Điều tra lại tội của nguyên đại úy CSGT Suối Tre

Sau 10 phút nghị án, HĐXX cho rằng, căn cứ vào các chứng cứ và lời khai tại phiên tòa, có dấu hiệu cho thấy bị cáo Vinh phạm vào tội Giết người với khung hình phạt từ 7 năm đến tử hình.

  • 8h00icon

    Ngô Văn Vinh được đưa đến toà trong chiếc áo sơ mi trắng, vẻ mặt khá lo lắng. Nhiều người quen cho rằng nguyên đại uý CSGT không gầy đi so với trước khi gây án. Được xác định bị tổn thương 40% sau trận vật lộn với nạn nhân hồi tháng 9 năm trước, song bị cáo Vinh không có biểu hiện thương tật bên ngoài.

    Với hành vi dùng súng bắn chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Phó trạm CSGT Suối Tre, Vinh bị truy tố ra tòa về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

    vinh-3-9018-1409015837.jpg
  • icon

    Trong phòng xử, bị cáo Vinh liên tục trao đổi với luật sư bên cạnh.

    csgt-Vinh-ok-1793-1409017208.jpg
  • 8h30icon

    Phiên xử chính thức bắt đầu, thẩm phán Trần Thanh Tùng làm chủ tọa. Ít nhất 100 người có mặt tại phòng xử chỉ rộng khoảng 40 m2. Nhiều đồng đội cũ của Vinh được triệu tập đến toà với tư cách nhân chứng. Gia đình nạn nhân Trần Ngọc Sơn trông khá căng thẳng. Ngồi cạnh vợ thiếu tá Sơn, thượng úy Phú cũng lặng lẽ, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn về phía đồng đội cũ đang đứng trước vành móng ngựa.

    nha-Son-9616-1409017263.jpg

    Thượng úy Phú (áo trắng) - người bị trúng đạn khi vào can ngăn các đồng đội.

  • 8h40icon

    HĐXX điểm danh các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa. Có 2 nhân chứng vắng mặt nhưng đại diện VKS và luật sư bào chữa cho bị cáo đồng ý tiếp tục xét xử bởi cho rằng không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.

    Chi-lao-ca-7816-1409018850.jpg

    Ông Trương Thành Chí, người đập ly bia vào mặt Vinh khi ở quán karaoke gần một năm trước, khoanh tay trước ngực, trả lời nhát gừng khiến chủ tọa phải nhắc nhở.

  • 8h55icon

    Hai nhân chứng vắng mặt trước đó đã đến tòa.

    Cáo trạng sau đó được công bố. Cả phòng xử im phăng phắc, chỉ có giọng vị kiểm sát viên và tiếng quạt trần quay phần phật.

    Theo cáo buộc của cơ quan công tố, khoảng 13h ngày 22/9/2013, Ngô Văn Vinh (39 tuổi, nguyên đại úy tại Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) đang hát karaoke với một số đồng nghiệp thì gặp thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi, Phó trạm CSGT Suối Tre) và Trương Thành Chí (bạn Sơn) cùng một số người tại phòng đối diện.

    Trong lúc chào hỏi, Chí và Vinh xảy ra mâu thuẫn. Chí dùng ly bia đập vào mặt khiến Vinh chảy máu. Sau vụ xô xát, Vinh tỏ ý trách móc thiếu tá Sơn. Hai bên cãi nhau... Vinh bỏ về cơ quan lấy khẩu súng K59 tìm đến phòng của vị thiếu tá song không gặp.

    Khoảng 17h cùng ngày, anh Sơn về Trạm CSGT Suối Tre, đi đến chỗ Vinh đang nằm, mở lời thách thức rồi đấm Vinh 3 cái gây chảy máu. Vinh bất ngờ rút súng ở đầu giường ra bắn. Anh Sơn giằng co khiến viên đạn đi lạc, xuyên trúng hông thượng úy Đoàn Thanh Phú (nằm giường bên cạnh).

    Nghe thấy nhiều tiếng súng, Chí và một số người có mặt tại trạm CSGT Suối Tre chạy vào phòng thấy anh Sơn trúng đạn nằm gục dưới nền nhà. Khẩu súng trên tay Vinh tiếp tục nổ thêm nhiều phát nhưng không làm ai bị thương. Khi súng hết đạn, mọi người chạy lại ôm ông Sơn đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Trong quá trình xô xát, Vinh cũng bị thương tật 40%, thượng úy Phú thương tật 15%.

    VKSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố Ngô Văn Vinh về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

  • 9h00icon

    Tòa bắt đầu phần xét hỏi. Vinh cho biết vào ngành năm 1994, đến tháng 7/1995 được điều đến Phòng CSGT Đồng Nai.

    Khai về hôm gây án, Vinh nói, hôm đó cùng đồng đội tuần tra thì trời đổ mưa lớn. "Nếu đúng theo quy trình thì vẫn phải làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng tôi xin ý kiến của đồng chí Sơn và được cho phép nghỉ. Về trụ sở khoảng 15h thì chúng tôi rủ nhau đi nhậu", Vinh kể. Sau đó, xảy ra cuộc xô xát trong quán karaoke ở Long Khánh.

    Về hung khí đã bắn thiếu tá Sơn, Vinh cho biết, được giao súng và đạn từ năm 2011, trước đó là một khẩu súng khác. "Đó là súng được giao quản lý hay chỉ dùng khi tuần tra?", tòa hỏi. Vinh cho biết, bị cáo được giao quản lý luôn, một năm nộp lại cơ quan một lần. "Lý ra chỉ nên giao súng mỗi khi làm nhiệm vụ thôi, cầm súng 24/24 rất nguy hiểm", chủ tọa nói.

  • 9h20icon

    Khi được yêu cầu khai chi tiết về cuộc xô xát ở quán karaole, Vinh cho biết, vừa uống hết 2 chai bia, chưa kịp hát thì Sơn một mình cầm ly từ phòng khác qua. Sau khi hỏi han, chúc tụng, vị phó trạm CSGT Suối Tre cho biết có người quen đang ở phòng kế bên nên Vinh sang chào.

    Vừa vào phòng, Vinh nhìn thấy Chí nên mời bia và người này uống cạn ly đó. Qua vài câu xã giao, Vinh hỏi: "Anh mày dạo này làm gì", Chí không hiểu thì Vinh nhắc lại: "Thằng anh mày đó". "Chí không hỏi lại mà đánh bị cáo luôn", Vinh khai trước tòa.

    Vị chủ tọa tiếp tục đưa ra nhiều câu hỏi chi tiết bởi cho rằng đây là nguyên nhân mâu thuẫn, mấu chốt vụ án. Vinh nói: "Chí chỉ nhìn chằm chằm và lấy ly bia đập vào mặt bị cáo. Chí không nói câu: 'Mày học chung lớp với tao, có khi nào tao nói 'ê thằng Vinh' chưa mà mày kêu anh tao bằng thằng. Mày biết anh tao bao nhiêu tuổi chưa?' như trong cáo trạng thể hiện", Vinh nói.

  • 9h25icon

    Vinh khai bị Chí đập ly vào mặt khiến máu mũi chảy rất nhiều. Ngay sau đó, Chí cùng mọi người đi ra ngoài hết chỉ còn Vinh trong phòng. Vài phút sau, Sơn bước vào chửi Vinh và nói: "Anh nó mày gọi bằng thằng thì nó đánh mày phải rồi". Tức quá, Vinh đánh Sơn và bị 4 người khác tấn công. Tại tòa, Vinh chỉ mặt một người tên Phong đã đánh mình.

    vinh-ok-3991-1409020521.jpg
  • 9h30icon

    Sau khi chỉ tay nhận diện những người hôm đó tham gia đánh mình, cựu đại úy CSGT cho biết, khi về tới trạm CSGT Suối Tre đã bị choáng, không biết lúc đó là mấy giờ.

    "Bị cáo không cầm súng đến phòng tìm Sơn, chỉ muốn đến nói chuyện phải trái", Vinh bác bỏ tình tiết trong cáo trạng. Không gặp Sơn, Vinh lên phòng tập thể nằm nghỉ. Lúc này chỉ có thượng úy Phú ở đây, nằm giường bên phải và đang ngủ rất say.

    Cũng theo lời Vinh, thông thường bị cáo để súng trong tủ nhưng hôm xảy ra vụ việc, do vừa tuần tra về và thay đồ đi nhậu nên để quên súng trên giường. "Thật ra là sau khi đánh Sơn, bị cáo thấy sai vì Sơn là chỉ huy nên nghĩ sẽ xuống xin lỗi cho qua việc", Vinh nói. "Nếu nghĩ như vậy thì làm gì có chuyện?", chủ tọa phản bác.

  • 9h45icon

    Vinh khai thêm, sau khi bị đánh đã gọi cho em ruột kể sự việc và được cậu này khuyên can rằng vài ngày nữa sẽ kêu Chí lên xin lỗi. "Em tôi khuyên không nên gây gổ với Sơn bởi ông này là sếp", Vinh nói. Nghe lời em, Vinh đã lên phòng rửa mặt rồi đi ngủ. "Bất ngờ cửa phòng bị đạp bung. Sơn cùng mấy người khác nữa bước vào. Ông Sơn nói 'mày kiếm tao hả Vinh đen' rồi đánh tôi", Vinh khai.

    Cũng theo lời bị cáo này, Sơn đã đấm Vinh nhiều cái vào mặt, nắm tóc đập đầu vào thành giường. Lúc này nhiều người cũng lao vào đánh Vinh túi bụi. "Tôi cúi mặt chịu trận, nằm sấp xuống nền và bị nhiều người đạp vào lưng. Ngoài Sơn, những người khác đánh tôi là người ngoài", Vinh khai.

  • 9h50icon

    Vinh cho biết, do bị đánh không nhìn thấy gì, mò mẫm trên giường thấy khẩu súng nên đã bóp cò. Theo bị cáo này, trước đó hai tuần, Vinh bắt một tên cướp giật, có nổ súng và súng ở tình trạng đó đến thời điểm bị nhóm Sơn đánh.

    Việc chốt an toàn của súng đã mở, Vinh giải thích: "Do vỏ súng là loại của rulo nên khi đút súng K59 vào hay bị bật khoá an toàn".

  • 10h00icon

    Vinh khai, dù nhiều người cùng chụp khẩu súng nhưng anh ta vẫn rút được súng lên bắn chỉ thiên. "Lúc này nhiều người vẫn ập vào đè đánh tôi. Sau khi súng nổ 1-2 phát thì không biết có ai bị thương không. Những viên đạn sau không phải do tôi bắn", Vinh nói và cho hay trong lúc bị đè dưới đất, rất mệt, thì vẫn nghe tiếng súng nổ.

    Trình bày với tòa, Vinh cho biết đã không đồng ý quyết định điều tra khi được tống đạt bởi có nhiều chi tiết sai. "Ngay tại toà hôm nay tôi cũng không dám nghe đọc cáo trạng bởi sợ bị dẫn dắt sai theo nó", Vinh nói.

    khongche-csgt-5041-1409022688.jpg

    Vinh diễn lại cảnh bị nhiều người nhóm ông Sơn khống chế.

  • 10h15icon

    Trước những thông tin Vinh khai, chủ tọa phiên tòa cho rằng không đúng với những lời khai của chính Vinh trong quá trình điều tra. Sau khi Vinh thừa nhận bản cung trong hồ sơ là của mình, chủ tọa công bố nội dung bao gồm những tình tiết, câu nói của Vinh tại quán karaoke.

