LS Phạm Hồng Hải: Luật sư của những thân phận đặc biệt

Sở hữu một gương mặt hơi mang dáng vẻ... ngoại quốc với hàng ria mép được chăm chút kỹ lưỡng, nhìn ông nom giống một diễn viên điện ảnh. Nhưng ông lại là một luật sư nổi tiếng, đã từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, đã từng có mặt trong các phiên tòa nổi đình nổi đám nhất, đã từng được VTV chọn là "người đương thời". Và, đặc biệt hơn, ông là luật sư duy nhất ở Việt Nam hiện nay được phong học hàm Phó giáo sư.

Có lẽ quá nhiều người biết đến sự nổi tiếng của ông nhưng lại ít ai biết được những thăng trầm, những biến cố mà ông đã từng trải nghiệm trên con đường chạm tới vinh quang.

Ông là PGS-TS-LS Phạm Hồng Hải, thành viên Hội đồng Lâm thời luật sư toàn quốc, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự.

Phòng làm việc của ông nằm trên tầng 2 của Văn phòng Luật sư (LS) Phạm Hồng Hải và cộng sự tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên, giản dị đến không ngờ. Tôi quan sát mãi mà tịnh không thấy ông treo bất kỳ một thứ gì trên tường: bằng cấp, giấy chứng nhận, giấy khen hoặc ảnh chụp với các... VIP như cái cách mà một số người vẫn thường khoe trong phòng làm việc để dọa... khách.

Chỉ có duy nhất một thứ được treo ở vị trí trang trọng nhất, đó là một bức thư pháp mà nội dung là những lời dạy của Khổng Tử về đạo làm Người.

Tôi hỏi, bằng tiến sĩ luật của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga oách thế, sao không treo? Ông bảo, học là để cho mình phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ bằng cấp có phải để trang trí đâu mà... triển lãm.

Thì đúng vậy, 37 năm về trước, khi đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, Phạm Hồng Hải khi ấy là một anh lính trẻ, bị thương dập nát nửa người, phải nằm bất động trong Quân Y viện nhưng vẫn miệt mài đèn sách... trên giường bệnh.

Với thương tích quá nặng, ông biết mình không bao giờ có cơ hội được trở lại chiến đấu vì Tổ quốc nên ông tự thấy mình phải học để phụng sự đất nước theo cách khác.

Đơn giản vậy thôi chứ khi ấy nằm liệt giường, không đứng, không đi được, ông nào mơ đến tấm bằng tiến sĩ sau này. Cả chức danh PGS, cả nghề luật sư, cả sự nổi tiếng... Nói tóm lại, tất cả những gì ông có bây giờ đều không có trong toan tính của ông lúc ấy.

Chỉ duy có một điều, ông biết rất rõ, ngay từ khi ấy, đó là cuộc đời đã dành cho ông một ân huệ lớn khi ông là người duy nhất may mắn sống sót trong khi tất cả đồng đội trên boong của một con tàu không số đã phải vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi không bao giờ trở về... Ông được phục vụ trên đoàn tàu Không số của Bộ Tư lệnh Hải quân ngay sau khi nhập ngũ, năm 1969. Thi tốt nghiệp phổ thông xong ở quê, chưa kịp nhận bằng thì ông xung phong ngay vào bộ đội.

Có lẽ thấy ông to khỏe, lại nhanh nhẹn, có trình độ (thời ấy có bằng lớp 10 là rất oách) nên ông được chọn vào đoàn tàu Không số. Đây là một đoàn tàu cảm tử chuyên chở vũ khí vào Nam. Chiến tranh khi ấy đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Nhổ neo rồi không bao giờ trở về, mất xác trên biển khơi là chuyện bình thường của các con tàu Không số. Phạm Hồng Hải đã hai lần cùng đồng đội chở vũ khí vào Nam và con tàu của ông đã may mắn trở về một cách an toàn.

Nhưng biến cố xảy ra vào buổi chiều muộn ngày 16/4/1972, khi con tàu của ông đang nằm trên sông Cấm (thuộc địa phận Hải Phòng) ăn hàng để chuẩn bị cho một chuyến vào Nam thì bị máy bay Mỹ đánh bom trúng.

Ký ức của ông bây giờ, về trận chiến ấy, chỉ còn những vệt sáng xanh lét hãi hùng của lửa, của tiếng bom nổ, tiếng máy bay Mỹ gầm rú.  Trước khi bất tỉnh, ông chỉ kịp nhìn thấy những vệt sáng xanh lè của lửa và xác những người đồng đội cháy sém. Mãi sau này ông mới biết, trong số 20 người trên con tàu ấy, chỉ có 3 người sống sót. Đó là 2 chiến sĩ phục vụ dưới hầm tàu và ông, người duy nhất còn sống trên boong tàu.

