Vụ án trường mẫu giáo McMartin được coi là vụ án kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Ngân sách bị tiêu tốn 15 triệu USD, các phiên toà kéo dài suốt 6 năm, đến nỗi một số bồi thẩm lo lắng vì sợ… mất việc làm, rốt cục tất cả các bị cáo đều được tha bổng.
Trường mẫu giaó McMartin |
Tai họa từ “trên trời rơi xuống”
Nạn nhân chính của vụ oan án nổi tiếng kéo dài 10 năm này là anh Ray Buckey, một giáo viên đồng thời là cháu ngoại của Virginia McMartin – người lập ra trường McMartin từ 20 năm trước, và là con của bà hiệu trưởng Peggy McMartin Buckey.
Năm 1983, Judy Johnson, mẹ của bé trai Matthew hai tuổi rưỡi học tại trường McMartin gửi đơn thưa cảnh sát rằng Ray Buckey lạm dụng tình đồng tính con trai bà. Theo Judy, cậu bé có những vết trầy xước ở hậu môn và khi bị mẹ tra hỏi thì nói là tại Ray. Cho dù ban đầu khi bị hỏi về việc này cậu bé đã lắc đầu nhưng cảnh sát không tin và vẫn khám nhà Buckey. Do bị phát hiện ra đồ chơi, quần áo của trẻ nhỏ và tạp chí Playboy trong nhà, Ray Buckey bị tống giam.
Cảnh sát gửi thư cho hơn 200 phụ huynh của trường McMartin để báo về việc Ray Buckey bị nghi ngờ lạm dụng trẻ em và đề nghị họ thông báo về tình trạng con mình nếu có “vấn đề”. Cơn hoảng loạn nổ ra. Hàng trăm đứa trẻ là học sinh và cựu học sinh của trường McMartin được đưa tới Trung tâm Quốc tế Trẻ em (CII) để phỏng vấn trong hai tiếng.
Ở đấy, chuyên viên Kee MacFarlane đã bắt chúng trả lời một loạt câu hỏi. Lúc đầu, phần đông bọn trẻ phủ nhận không nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào, nhưng dần dà, chúng ngả về phía những gợi ý của MacFarlane rằng chúng bị lạm dụng tình dục. Một số bé được đưa đi khám nghiệm y khoa nhưng bác sĩ dù không tìm thấy bằng chứng trên cơ thể nhưng đã suy đoán bằng “kinh nghiệm y học” và cho rằng 80% trẻ đi khám bị lạm dụng tình dục.
Năm 1984, bốn người trong gia đình Buckey gồm Ray Buckey bà, mẹ và chị anh, cùng ba giáo viên khác bị truy tố về tội hành hạ trẻ em. Tiền bảo lãnh cho Peggy Buckey lên tới một triệu USD. Ray Bukey bị giam không được bảo lãnh. Tuy nhiên, tháng 12/1985, năm người bị khởi tố được bãi nại, vụ án chỉ tiếp tục với Ray và Peggy Buckey.
Quá trình chuẩn bị xét xử kéo dài từ 1984 đến năm 1987, qua đó bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án.
Khủng hoảng từ phía công tố
Năm 1984, Judy Johnson bị chồng bỏ, bà ta tố cáo ông lạm dụng tình dục bé Matthew và báo cho cảnh sát. Cho rằng mình bị kẻ khác theo dõi ám hại, Judy rào chắn cửa vào nhà và đe dọa bất cứ ai tới giúp bà ta. Được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần hoang tưởng, Judy không còn được nuôi con, Matthew được gửi cho bà con họ hàng nuôi dạy trong khi mẹ cậu chìm trong rượu.
Những phiên toà trù bị xét xử gia đình Buckey bắt đầu với vô số lời khai của những đứa trẻ chống lại McMartin, tuy nhiên chúng mâu thuẫn và không đáng tin cậy. Một bé trai khai Ray đưa cậu đến một ngôi nhà rồi thả một bầy… sư tử ra để ép buộc.
Một cậu bé khác khi được yêu cầu nhận diện qua ảnh kẻ gạ gẫm mình lúc thì chọn diễn viên Chuck Norris, lúc thì chỉ một công tố viên, thậm chí có lúc đã chọn cả 4 nữ tu trong tấm hình đã mờ nhạt sau 40 năm.
Đội ngũ công tố viên cũng lủng củng. Công tố viên Glenn Stevens xin thoái lui vì không muốn tham dự sâu hơn vào việc đẩy 7 người vô tội vào vòng oan khuất. Một thành viên của nhóm công tố là Christine Johnson cũng theo chân Stevens.
Sau 2 năm rưỡi tranh tụng, vì thiếu chứng cứ, công tố viên Ira Reiner buộc phải rút bỏ các lời buộc tội đối với 5 trong số 7 bị cáo, bất chấp sự phản đối kịch liệt của người phó của mình là Lael Rubin.
Ray Buckey vẫn tiếp tục bị giam giữ nhưng bà Peggy đã 60 tuổi – lúc này đã mắc chứng cuồng loạn do hoảng sợ - thì được tại ngoại
Đúng lúc này, xảy ra hai sự kiện: Judy Johnson chết vì ngộ độc rượu. Thứ hai, các luật sư biện hộ cho bên bị phát hiện ra rằng có một số bức thư do Judy Johnson viết có lợi cho thân chủ của họ đã bị ỉm đi.