    "Bị cáo đã giằng co súng với anh Sơn. Bị cáo có phải là người nổ súng vào anh Sơn không?", chủ tọa hỏi. Vinh đáp nhanh: "Tôi không nổ súng vào anh Sơn".

  • 10h20icon

    Đại diện VKS tham gia xét hỏi Vinh.

    "Khai tại cơ quan điều tra, bị cáo cho rằng mình bắn hết đạn trong súng để người khác lấy được súng sẽ không bắn được bị cáo, đúng chứ?", kiểm sát viên hỏi.

    Vinh im lặng một lúc, nói: "Thưa có".

  • 10h35icon

    Nhân chứng Trương Ngọc Lâm (lái xe của nạn nhân Sơn) được gọi đứng dậy hỏi đã cho biết: "Vinh trực tiếp bắn". Ông Lâm được cho là người chứng kiến trạng thái của Vinh khi xuống phòng tìm ông Sơn lúc vừa về trạm CSGT Suối Tre. Khi được Vinh yêu cầu gọi cho Sơn về gấp, anh Lâm đã nhắn tin cho ông Sơn, báo sự việc và khuyên vị phó trạm không nên về đơn vị.

    Đến 17h cùng ngày, thấy ông Sơn về trạm, Lâm đã can ngăn không cho lên phòng nghỉ tập thể tìm Vinh nhưng không được.

    lai-xe-Lam-3530-1409024385.jpg
     
  • 10h40icon

    Chủ tọa tiếp tục hỏi về những lời khai mâu thuẫn của Vinh tại cơ quan điều tra và tòa, Vinh bảo, đó là những lời khai trong trạng thái lơ mơ lúc vừa được đưa đến bệnh viện. "Lúc đó tôi còn thấy mình đang bay trên trần né các làn đạn", Vinh nói.

    Cả khán phòng cười ồ, trong khi chủ tọa nhíu mày, giọng gay gắt: "Trước khi lấy lời khai, cán bộ đều có hỏi rằng 'người khai có khoẻ mạnh, tỉnh táo không'. Giờ bị cáo nói vậy thật vô lý".

    "Bị cáo ở trong tù, giờ bị lú", Vinh đáp, vẻ mặt đầy nghiêm túc. "Tôi nghĩ có thể do trong trại giam thiếu oxy". Câu trả lời của Vinh một lần nữa làm khán phòng vang lên nhiều tiếng cười, bàn tán.

    "Bị cáo khai quanh co, trước có sau không", chủ tọa gay gắt hơn. Vinh tỏ vẻ lúng túng, mãi sau mới nhỏ giọng: "Lúc này bị cáo suy nghĩ rất chậm, mong HĐXX cho thời gian suy nghĩ trước khi trả lời". Sau đó Vinh xin được uống nước để bình tĩnh.uongnuoc-Vinh-4608-1409025085.jpg

  • 10h45icon

    Nhân chứng Lâm tiếp tục được xét hỏi. Tài xế của ông Sơn cho hay, buổi chiều hôm xảy ra vụ án, Lâm đang ở phòng ông Sơn thì Vinh mở cửa vào, tay cầm súng, máu dính nhiều ở áo và mũi. Vinh hỏi Sơn có trong phòng không, Lâm bảo "trạm phó đi nhậu chưa về".

    Tiếp tục khẳng định Vinh có cầm súng, thậm chí còn chỉa về phía mình, ông Lâm khai: "Vinh giương súng buộc tôi gọi anh Sơn về nhiều lần".

    Trước vành móng ngựa, Vinh khoát tay tỏ vẻ phản đối, mắt nhìn chăm chăm vào nhân chứng Lâm. Chủ tọa lên tiếng nhắc nhở Vinh về thái độ này.

  • 10h55icon

    Ông Lâm tiếp tục cho hay, sau khi Sơn về và đi lên lầu với thái độ bực tức, Lâm chạy theo ôm Sơn lại để can ngăn nhưng không được. "Lúc vào phòng Vinh chỉ có tôi và anh Sơn, không có ai khác", Lâm nói.