Cuộc trở về từ cái chết với những thương tích trầm trọng đã lấy đi của ông nhiều phần sức khỏe nhưng đã đem lại cho ông những  bài học làm Người quý giá. Ông hiểu rằng, cuộc đời đã đem món quà tặng vô giá là sự sống đến cho ông và tự thân ông, ông sẽ phải sống sao cho có ích nhất.

Sau gần 2 năm ròng  nằm liệt trong Quân Y viện, trải qua 3 lần phẫu thuật, ông đã mất đi nhiều phần sức khỏe. Là thương binh hạng 4/4, không còn có cơ hội trở lại chiến trường, ông quyết tâm học ngay trên giường bệnh.

Ngày ấy, trong Quân Y viện Hải quân, đã có nhiều người ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một thương binh băng bó trắng toát khắp người nhưng vẫn miệt mài đọc sách, miệng lẩm nhẩm các công thức toán học. Thậm chí có người tưởng ông bị... tâm thần do sức ép của bom.

 

LS Phạm Hồng Hải (Người thứ 2, hàng đầu, từ phải sang) trong lễ ra mắt Hội đồng lâm thời Đoàn LS toàn quốc.

 

Xuất viện năm 1973, ông thi đại học và đậu ngay với số điểm cao. Không cần phần điểm ưu tiên dành cho bộ đội, ông đàng hoàng bước vào giảng đường đại học. Và, không chỉ có vậy, do điểm thi cao, ông còn được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài.

Sang Liên Xô (cũ), ông được vào học luật ở Đại học Luật Tasken. Dù là thương binh mới ở chiến trường ra, sức khỏe kém nhưng ông học rất giỏi. Ông là một trong số những sinh viên hiếm hoi được Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Liên Xô (cũ) tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập.

Tốt nghiệp Đại học Luật Tasken với tấm bằng đỏ, ông về nước. Sáu năm học tập ở nước ngoài, ông đã thu nạp được nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực thuộc về luật pháp.

Nhưng, câu chuyện về cái chết hụt năm xưa vẫn đeo bám ông, giống như một nỗi ám ảnh. Đã từng chạm vào cái chết nhưng lại được cuộc đời ban cho ân huệ được sống, hơn bao giờ hết ông hiểu được một cách tận cùng cái quý giá của cuộc sống làm người. Vì thế mà trong rất nhiều kiến thức đã học được, ông luôn luôn quan tâm đến những gì thuộc về quyền con  người, ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Bởi vậy, sau khi ở Đại học Luật Tasken trở về Việt Nam làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Nhà nước và Pháp luật, ông quan tâm nhiều đến quyền của người bị buộc tội, trong đó có quyền được bào chữa.

Trong vòng tố tụng, có nhiều loại người phạm tội. Có người phạm tội do cố ý nhưng cũng có không ít người phạm tội do vô ý, do thiếu hiểu biết về pháp luật và có cả những người bị hàm oan. Những đối tượng đó cần phải có người bào chữa. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan chính là bảo vệ pháp chế XHCN. Còn kể cả trong trường hợp, tội lỗi của họ đã rõ ràng thì khi LS có tình thương với họ cũng là một động lực để họ hoàn lương.

Hơn 10 năm làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Nhà nước và Pháp luật, ông đã đeo đuổi đề tài "Bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội".

Để có tư liệu thực tế phục vụ việc nghiên cứu khoa học, ông đã tham gia làm LS kiêm nhiệm, đầu tiên là ở Đoàn LS Hải Phòng rồi sau đó là Đoàn LS Hà Nội. Năm 1991, ông quay lại Nga tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật học với đề tài này tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga năm 1993.

Tám năm sau, năm 2001, với những đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông được Hội đồng học hàm Nhà nước phong Phó giáo sư Luật học. Và, các đề tài khoa học xoay quanh cơ chế minh oan trong tố tụng vẫn là niềm say mê của ông. Ông vẫn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa tham gia bào chữa ở phiên tòa với tư cách là LS kiêm nhiệm.

Nhưng có một điều đặc biệt là, ngay từ khi Phạm Hồng Hải hành nghề luật sư như một nghề tay trái thì ông toàn được mời ngồi trong các phiên tòa nổi đình nổi đám để bào chữa cho các nhân vật cựu quan chức phạm tội, trong các vụ án từng là tâm điểm chú ý của dư luận như vụ Năm Cam, vụ Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh... Ông đã từng là LS của bị cáo Trần Hùng Sơn (trong vụ án Mường Tè), của bị cáo Lương Quốc Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao)... Rõ ràng, trong số hàng nghìn LS, ông là một trong số những người hiếm hoi hay được mời bào chữa cho các nhân vật có thân phận đặc biệt mà ta cứ hay gọi là... VIP và tất nhiên là trong những vụ án không đơn giản.

