nhiều không gian tranh luận về trình tự tư pháp.

Trong hai ngày cuối tuần qua (8-9/12), thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc lần lượt triệu tập đại sứ Canada tại Bắc Kinh John McCallum và đại sứ Mỹ Terry Brandstad để bày tỏ thái độ "giao thiệp nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ" đối với hành động của Mỹ và Canada trong vụ bắt giữ CFO Huawei.

Trước đó ngày 7/12, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này đã tiến hành hỗ trợ đối với bà Mạnh sau khi nắm được thông tin, đồng thời "yêu cầu nước bạn lập tức làm rõ lý do câu lưu [bà Mạnh], lập tức trả tự do cho người bị câu lưu".

Một tòa án quận ở New York (Mỹ) hồi tháng 8 đã ban hành sắc lệnh đề nghị chính quyền Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh.

Bà này bị bắt giữ ngày 1/12 vừa qua khi chuyển máy bay tại Vancouver trên hành trình từ Hồng Kông tới Mexico. Đây cũng là ngày chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp quan trọng với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina, đồng thời đạt thỏa thuận tạm thời đình chiến thương mại hai nước trong 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận mới.

Giáo sư Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng ít có khả năng Canada sẽ nhượng bộ sức ép của Bắc Kinh đòi trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu.

Theo ông, "nếu Trung Quốc trả đũa Canada thì sẽ xuất hiện những phản ứng từ phương Tây về lý do nước này không hành động chống lại bên ra lệnh bắt là Mỹ". Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ ông Robert Lighthizer ngày 9/12 nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung không nên bị tác động bởi vụ bắt giữ gây nhiều tranh cãi này.

( NGHỀ LUẬT SƯ - theo tri thức trẻ)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889