    Sơn sau đó tiến đến đánh Vinh 2-3 cái. Khi Vinh lấy súng ra thì Sơn giằng co lại. "Tôi không chạy được bởi chết điếng tại chỗ", ông Lâm khai. "Súng lúc này nổ 2 phát, Sơn chụp tay của Vinh tiếp tục giằng co. Lúc đó không ai dám vào can. Phú đứng kế bên trúng đạn kêu la, máu chảy nhiều, bò ra ngoài. Vinh và Sơn vẫn giằng co trên giường".

    Lái xe này cho biết thêm, khi 2 người té xuống giường thì súng nổ 2 phát lên trần nhà. Tiếp đó khẩu súng được giằng co và hướng đến mạn sườn của Sơn, nổ một phát. 2 người vẫn tiếp tục vật lộn và súng nổ thêm phát nữa. Thấy Sơn gục xuống, Lâm nhảy vào ôm tay Vinh. Thêm nhiều tiếng súng nữa vang lên.

    Lâm cho rằng sau khi súng hết đạn, ông đẩy Vinh sang một bên và lúc này Vinh vẫn mở mắt bình thường. Sau đó mới có thêm 2 CSGT khác chạy đến giành súng của Vinh rồi cả nhóm đưa Sơn đi cấp cứu. "Vinh lúc đó cũng tham gia ôm chân để đưa Sơn đi cấp cứu", ông Lâm nói.

  • 11h05icon

    HĐXX tiếp tục xét hỏi Vinh. Bị cáo phủ nhận lời khai của Lâm và cho rằng mình không cầm súng đi tìm Sơn.

  • 11h10icon

    Tòa thẩm vấn Trương Thành Chí. Người này cho biết học chung trường với Vinh nhưng không chung lớp. Vì thấy Vinh nói hỗn về anh mình, người lớn tuổi hơn Vinh, nên cầm ly bia hất ngang, trúng mặt Vinh. "Sau đó tôi ra ngoài và có nghe nói Sơn đánh nhau với Vinh. Khi lên xe đi nhậu tiếp, tôi hỏi thì Sơn nói 'để sáng mai tao xử nó'", Chí khai.

    Tuy nhiên ông Sơn không đồng ý đi chơi tiếp mà đòi về. Sơn bảo Chí đi theo để "nhờ lấy đồ". Sơn đi trước, lên đến lầu rồi thì Chí mới chỉ đến nhà bếp nên không hay biết gì. Đến khi nghe tiếng súng nổ, anh này chạy lên đến nơi thì mọi việc đã xong. "Tôi lấy khẩu súng đó vì sợ Vinh sẽ bắn tôi", Chí nói.

  • 11h25icon

    Tòa tạm nghỉ, dự kiến 13h30 sẽ tiếp tục làm việc.

  • 14h10icon

    Vinh được dẫn giải đến phòng xử. Phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn thượng úy Phú, nạn nhân bị trúng đạn của Vinh và đang mang thương tích 15%.

    Vinh2-ok-6680-1409037403.jpg
  • 14h15icon

    Thượng úy Phú cho biết, lúc ông Sơn lên phòng gặp Vinh có chửi tục và buông lời thách thức. "Khi hai người xông vào đánh nhau, tôi chỉ can vì không biết ai đúng ai sai", anh Phú nói.

    Sau đó Sơn và Vinh tiếp tục vật nhau trên giường, bất chấp can ngăn của Phú. "Vinh lấy súng ở đâu tôi không biết nhưng việc anh này cầm súng thì tôi thấy rõ. Họ giằng co chưa đầy một phút thì đạn nổ. Sau 2 phát đạn thì đã có một viên trúng tôi. Quá đau, tôi ngã quỵ và bò ra khỏi phòng", viên thượng úy cho biết.