Điều đó có phải ngẫu nhiên không và câu trả lời chắc chắn là không. Lẽ vì, nghề LS cũng giống như nghề bác sĩ và các bị can, bị cáo khác gì những con bệnh. Đã có bệnh thì tất phải tìm bác sĩ giỏi mà cầu cứu thôi... Và, đó là một trong nhiều lý do họ tìm đến ông, mời ông bào chữa. Cứ thế, người nọ mách người kia và dần dần ông trở nên nổi tiếng. Đã thế, các vụ án lớn thường được truyền trên truyền hình. Gương mặt đầy chất "Xinema" của ông cũng vì thế mà ngẫu nhiên xuất hiện ở mọi nhà.

Nhưng việc tham gia bào chữa có làm ông trở nên nổi tiếng thì khi ấy với ông vẫn chỉ là để lấy thực tế phục vụ cho nghiên cứu khoa học chứ ông không bao giờ nhắm tới cái đích sẽ trở thành LS chuyên nghiệp.

Cứ thế, tưởng rồi cuộc đời ông từ bấy sẽ mãi mãi gắn bó với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhưng không phải. Năm 2004, lại một biến cố nữa xảy ra trong đời ông.

Số là, Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định chỉ có những người không phải là cán bộ, công chức Nhà nước mới được gia nhập đoàn LS. Đối với những người đang làm luật sư kiêm nhiệm (tức là vừa làm công chức vừa làm luật sư) như ông, Bộ Tư pháp sẽ cho gia hạn thêm 3 năm để quyết định sẽ  bỏ công chức sang làm LS hay thôi LS để làm công chức.

Quy định đó vô tình trở thành bước ngoặt trong cuộc đời ông khi buộc ông phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa hai công việc mà ông cùng yêu thích. Đó là còn chưa kể, lúc ấy ông không chỉ có danh mà còn có ghế (giữ chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu tư pháp hình sự của Viện Nhà nước và Pháp luật). Nhưng rồi, bị đặt vào tình thế ngặt nghèo ấy, ông mới ngộ ra chính mình. Rằng, ông yêu nghề LS biết bao và xưa nay ông hành nghề bằng chính tình yêu vô biên ấy chứ không chỉ đơn thuần để làm thực tế để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

Và, thế là như một định mệnh, ông quyết định xin về hưu để làm LS chuyên nghiệp. Sợ bị vợ ngăn cản, ông đã phải giấu vợ viết đơn xin nghỉ hưu. Và, kết quả của sự lựa chọn nghiệt ngã ấy là sự ra đời của Văn phòng LS Phạm Hồng Hải và cộng sự.

Có văn phòng riêng, ông càng nhiều khách hàng hơn và "khách hàng truyền thống" của ông lại vẫn là các... cựu VIP. Tôi đã đặt lên bàn ông câu hỏi của nhiều bạn đọc trong và ngoài giới LS rằng, có phải bây giờ ông đã rất giàu và giàu lên nhờ các "khách hàng truyền thống" ấy?

Cứ tưởng câu hỏi khó chịu đó sẽ hoặc làm ông nổi xung hoặc "nhã nhặn" hơn là tìm cách né tránh. Nhưng không, ông rưng rưng cười, thay cho câu trả lời bằng một câu chuyện.

Đó là một lần, có một phụ nữ lặn lội từ Cao Bằng xuống Hà Nội, tìm đến Văn phòng LS của ông mời đích danh ông bào chữa cho chồng bà ta nguyên là một cựu quan chức, phạm tội đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Cao Bằng. LS Phạm Hồng Hải nhận lời và sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ, thấy có nhiều điểm chưa rõ, ông đã lên Cao Bằng làm thủ tục vào gặp bị can tại trại giam để hỏi thêm một số vấn đề.

Nhưng khi gặp LS Phạm Hồng Hải tại Trại giam thì thật bất ngờ, vị cựu quan chức này, hình như là theo thói quen, bỗng lên giọng hách dịch: "Là luật sư của tôi, anh đã nghiên  cứu hồ sơ kỹ chưa mà đã lên đây gặp tôi? Nếu chưa nghiên cứu kỹ, mời anh về, tôi không làm việc".

Phạm Hồng Hải không trả lời. Ông mở cặp lặng lẽ đưa cho vị cựu quan chức một mảnh giấy trắng phau, một cây bút và nói rành mạch từng lời: "Tôi đề nghị bị can viết đơn từ chối luật sư".

Bào chữa cho các VIP, dù lúc ấy họ chỉ còn là cựu VIP vì đã trở thành bị can, nhưng ai bảo là không cay đắng...

                                                                                                 Theo báo điện tử CAND.COM ngày 12/02/2009

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889