'Dự án đường sắt cao tốc phải phù hợp điều kiện kinh tế'

Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, đường sắt cao tốc là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam nên ngay từ đầu đã được Quốc hội nghiên cứu kỹ, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đã phải tham quan một số nước, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học... Tại kỳ họp Quốc hội, các cuộc thảo luận tại tổ, ở hội trường đều sôi nổi bàn về đường sắt cao tốc, Chính phủ phải có báo cáo bổ sung.

 

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng: "Đây là sự trưởng thành chung của chúng ta". Ảnh: Hoàng Hà.

Thường vụ Quốc hội cũng đã phải họp nhiều lần về xây dựng dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến đại biểu về chủ trương, phương án xây dựng đường sắt cao tốc, để rồi quyết định không tán thành thông qua, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể cho dự án đường sắt cao tốc. "Mặc dù về chủ trương, chiến lược là có tầm nhìn xa, song còn phải phù hợp vào điều kiện kinh tế, hợp lòng dân", ông Trọng nói.

Khẳng định dư luận chung đồng tình với việc dừng dự án, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói: "Quyết định của Quốc hội không phải có ý này ý kia với Chính phủ mà là trao đổi trên cơ sở tôn trọng nhau, cho thấy hệ thống chính trị ăn khớp, có sự trao đổi cầu thị giữa Quốc hội và Chính phủ. Đây là sự trưởng thành chung của chúng ta".

Trước đó, nhiều cử tri Hà Nội bày tỏ sự đồng tình khi Quốc hội khóa 12 chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc.

Ông Võ Trọng Hốt, cử tri phường Trúc Bạch (Ba Đình), nói: "Tôi rất phấn khởi khi Quốc hội không thông qua đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM. Đây là tuyến dài nhất thế giới, người dân phấn khởi đi lại song nhà nước phải bù lỗ rất lớn, thế hệ sau này không biết có trả nợ nổi. Kỳ này Quốc hội không thông qua là sáng suốt, nhưng các kỳ tới không biết có thông qua không".

"Dự án đường sắt cao tốc không được thông qua đã làm nức lòng dân", ông Lê Hoa, cử tri phường Điện Biên, nói. Cử tri này cho biết bà con rất lo khi Quốc hội thảo luận về đường sắt cao tốc, trục Thăng Long, trung tâm hành chính quốc gia, bởi đây là các quyết định mang tính lịch sử. Ông Hoa cũng nhận xét tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu thẳng thắn, phản ánh nguyện vọng của dân.

Bày tỏ sự đồng thuận với việc không thông qua dự án đường sắt cao tốc, ông Mai Văn Toan, cử tri phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho rằng, Chính phủ cần thu thập ý kiến của người dân trước khi dự án đưa ra Quốc hội.

Cử tri Hoàng Ngọc Khôi (Cầu Giấy), cho rằng trả lời chất vấn tại quốc hội kỳ này có tiến bộ hơn những lần trước. Tuy nhiên, ông Khôi góp ý rằng khâu giám sát của Quốc hội chưa đạt hiệu quả cao, như giám sát dự án bô xít ở Tây Nguyên chưa được đưa ra tại kỳ họp này, hay các dự án trồng rừng... Các hội nghị tiếp xúc cử tri cần có nhiều giai tầng trong xã hội góp mặt chứ không phải ai có giấy mời mới được vào họp.

Cử tri góp ý các hoạt động của Quốc hội. Ảnh: Đoàn Loan.

Một số cử tri quận Ba Đình, Cầu Giấy còn phản ánh nhiều vấn đề bức xúc tại khu dân cư. Bà Lê Thị Liễu, phường Thành Công phản ánh tuyến đường Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh đang bị đào xới gây ách tắc giao thông và mỹ quan đô thị, không có vỉa hè cho người đi bộ. Trên địa bàn phường này có hàng chục chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, người dân tự cơi nới, song không có ai xử lý càng làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Ông Phan Văn Bình, cử tri phường Trung Hòa, cho rằng, trong quy hoạch khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có trường công lập song thực tế chủ đầu tư xây dựng trường dân lập Lý Thái Tổ, với mức học phí 2-4 triệu đồng nên không nhiều gia đình có khả năng cho con em đến trường này. 60% trẻ em học tại đây lại ở nơi khác, có bố mẹ đưa đón bằng ôtô.

Trả lời về vấn đề này, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang chỉnh trang các tuyến phố nên phải đào xới vỉa hè, song thực thi các dự án đúng phê duyệt hay không cần sự tham gia giám sát của các ngành và cả người dân.

Thành phố chưa có đủ kinh phí đầu tư cho giáo dục nên phải khuyến khích xã hội hóa. Trường dân lập Lý Thái Tổ ở đô thị Trung Hòa - Nhân Chính thu học phí cao là do doanh nghiệp đầu tư nên phải cân đối các khoản chi phí. Nếu chuyển từ dân lập sang công lập thì thành phố phải xem xét nguồn thu chi cho phù hợp. Ông Bình thông tin ở khu đô thị này có trường chuyên Hà Nội công lập sắp khai giảng.

"Chúng tôi rất muốn làm tốt cho thành phố song còn nhiều điều kiện chủ quan và khách quan. Tôi xin nhận trách nhiệm chủ quan", Phó chủ tịch Phí Thái Bình nói.

Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi trên cả diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay thì nhiều ý phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn.

Chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc.

Đoàn Loa

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889