  • 14h20icon

    "Lúc đó có ai hỗ trợ Sơn đánh Vinh không?", chủ tọa hỏi.

    "Trong phòng lúc đó có hai đồng nghiệp khác. Tôi không để ý vì sự việc xảy ra quá nhanh. Lúc tôi bò ra ngoài cũng thấy mấy người nhưng cũng không lưu tâm cho đến khi được một cảnh sát cơ động đưa đi cấp cứu", anh Phú cho hay.

    "Anh có được giao súng không?", chủ tọa hỏi. Anh Phú đáp: "Tôi chỉ được cấp khi đi làm nhiệm vụ"Phu-thuong-uy-4257-1409037561.jpg

  • 14h25icon

    Chủ tọa gọi Hảo, đồng nghiệp đi tuần hôm đó cùng với Vinh. Anh này cho biết, sau khi về đội gặp Vinh trên phòng, thấy Vinh máu mũi chảy, Hảo có hỏi nguyên do thì Vinh nói "bị té". Lúc Hảo đang thay đồ, Sơn mở cửa đi vào, không gây ầm ầm như Vinh khai. "Anh Sơn nói 'tao nè Vinh đen, giỏi thì bắn tao đi'", anh Hảo khai trước tòa.

    Lúc đó Vinh hét lên "sao mày bênh nó" thì bị Sơn đấm vào mặt. "Phú đến can khi Vinh và Sơn vật nhau. Tôi không thấy súng nhưng chưa đầy phút sau thì nghe súng nổ hai phát", anh Hảo trả lời tòa.

    Hảo nói tiếp, lúc đầu anh tưởng là đạn cao su (công cụ hỗ trợ), sau đó thấy Phú chảy máu, ngã quỵ. "Tôi không xác định được ai cầm súng lúc đó. Tôi ra ngoài dìu Phú xuống dưới lầu. Lúc ra cửa tôi thấy bên ngoài rất đông người. Mọi người chạy lung tung, không xác định được ai đã vào phòng lúc đó. Sau đó tôi nghe thêm nhiều tiếng súng nhưng không biết bao nhiêu viên", anh Hảo khai.Hao-nhanchung-ok-1871-1409039056.jpg

  • 14h35icon

    Tiếp đó, chủ tọa hỏi nhân chứng Cường, người tham gia cuộc nhậu cùng Vinh ở quán karaoke. Lời khai của vị cán bộ CSGT này phù hợp như cáo trạng đã nêu.

    Trong khi tòa thẩm vấn các nhân chứng, bị cáo Vinh cúi thấp đầu, hai tay liên tục lau vào quần, dáng vẻ bồn chồn.

  • 15h00icon

    Tòa cho gọi ông Phong, người có mặt trong phòng karaoke lúc Sơn và Vinh cãi nhau. Ông này đã được Vinh chỉ mặt là một trong số những người đánh bị cáo tại quán karaoke.

    Ông Phong cho biết được thiếu tá Sơn mời đến nên lái ôtô chở theo 2 người bạn. Ông có nghe tiếng cãi vã Chí và Vinh trước đó, đến lúc nghe bảo Sơn bị Vinh đánh, ông chạy vào thì mọi việc đã xong xuôi.

    Phong kể tiếp, sau khi Vinh trở về cơ quan, nhóm này tiếp tục đi nhậu. Một lúc sau, Phong nhận được điện thoại của Vinh, bảo rằng "đang tìm Sơn để bắn". "Tiếp đó Lâm lại gọi tôi, bảo đừng cho Sơn về vì Vinh có cầm súng. Tôi nói lại với anh Sơn thì anh ấy bảo 'nó nhát ma thôi, nó chỉ dùng súng cao su'", Phong cho biết.