Một phiên toà kéo dài 6 tuần được mở riêng để xem xét việc này. Công tố viên Glenn Stevens khai rằng ông biết việc Lael Rubin cố tình giấu chứng cứ, rằng ở các phiên xử trù bị, Lael Rubin đã nói dối quan toà để các bị can không được tại ngoại. Tuy nhiên, quan tòa William Pounders cho rằng sự kiện này không đủ nặng để dừng vụ án.
Trước toà, các chứng cớ chủ yếu của phía công tố là những lời khai của bọn trẻ do CII thu được cũng như kết luận y khoa. Họ cũng dùng đến lời khai của một kẻ chỉ điểm bị giam cùng phòng với rayBuckey nhưng sau đó bị bác vì không đáng tin cậy.
Một trong các nhân chứng của phía công tố là bác sĩ William E. Gordon, tự cho là đã tham gia 300 vụ án, tuy nhiên các luật sư của bên bị đã “bóc mẽ” ông này, buộc Gordon thú nhận rằng ông ta không phải là giáo sư và cũng không có văn bằng chính thức trong lĩnh vực đang chẩn đoán, thậm chí còn từng bị cấm hành nghề ở một nước khác nơi có một số tổ chức khiếu nại về công việc của ông ta.
Một nhân chứng khác của bên công tố là một điều tra viên của cảnh sát nhưng không hiểu sao ông này lại tự sát vào ngay buổi tối trước ngày phải ra tòa làm chứng, việc này gây ra những đồn đoán ầm ĩ giống như đã từng xảy ra sau cái chết của Judy Johnson. Người ta truyền tai nhau rằng dường như ông này bị hăm dọa.
Tuy nhiên, nhân chứng quan trọng nhất của công tố viện là Kee MacFarlane với kỹ thuật điều tra tâm linh của bà gồm sử dụng hình nhân, búp bê khiến bọn trẻ trước đó hoàn toàn im lặng bỗng mở miệng khai đã có sự lạm dụng tình dục trong trường.
Các luật sư bên bị cho rằng Kee MacFarlane đã đe dọa và mớm lời cho lũ trẻ và đòi bà ta trưng ra những giấy tờ cho thấy phương pháp điều tra của bà đã được công nhận nhưng bị từ chối.
Ray Buckey (phải) và bà Peggy Buckey (trái) tại tòa |
Luật sư Daniel Davis đã mời chuyên gia tâm thần học Michael Maloney. Khác với MacFarlane, ông là giáo sư Trường Y Đại học Nam California. Sau khi phân tích 50 cuốn băng videos quay các cuộc phỏng vấn những đứa trẻ tại CII, Tiến sĩ Maloney cho rằng những câu hỏi đó có tính chất cưỡng ép khiến đứa trẻ đâm ra thụ động và trả lời theo hướng mà người phỏng vấn muốn nghe.
Mặc dầu quan toà Pounders tuyên bố rằng ông không thích cách lý giải của Maloney nhưng bù lại luật sư Davis và Gits đã vận động được Pounders cho phép gọi Sandra Krebs, một nhân viên xã hội làm việc dưới quyền MacFarlane và được bà ta dạy cho phương pháp phỏng vấn “độc đáo” của bà.
Krebs thừa nhận mới chỉ học một vài khoá chuyên môn và tham gia vài hội thảo về phương pháp của MacFarlane. Bà Krebs nói trong khi phỏng vấn lũ trẻ, bà thấy chúng thường im lặng khá lâu trước khi trả lời với vẻ miễn cưỡng. Đây dường như là dấu hiệu chúng sợ hãi. Krebs cũng thừa nhận những đánh giá của bà sau các cuộc phỏng vấn là suy đoán và mang tính chủ quan cao.
Năm 1990, sau 6 năm dài đằng đẵng xét xử đến nỗi một số bồi thẩm lo lắng vì sợ …mất việc làm, mẹ con nhà Buckey được tuyên trắng án nhưng đáng tiếc là chỉ có 11 trong số 13 bồi thẩm tham gia bỏ phiếu nên một phiên toà mới được mở ra với một đoàn bồi thẩm mới chỉ để xét xử Ray Buckey.
“Được vạ thì má đã sưng”
Cuối cùng, vụ án được đóng lại sau khi công tố viện rút toàn bộ các caó buộc đối với anh, Ray được trả tự do sau 5 năm ngồi tù. Tuy nhiên nhà trẻ McMartin đã bị đóng cửa.
Vụ án nhà trẻ McMartin được coi là vụ án kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Ngân sách đã bị tiêu tốn vô ích 15 triệu USD. Để có được cáo trạng, một bộ máy lớn hiếm thấy được huy động với 3 công tố viên với 14 điều tra viên, 22 nhân viên lực lượng đặc nhiệm, 22 nhân viên công tác xã hội, 5 thám tử.
Người ta đã khám xét 21 ngôi nhà, 7 văn phòng làm việc, 3 nhà thờ, 2 sân bay, 37 xe hơi và một trang trại nhưng chẳng hề tìm được chứng cứ nào chống lại gia đình Buckey.
Cả thảy có 450 đứa trẻ và 150 người lớn bị phỏng vấn, làm vô số xét nghiệm tìm kiếm dấu vết tinh trùng trên quần áo, chăn… nhưng vẫn trắng tay. Đã có lúc dựa theo lời khai của lũ trẻ, người ta thuê một nhà khảo cổ mang ra đa tới dò tìm trong sân trường một đường hầm mà dường như Ray đã dẫn chúng xuống đó để tiện bề sàm sỡ. Từ 360 trường hợp nghi là nạn nhân, đến khi ra toà chính thức chỉ còn 11 nguyên đơn.
Thuý An
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận