Dự thảo luật sau lần chỉnh lý gần đây đã “nới” quy định, cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư với điều kiện người giảng viên được trường đồng ý, chấp nhận.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, quy định này được thực hiện, sẽ sử dụng được lực lượng giảng viên có kiến thức chuyên sâu về luật.
Việc tham gia hành nghề luật sư mặt khác cũng tạo điều kiện để các giảng viên được tiếp cận với các vụ việc cụ thể, bổ sung thêm trong bài giảng để từ đó nâng cao chất lượng bài giảng dạy pháp luật trong nhà trường. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật viên chức hiện hành.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TPHCM) cũng lập luận, không thể “cấm” giảng viên làm thêm nghề luật sư vì có thực tế mới có thể giảng dạy, đào tạo người khác. “Đào tạo nghề luật cũng giống như đào tạo bác sĩ, không thể bắt họ dạy những việc họ chưa hề làm” – ông Nghĩa so sánh.
Ngược lại, không ít ý kiến “bẻ” lại các lập luận trên. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù Điều 14 của Luật Viên chức cho phép viên chức được làm việc ngoài giờ làm việc, song hoạt động luật sư đòi hỏi phải dành nhiều thời gian tham gia tố tụng, hơn nữa quá trình tố tụng lại diễn ra trong gờ hành chính. Nếu cho viên chức tham gia hành nghề luật sư, đương nhiên viên chức sẽ bớt xén giờ làm việc, hoặc nếu có làm thì cũng ảnh hưởng tới chất lượng của viên chức và khó cho nhà quản lý, khó đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hoá trong hoạt động tố tụng.
“Không có phiên tòa nào mở ngoài giờ hoặc ban đêm”. Giảng viên luật làm luật sư chắc chắn phải bớt xén thời gian giảng dạy, khó tránh tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” - dù dự luật yêu cầu giảng viên muốn hành nghề luật sư phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản, ông Cương vẫn lo “chảy máu chất xám” khi “thử tưởng tượng tất cả giảng viên trường luật đều ra ngoài làm”.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) phân tích, từ năm những năm 90 của thế kỷ trước Việt Nam đã thực hiện việc cho viên chức làm luật sư nhưng đến năm 2003 đã bỏ quy định này vì yêu cầu luật sư phải tận tâm với nghề. Đại biểu cho rằng dự thảo luật lần này lại “nới ra” là không thoả đáng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng ở tỉnh Tiền Giang cũng lập luận, số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Như vậy, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng.
“Nếu chỉ để đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 20.000 luật sư thì quy định này không thuyết phục vì số giảng viên luật cả nước chỉ vài ngàn, không phải ai cũng hành nghề luật sư. Cũng như để có luật sư giỏi chuyên môn và ngoại ngữ đi tranh tụng ở nước ngoài, nhiều ngành khác còn có những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn hơn các giảng viên luật” - ông Hùng phát biểu. Đại biểu nhấn mạnh thêm, để chuyên môn hóa cao thì không nên cho kiêm nhiệm nhiều việc, mặc dù hiện nay Luật viên chức không có quy định hạn chế về vấn đề này.
Tổng kết 5 năm thi hành luật Luật sư, đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng với hơn 7.072 luật sư (tăng 250,8% so với trước khi Luật có hiệu lực) và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%; một bộ phận luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị kết án. |
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận