Những khuất tất trong vụ xét xử Cốc Khai Lai

 Giới luật sư đã chỉ ra rất nhiều khuất tất trong vụ án mang động cơ chính trị này; Có tin cho rằng người xuất hiện tại tòa hôm đó là Cốc Khai Lai giả mạo.

 

Hôm 20/8, Tòa án tại Trung Quốc đã công bố phán quyết với bị cáo Cốc Khai Lai, phu nhân cựu thành viên Bộ Chính trị TƯ đảng, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Với vụ giết chết doanh nhân người Anh Neil Heywood, bà Cốc bị kết án tử hình với thời hạn “treo” 2 năm.

Các quan sát viên nhận xét rằng phiên tòa rất ngắn gọn. Tất cả trình tự xét xử diễn ra chỉ trong một buổi, và bị cáo Cốc Khai Lai lập tức nhận hoàn toàn tội lỗi. Hoạt động bào chữa chỉ đơn giản là tìm kiếm những tình tiết giảm nhẹ. Tại phiên tòa đã tuyên bố rằng vào thời điểm thực hiện vụ giết người, bà Cốc Khai Lai ở tình trạng suy nhược thần kinh do căng thẳng quá độ. Theo trình bày của luật sư, Haywood đã tống tiền bà Cốc và đe dọa sự an toàn của con trai bà. Xét theo mọi điều, trong trường hợp này, vụ tống tiền bao hàm ở chỗ Haywood dọa sẽ công bố mọi chi tiết của việc Bạc gia chuyển ngân ra nước ngoài.

Tuy nhiên, những động cơ kinh tế của vụ giết doanh nhân người Anh đã ở ngoài phạm vi phân xử tại tòa. Bị cáo Cốc Khai Lai không bị buộc tội tham nhũng hay tội phạm tài chính. Điều đó có nghĩa là trong tương quan với việc gần đến Đại hội Đảng lần thứ 18, chính quyền Trung Quốc không mong muốn tiếp tục thổi bùng xì-căng-đan. Trái lại, tất cả được thực thi nhằm nhanh chóng chấm dứt vụ việc. Rất có vẻ là các bị cáo – bà Cốc Khai Lai và đối tượng đồng lõa Trương Hiểu Quân - đã thực hiện thỏa thuận với các đại diện công lý. Có thông báo rằng họ sẽ không kháng cáo. Như thế có nghĩa là vấn đề sẽ dần dần rời khỏi trọng tâm chú ý của công chúng. Hôm 20/8, tòa án cũng đã khá khẩn trương công bố bản án với 4 sĩ quan cảnh sát cao cấp từ Trùng Khánh, mà theo tư liệu theo điều tra, là những người đã che giấu tội phạm của bà vợ ông Bạc Hy Lai. Đối với Cốc Khai Lai, không còn nghi ngờ gì nữa, sau hai năm treo, án sẽ được giảm xuống mức tù chung thân. Có thể là qua một thời gian nào đó, bà ta sẽ được trả tự do vì lý do y tế. Không bỗng dưng mà trong thời gian xét xử Tòa đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vợ ông Bạc có triệu chứng rối loạn thần kinh.

Theo báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” số ra ngày 21/8, kết luận nhanh chóng về vụ án giết người do bà Cốc Khai Lai làm chủ mưu đã làm dấy lên những câu hỏi về ý chí của Bắc Kinh trong việc ủng hộ sự cai trị của luật pháp.

Theo các nguồn tin, bà Cốc Khai Lai đã nhận tội đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11/2011, sau một vụ tranh chấp tài chính giữa hai bên. Vụ án nhạy cảm do liên quan đến ông Bạc Hi Lai và được coi là một phép thử đối với ý chí của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thúc đẩy công lý và sự cai trị của luật pháp. Một số chuyên gia phân tích cho rằng vụ án này cũng không khác gì một phép thử đối với hệ thống tư pháp của Trung Quốc sau 3 thập kỷ tiến hành cải cách luật pháp (vốn vẫn còn nhiều lỗ hổng).

Giáo sư Lâm Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đại lục thuộc Đại học Quốc lập Trung Sơn Đài Loan, nhận định: “Có quá nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời từ phiên tòa chóng vánh này”. Theo Giáo sư Lâm Văn Thành, việc chủ tọa phiên tòa đưa ra kết luận cuối cùng chỉ sau 6 giờ xét xử là “quá nhanh”.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại lục chỉ dựa vào thông tin của hãng thông tấn Tân Hoa Xã để đưa tin về phiên tòa. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài chi tiết được Tân Hoa Xã đưa tin một ngày sau khi kết thúc phiên tòa tại Tòa án Nhân dân cấp Trung thẩm thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Nhận định về phiên tòa này, chuyên gia phân tích chính trị Chương Lập Phàm nêu rõ: “Phiên xử đó nghiêng nhiều về chính trị hơn là một phiên xử pháp luật”.

Nhiều chuyên gia phân tích luật pháp cho rằng những chi tiết diễn ra trong phiên xử ngày 20/8 rõ ràng đã được ban lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh quyết định từ cách đây nhiều tuần, với mong muốn khép lại vụ bê bối Bạc Hi Lai trước đợt chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào mùa Thu năm nay. Chuyên gia Chương Lập Phàm khẳng định: “Vụ án này đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định từ trước”. Trong khi đó, Giáo sư Lâm Văn Thành nhận định, vụ xử bà Cốc Khai Lai cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì một “chiếc vòng kim cô” quanh phiên tòa và phiên tòa này phục vụ các mục đích chính trị của họ.

Khi Tân Hoa Xã lần đầu tiên thông báo rằng phiên tòa sẽ được xét xử tại tỉnh An Huy, nhà chức trách Trung Quốc đã nói rằng có đủ bằng chứng không thể chối cãi để kết tội bà Cốc Khai Lai. Một luật sư người phương Tây làm việc ở Thượng Hải đặt câu hỏi: “Mục đích của việc mở một phiên tòa là gì nếu như bằng chứng là ‘không thể chối cãi’?” Theo luật sư này, vấn đề chính vẫn chưa được giải đáp là ông Bạc Hi Lai đóng vai trò gì trong vụ án này. Vị cựu Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không được đề cập đến trong phiên xử bà Cốc Khai Lai, mặc dù động cơ dẫn đến hành động phạm tội của bà Cốc Khai Lai - các tranh chấp kinh tế - đã được tuyên bố là liên quan đến một dự án phát triển bất động sản và một dự án ở Trùng Khánh thuộc quyền quản lý của ông Bạc Hi Lai.

Vụ án cũng liên quan đến một số sĩ quan cảnh sát cấp cao, những người từng là trợ thủ đắc lực của ông Bạc Hi Lai, trong đó có Vương Lập Quân - người giữ chức Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh vào thời điểm doanh nhân Neil Heywood bị sát hại. Về vấn đề này, chuyên gia phân tích Chương Lập Phàm nhận định: “Một câu hỏi quan trọng vẫn chưa được giải đáp là liệu cá nhân ông Bạc Hi Lai có liên quan đến vụ giết người hay không, và sau khi xảy ra vụ án, ông ấy có biết hay không? Trả lời được câu hỏi này sẽ xác định được ông Bạc Hi Lai có đóng vai trò trong việc bao che hay không”.

Một luật sư khác là Hà Vi Phương bổ sung thêm chi tiết “không có đủ các cuộc thảo luận và tòa án không đưa những nhân chứng chủ chốt là ông Bạc Hi Lai và Vương Lập Quân đến phiên xử bà Cốc Khai Lai”. Theo Giáo sư Lâm Văn Thành, Bắc Kinh đang cố gắng tách ông Bạc Hi Lai khỏi phiên tòa xử vụ giết người và các cáo buộc tham nhũng để giảm nhẹ tác hại đối với hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Rõ ràng, là ở thời điểm này, công danh sự nghiệp của ông Bạc đã chấm hết vì tội phạm quá nghiêm trọng của bà vợ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trấn áp xong phái cánh tả trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, mà đại diện hàng đầu là vị cựu lãnh đạo đảng của Trùng Khánh. Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, nhận định: “Trong khoảng thời gian nào đó, cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ dịu đi, bởi tất cả đều kinh hoàng trước qui mô lạm dụng chức quyền của phe cánh Bạc Hy Lai. Các đại diện cánh tả tạm thời ngừng lên tiếng. Bây giờ theo nghĩa nào đó ý tưởng cánh tả hóa ra đã được biện minh. Điều chủ yếu là tội phạm của bà vợ chính trị gia. Sau vụ án có tính chất xoáy vào một vài cá nhân này, mô hình Trùng Khánh như là hình mẫu tiến hành cải cách đã thoát khỏi cú tấn công của phái phản biện. Thoạt đầu, tất cả chuẩn bị tâm thế rằng vụ việc Bạc Hy Lai sẽ là đòn giáng mạnh vào phái các chính khách Trung Quốc cánh tả và làm tổn hại tất cả những lối tiếp cận gắn với xu hướng nâng cao vai trò của Nhà nước bằng tăng cường chính sách xã hội tích cực. Bây giờ hóa ra là ở đây chẳng có gì xấu, còn cá nhân Bạc Hy Lai chỉ có lỗi trong việc bà vợ ông ta phạm tội hình sự”.

