Đại án Huyền Như lừa đảo: Đưa chị gái bán hột vịt lộn lên làm giám đốc

(TNO) Sáng 9.1, tiếp tục "đại án Huyền Như lừa đảo", HĐXX cho phép luật sư xét hỏi các bị cáo trong khi đó, phía công tố giữ nguyên nội dung cáo trạng.    

 

 
Phiên tòa xét xử Huyền Như - Ảnh: Lê Quang

 

Căng thẳng

Luật sư Đặng Văn Châu bảo vệ quyền lợi cho Bảo hiểm Toàn Cầu hỏi: "Huyền Như liên quan đến 125 tỉ đồng gửi vào tài khoản tiền gửi tại Vietinbank thuộc quyền quản lý của ai?". Như thưa thuộc quyền quản lý của Bảo hiểm Toàn Cầu.

"Bị cáo và ngân hàng chẳng lẽ không có trách nhiệm gì?", luật sư hỏi tiếp. Như nói đề nghị luật sư xem lại quy định. Sau đó, luật sư Châu hỏi sang việc chuyển 125 tỉ đồng có làm lệnh chi không? Như khai: Có làm lệnh chi photo, bị cáo ký giả, không có lệnh chi thật của Bảo hiểm Toàn Cầu.

Luật sư hỏi Phạm Thị Tuyết Anh, nguyên nhân viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank. Tuyết Anh cho biết đến nay lệnh chi của Bảo hiểm Toàn Cầu vẫn chưa có bản chính, lúc đó có bản fax. Khi chuyển tiền đi đã có chứ ký, đóng dấu, còn chứng từ gốc do Như chịu trách nhiệm bổ sung.

Sau đó, luật sư Châu chuyển sang hỏi đại diện Ngân hàng Vietinbank về việc có hay không trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng, việc các bị cáo chuyển tiền vi phạm rõ ràng suốt thời gian dài tại sao Vietinbank không phát hiện ra, cùng một số vấn đề về trách nhiệm của Vietinbank đối với số tiền khách hàng gửi tại đây.

Tuy nhiên, đơn vị này nhiều lần tránh né trả lời trực tiếp vào câu hỏi làm không khí phòng xử trở nên căng thẳng buộc lòng HĐXX phải nhắc nhở và thay đổi cách xét hỏi, không cho các luật sư xét hỏi trực tiếp mà cho Vietinbank ghi nhận các câu hỏi rồi trả lời đầy đủ chung một lần.

Huyền Như bật khóc

Luật sư Trương Thị Hòa hỏi Huỳnh Mỹ Hạnh (chị của Huyền Như), bị cáo này cho biết mình bán hột vịt lộn trước khi về làm cho Công ty Hoàng Khải.

"Nguyên nhân nào chị  về làm cho Công ty Hoàng Khải?", luật sư Hòa hỏi. Hạnh khai: "Lúc đó, Như nói bán hột vịt lộn khi có khi không, thôi về làm công ty cho em. Sau đó, Như kêu tôi làm Phó giám đốc Công ty Hoàng Khải, tôi thắc mắc làm phó giám đốc chi vậy và nói không đủ khả năng để làm. Như nói với tôi, chị là chị ruột của em, hổng lẽ em hại chị sao, kêu chị làm cái gì thì chị làm cái đó đi, em không làm cái gì vi phạm pháp luật cả. Khi ký hồ sơ vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế (VIB), tôi không biết trước hồ sơ, không biết số tiền. Như kêu ký thì ký".

Luật sư Hòa hỏi tiếp: Chị suy nghĩ thế nào khi bị truy tố ra tòa? Hạnh nghẹn ngào nói: "Tôi rất ân hận. Vì tin tưởng Như là em ruột của tôi nhưng không ngờ Như đưa tôi vào con đường phạm tội".

Ngồi trước vành móng ngựa, Huyền Như bật khóc khi nghe chị gái khai. Được luật sư thẩm vấn, Huyền Như khai thuê Hạnh làm nhân viên của Công ty Hoàng Khải, tiền lương 3 triệu sau tăng lên 7-8 triệu đồng/tháng.

"Toàn bộ do bị cáo làm, chị Hạnh không biết", Như khóc.

 

 
Võ Anh Tuấn (áo xanh nhạt) và Như (áo trắng) - Ảnh: Lê Quang

 

Làm rõ mối quan hệ giữa Huyền Như và Võ Anh Tuấn

Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn và Phạm Thị Tuyết Anh, hỏi về mối quan hệ giữa Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như.

 
 
Vì việc làm sai trái của bị cáo mà các đồng nghiệp phải ngồi đây cùng với các bị cáo trước vành móng ngựa. Chỉ vì dính vào tín dụng đen mà bị cáo bị xoáy vào đồng tiền rồi cố gắng xoay sở mà vô tình hại mọi người, bị cáo rất ân hận
 
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như
 

 

Huyền Như khai có quan hệ đồng nghiệp với Võ Anh Tuấn khi cả hai cùng làm tại Phòng Tín dụng Vietinbank, chi nhánh TP.HCM. Khi đó, Tuấn làm Phó phòng Tín dụng, còn Như làm cán bộ tín dụng.

Luật sư Hoài hỏi câu hỏi tương tự cho Võ Anh Tuấn: "Hai người có quan hệ tình cảm gì không?". Tuấn thưa: "Bị cáo và Như chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và hùn hạp làm ăn, không có tình cảm gì".

Luật sư Hoài hỏi tiếp: "Có bao giờ Như tâm sự việc Như dính vào tín dụng đen và mường tượng sự việc như hôm nay không?". Tuấn đáp: "Mỗi người đều có gia đình riêng nên không phải việc gì Như cũng kể". 

Theo lời Tuấn, năm 2007, Như cùng Tuấn thành lập Công ty Hoàng Khải để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Như làm giám đốc, Tuấn là thành viên góp 500 triệu đồng. Như góp vốn bằng đất. Sau đó, công ty này không hoạt động gì. Như dùng 500 triệu đồng kinh doanhchứng khoán

Đến tháng 2.2011, Võ Anh Tuấn và Như cùng góp vốn xây dựng Nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Như góp 4.701,10m2đất còn Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy. Bị cáo Tuấn khai chịu trách nhiệm thực hiện dự án này.

Khoản tiền 10 tỉ đồng chuyển vào Công ty Hoàng Khải, Tuấn nói không biết nhưng toàn bộ tiền chuyển trả thanh toán xây dựng tường bao, nhà xưởng... cho dự án này là từ Hoàng Khải. Trong khi đó, Như khai 10 tỉ đồng nói trên có được do kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ 500 triệu đồng của Tuấn ban đầu.

Như khai việc chiếm đoạt số tiền 80 tỉ đồng của Thái Bình Dương không liên quan đến Võ Anh Tuấn mà do Như giả chữ ký. Trong việc chiếm đoạt của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên 1.598 tỉ đồng, Như khai Tuấn không biết gì vì Như làm giả con dấu của Vietinbank Nhà Bè.

Khi được hỏi suy nghĩ như thế nào về hành vi của mình, Như khóc nói: "Vì việc làm sai trái của bị cáo mà các đồng nghiệp phải ngồi đây cùng với các bị cáo trước vành móng ngựa. Chỉ vì dính vào tín dụng đen mà bị cáo bị xoáy vào đồng tiền rồi cố gắng xoay sở mà vô tình hại mọi người, bị cáo rất ân hận".

Lê Quang

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889