  • 15h15icon

    Tòa mời bà Nguyễn Thị Bích Vân, vợ Thiếu tá Sơn. Bà này cho hay từ ngày xảy ra sự việc, gia đình Vinh chưa đến xin lỗi hay thắp nhang. Bà yêu cầu bị cáo bồi thường 3 tỷ đồng tiền hỗ trợ ma chay, thiệt hại, tinh thần, vật chất. Về phần hình phạt, bà Vân đề nghị tòa xử đúng người, đúng tội.

    Còn thượng sĩ Phú khi được hỏi cũng yêu cầu bị cáo bồi thường 200 triệu đồng tiền chữa trị vết thương.

    vo-ong-Son-5135-1409042058.jpg
  • 15h25icon

    Tham gia xét hỏi, VKS mời nhân chứng Hạnh - người có mặt trong phòng karaoke của Sơn. Anh này cho biết chiều hôm đó đã đi cùng với Chí và Sơn về trạm. "Khi tôi chạy lên thì thấy anh Trúc (Chí) đứng trước cửa phòng. Bên trong, anh Sơn và Vinh giằng nhau khẩu súng, Lâm cũng giằng co và trong phòng còn mấy người nữa", Hạnh nói.

    VKS cho rằng lời khai của nhân chứng trong tình huống này rất quan trọng.

    Tiếp đó, ông quay ra xét hỏi Chí. Tuy nhiên, người này tiếp tục phủ nhận tham gia đánh, tước súng của Vinh mà chỉ có mặt ở phòng khi mọi chuyện đã xong hết.

  • 15h50icon

    Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân hỏi Vinh về việc sử dụng súng, Vinh nhắc lại lời khai do bắt tên cướp giật 2 tuần trước nên súng vẫn ở trạng thái lên đạn cho đến khi xảy ra án mạng. Việc để súng sẵn dưới gối, Vinh giải thích là do thói quen. "Ở nhà tôi cũng để như vậy", bị cáo nói

    Lời khai này được cho là mâu thuẫn với lời khai trước đó với chủ tọa của Vinh.

  • 16h05icon

    Bắt đầu phần tranh luận, VKS phát biểu quan điểm về vụ án.

    Theo cơ quan công tố, cáo trạng truy tố bị cáo Vinh về tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động là có căn cứ. Ông Sơn lên phòng có thái độ thách thức, đánh vào đầu, mặt của bị cáo. Bắt nguồn từ hành vi sai trái này của bị hại, Vinh đã bị kích động, rút súng bắn làm chết một người, bị thương một người khác. Lên án hành vi của bị cáo Vinh, song VKS cho rằng cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ. Bởi Vinh trong quá trình công tác có nhiều chiến công, thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra... Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo 24-30 tháng tù.VKSND-6730-1409044297.jpg

  • 16h15icon

    Bào chữa cho bị cáo Vinh, luật sư cho rằng hành vi giết người của thân chủ là không có mục đích. Ngày thường, giữa bị cáo và nạn nhân có mối quan hệ tốt, không hiềm khích... Theo đó, luật sư khẳng định Vinh chỉ phạm tội vì một lý do duy nhất là bị kích động mạnh. Vinh cũng bị Sơn đánh vỡ xương thái dương, tỷ lệ thương tật trên 31%. Hành vi này của ông Sơn cũng vi phạm pháp luật.

    Theo luật sư, khi bị nhiều người đánh, Vinh bị kích động cao độ nên không thể kìm chế hành vi của mình. Tuy nhiên, sau vụ việc, Vinh nhận ra lỗi của mình nên đã bồng ông Sơn đi cấp cứu, điều đó cho thấy bị cáo hoàn toàn không muốn tước đi sinh mạng của nạn nhân.

    Ngoài ra, luật sư cũng nêu một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Vinh tham gia lực lượng công an đã 19 năm, đạt nhiều thành tích. Cha Vinh cũng có nhiều huân chương, công lao trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và đang mắc bệnh. Hiện Vinh còn con nhỏ 3 tuổi. Dù gia đình khó khăn nhưng bị cáo đã nộp 50 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả. Từ đó, luật sư đề nghị tòa xem xét, áp dụng mức án nhẹ hơn VKS đề nghị cho Vinh.

