Chủ tịch nước yêu cầu rà soát đại án Huyền Như

Trước những ý kiến cho rằng bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội, chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị các cơ quan tố tụng khẩn trương rà soát lại. 

Theo công văn từ Văn phòng Chủ tịch nước gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, sau khi TAND TP HCM xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm, có nhiều ý kiến khác nhau về bản án mà HĐXX đã tuyên.

Ngoài những ý kiến tán thành, còn nhiều ý kiến chưa đồng tình với kết quả xét xử sơ thẩm, đề nghị xem xét lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như, tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank) vì cho rằng bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa công bằng, nghiêm minh và chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiều bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có đơn kháng cáo; VKSND TP HCM cũng có kháng nghị phúc thẩm. Vụ án đang trong quá trình được TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

huynh-thi-huyen-nhu-1-3019-1399624883.jp

Sau phiên tòa sơ thẩm hồi đầu năm, có nhiều ý kiến không đồng tình với kết quả bản án tòa đã tuyên. Ảnh: Hải Duyên. 

 

Trước tình hình đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát lại vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Từ đó, xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (không loại trừ tổ chức, cá nhân nào), có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lĩnh vực kinh tế.

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM, do thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, từ năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) đã làm giả nhiều con dấu, chữ ký của các cá nhân tổ chức để lừa chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Với hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, bị cáo Như đã bị tòa tuyên phạt mức án tù chung thân. Liên quan đến vụ án còn có 22 bị cáo khác bị kết án.

 

Sau phiên sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mà chỉ xin xem xét lại về phần bồi thường dân sự và yêu cầu tòa phúc thẩm trả lại căn biệt thự trị giá 42 tỷ đồng ở Đà Nẵng cho mẹ mình bởi cho rằng đây là tài sản của bà.

Riêng 2 bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Nhà Bè (Vietinbank Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) là những đồng phạm tích cực giúp sức cho Như chiếm đoạt tiền thì bị VKSND TP HCM kháng nghị theo hướng tăng hình phạt.  

Ngoài ra, hầu hết các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án đều kháng cáo đề nghị TAND Tối cao xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của VietinBank trong vụ án và buộc ngân hàng này phải có trách nhiệm đối với số tiền mà Huyền Như, với tư cách là người của VietinBank, đã chiếm đoạt của họ.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889