Có chi tiết đáng chú ý là trong thời gian tòa xét xử, không lần nào người ta nhắc tới danh tính Bạc Hy Lai. Vì thế ít có khả năng là tiếp sau phiên tòa xử Cốc Khai Lai sẽ tiếp tục nêu ra những cáo buộc hình sự chống lại bản thân chính trị gia ngã ngựa này. Trước thềm Đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, không ai muốn làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã phức tạp với việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới. Hẳn là ông Bạc sẽ chịu kỷ luật đảng, có thể nặng đến mức khai trừ khỏi hàng ngũ cộng sản. Nhưng sẽ không ai đào sâu thêm về những gì thực sự diễn ra ở Trùng Khánh. Và đặc biệt là không để mọi diễn biến nội bộ trở thành công khai. Bởi như vậy có thể khơi lên vô số câu hỏi bất tiện, mà ban lãnh đạo hiện tại cũng như tương lai sẽ rất khó trả lời. Câu hỏi chính trong đó là, phải chăng đã có thất bại trong cơ chế chuyển giao quyền lực tối cao. Trên thực tế, cho đến trước cuộc bãi nhiệm bất ngờ của Bạc Hy Lai, thì gia đình ông ta vẫn được xem là mô hình mẫu mực, còn bản thân Bạc Hy Lai thì đầy triển vọng vươn tới vị trí hàng đầu trong hệ thống sau Đại hội đảng lần thứ 18.

 

Hình trên tivi Trung Quốc gây nghi ngờ

 

Cốc Khai Lai tại tòa là giả mạo?

Hôm 20/8, truyền hình nhà nước Trung Quốc truyền đoạn ngắn cảnh bà Cốc Khai Lai khi tòa tuyên án tử hình treo với bà vì tội giết một doanh nhân người Anh.

Nhưng ngoại hình có vẻ tròn trĩnh của bị cáo, khác với hình chụp trên báo chí nước ngoài, đã làm nảy sinh nghi ngờ ai đó được đưa ra trước tòa.

Một số trang web tiếng Hoa hải ngoại thậm chí cáo buộc người này có tên Triệu Thiên Thiều.

Đến hôm 22/8, cụm từ “thế thân” đã bị chặn trên nhiều trang web lớn tại Trung Quốc. Khi đánh từ “thế thân” và “Cốc Khai Lai” vào Baidu, trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, người ta thấy dòng thông báo “một phần kết quả tìm kiếm không hiển thị theo luật và chính sách”.

Trang blog Sina Weibo cũng chặn mọi câu nhắc đến “thế thân”. Có người nghi rằng bà Cốc Khai Lai trông không giống “bị cáo” trước tòa.

Tờ báo Wall Street Journal cho rằng không có bằng chứng nào chứng thực đã có người thế thân. Nhưng báo này nói tin đồn thể hiện sự lo ngại chung ở Trung Quốc về thủ tục pháp lý và uy tín của hệ thống luật pháp.

Nhiều người nói sẽ vô lý khi dùng người đứng thay bà Cốc tại tòa, trừ phi tình trạng sức khỏe của bà xấu đến mức bà không thể có mặt.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng một người thế thân có thể sẽ được thuê để ngồi tù thay cho bà Cốc.

H.Phan (Tổng hợp)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889