  • 16h25icon

    Luật sư bảo vệ gia đình bị hại cho rằng, khẩu súng là vật chứng quan trọng, có nhiều số hiệu không thống nhất trong các tài liệu lại được giao về phòng CSGT Đồng Nai. "Vật chứng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vụ án nhưng khẩu súng không được đưa ra tòa và cho bị cáo nhận dạng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng", luật sư này nêu.

    Nữ luật sư cũng nêu, mã hiệu khẩu súng trong hồ sơ thể hiện 5694, kết luận giám định ghi 5694, sau đó biên bản khám nghiệm ghi 5894, kết luận điều tra ghi 5694, phần kết luận điều tra 5895, tiếp đó cáo trạng ghi số hiệu 5894. Theo luật sư, cần phải làm rõ, đây có phải khẩu súng gây án hay không.

    Ngoài ra, luật sư còn phản ánh, gia đình nạn nhân không nhận được kết luận điều tra vụ án, cáo trạng; nhiều tình tiết, lời khai trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn nhưng chưa được làm sáng tỏ.

    Điều quan trọng nhất, luật sư cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là không đúng. Bởi theo luật sư, Vinh đã có chủ ý từ trước nên chuẩn bị hung khí, đi tìm nạn nhân, lên đạn và để sẵn dưới gối.

    Vị luật sư không đồng ý với quan điểm của luật sư bào chữa cho Vinh và cho rằng bị cáo có ý thức phạm tội rất rõ ràng, động cơ là do bị cáo xấu hổ, muốn giết kẻ làm mình mất mặt.

    Luật sư bảo vệ gia đình bị hại cũng nêu kết quả khám nghiệm hiện trường, trong đó ông Sơn bị hai vết đạn ở mạn sườn và một vết xuyên từ sau ra trước. Điều này cho thấy bị cáo phạm tội đến cùng, bắn nhiều lần, có thể giết nhiều người... Nhiều lời khai cho thấy anh Sơn chỉ đánh bằng tay, chân thì không thể gây chấn thương vỡ sọ cho bị cáo Vinh.

    "Cáo trạng truy tố bị cáo tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động là sai. Hành vi của bị cáo là phạm vào tội Giết người. Đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại theo hướng này", luật sư nêu. Giọng luật sư vừa dứt, dưới khán phòng, nhiều tiếng vỗ tay vang lên.

  • 16h55icon

    Tranh luận lại với luật sư của gia đình ông Sơn, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội. Ông cũng giữ nguyên quan điểm với những phần khác của cáo trạng.

    Về việc số hiệu khẩu súng Vinh dùng gây án không thống nhất, VKS cho rằng, sau khi giám định súng đó là K59, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra sai sót về số hiệu. Công an Đồng Nai thừa nhận sơ suất trong quá trình khám nghiệm hiện trường, do trời tối, nên dẫn đến sai sót về số hiệu.Vinhnghetranhluan-ok-9019-1409048226.jpg

  • 17h30icon

    Sau phần tranh luận gay gắt giữa VKS và luật sư, HĐXX vào nghị án. Trước đó, bị cáo Vinh từ chối quyền nói lời sau cùng.

    Ngồi trên ghế bị cáo, Vinh tỏ ra khá mệt mỏi. Cảnh sát vây kín không cho ai tiếp cận bị cáo. Trong khi đó, ở hàng ghế đầu, gia đình bị hại tỏ ra rất bức xúc.

  • 17h40icon

    Sau 10 phút nghị án, HĐXX cho rằng, căn cứ vào các chứng cứ và lời khai tại phiên tòa, có dấu hiệu cho thấy bị cáo Vinh phạm vào tội Giết người, theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Theo đó, tòa trả hồ sơ cho VKS điều tra lại theo hướng này.

    Điều 93. Tội giết người quy định:

    Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn. 

    Phạm tội không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889