Ls Phạm Hồng Hải - Những bài học nghề nghiệp

Vụ án Vườn điều, nếu đối với lịch sử tư pháp Việt Nam đáng được ghi dấu như một bài học cho các cơ quan tố tụng thì đối với LS Phạm Hồng Hải lại là một biến cố. Là luật sư trong vụ án Vườn điều, ông đã từng bị tố cáo… phạm tội. Nhưng với niềm tin vào công lý, ông đã không chùn bước trên con đường đi tìm sự thật khách quan để rồi, sau này chính vụ án đó đã mang lại cho ông nhiều bài học bổ ích khi tất cả những bị cáo mà ông bào chữa đều được tuyên vô tội…

Tin vào công lý

Vào tháng 5/2004, Văn phòng LS Phạm Hồng Hải có một người khách đặc biệt. Đó là ông Trần Mỹ, một người dân sống ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, một vùng đất cách xa Hà Nội hơn 1 nghìn cây số. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, địa danh xa lắc xa lơ này, đối với phần đông những người hành nghề tư pháp đã trở nên quen thuộc bởi đây chính là nơi xảy ra “Vụ án vườn điều”, một vụ án đang xôn xao dư luận lúc bấy giờ.

Gọi là "Vụ án vườn điều" bởi vì địa điểm phát hiện ra xác chết của bà Dương Thị Mỹ đêm 18 rạng ngày 19/5/1993 là một vườn điều ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

4 tháng sau khi các công việc điều tra không đạt được kết quả, vào tháng 9/1993, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Gần 5 năm sau, từ lời khai của Huỳnh Văn Nén, một đối tượng bị bắt tạm giam trong một vụ án khác, Công an tỉnh Bình Thuận đã phục hồi điều tra "Vụ án vườn điều". Sau đó, 10 người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (tất cả đều là dân địa phương) đã bị khởi tố, trong đó có 8 người bị bắt giam.

Các cơ quan tư pháp của tỉnh kết luận: bà Mỹ có quan hệ tình ái bất chính với anh Trần Văn Sáng, con rể bà Lâm. Vì thế gia đình bà Lâm đã tổ chức đánh ghen tập thể tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng dẫn đến cái chết của bà Mỹ.

 
 

trở lại câu chuyện của ông Trần Mỹ. Chỉ là một người dân bình thường ở địa phương, không có quan hệ huyết thống với các bị cáo trong vụ án nhưng ông Trần Mỹ phải tự bỏ tiền lặn lội ra Hà Nội gặp LS vì qua theo dõi vụ án, ông thấy có nhiều điểm bất hợp lý chưa được làm sáng tỏ.

Lúc này, vụ án đã trải qua hai lần xét xử. Tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận tuyên các bị cáo phạm tội và bị cáo phải chịu mức án cao nhất là 10 năm tù giam về tội giết người. Nhưng bản án này đã bị Tòa phúc thẩm của TAND tối cao tại TP HCM lại tuyên hủy để điều tra lại.

Trong chuyến ra Hà Nội lần này, cùng với những tài liệu về vụ án đã tự thu thập được, ông Trần Mỹ còn mang theo lá thư của ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch xã Tân Minh. Trong bức thư gửi đích danh LS Phạm Hồng Hải, ông Thận khẳng định, tất cả những người bị bắt giữ trong “Vụ án vườn điều” đều bị oan và tha thiết đề nghị LS Phạm Hồng Hải bào chữa giúp họ.

Tuy nhiên, cả ông Mỹ và ông Thận đều nói rõ rằng, hoàn cảnh của các bị cáo rất éo le. Họ hầu như không còn tài sản gì kể từ khi cả gia đình bị lâm vào vòng tố tụng. Vì thế, họ không có tiền để trả công cho các LS. Nếu các LS đồng ý bào chữa miễn phí thì mới dám nhờ cậy, bằng không thì đành... thôi. 

Ông Trần Mỹ tỏ ra rất sốt ruột nhưng LS Phạm Hồng Hải không dám nhận lời ngay. Ông chần chừ không phải vì chuyện miễn phí hay không miễn phí mà vì ông sẽ chỉ bào chữa nếu như các bị cáo có dấu hiệu bị hàm oan. Vì thế, ông nói với ông Trần Mỹ rằng, ông cần phải nghiên cứu hồ sơ vài ba ngày rồi mới có câu trả lời.

Mặc dù, thời gian nghiên cứu hồ sơ rất ngắn ngủi nhưng LS Phạm Hồng Hải đã phát hiện ra một số điểm bất bình thường trong vụ án này. Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến những hình ảnh cuối cùng của bị cáo Trần Thị Nhung, 1 trong 10 người thuộc đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm đã bị khởi tố và bắt giam, trong một đoạn băng video.

Chị Nhung do bị bệnh ung thư tử cung nên đã được tại ngoại để vào Bệnh viện Ung bướu TP HCM chữa bệnh. Song, do bệnh tình quá nặng, chị Nhung đã chết trước khi phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất được mở.

Thân hình tiều tụy, những giọt nước mắt cay đắng và những tiếng kêu oan xé lòng của chị Nhung trong những ngày cuối cùng trước khi chết tại bệnh viện đã khiến LS Phạm Hồng Hải không cầm lòng được. Ông quyết định nhận lời bào chữa cho tất cả các bị cáo trong "Vụ án vườn điều".

Bào chữa cùng ông còn có LS Trần Vũ Hải và LS Bùi Đức Trường cũng ở Hà Nội nhưng tất cả các LS đều không đòi hỏi bất kỳ một chi phí nào từ phía gia đình các bị cáo. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở từ Hà Nội vào Bình Thuận, chi phí hồ sơ giấy tờ... đều do các LS tự lo liệu.

LS Phạm Hồng Hải nhớ lại, nhóm LS nghiên cứu hồ sơ được khoảng 3 tháng. Đây là thời gian làm việc cực kỳ căng thẳng của ông và các đồng nghiệp. Cuối tháng 7 đầu tháng 8/2004, phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai được mở tại TAND tỉnh Bình Thuận.

Cuộc tranh luận giữa bên gỡ tội và bên buộc tội tại phiên tòa đã diễn ra khá gay gắt. Tuy nhiên, vẫn như lần xét xử sơ thẩm thứ nhất - bản án sơ thẩm lần thứ hai của TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên: các bị cáo có tội, không có ai bị hàm oan. Chỉ duy có một điều khác, LS của các bị cáo, trong đó có LS Phạm Hồng Hải bị tố cáo có hành vi phạm tội "Vu khống" và "Làm nhục người khác". Bằng chứng của tội phạm là những phát biểu quá lời của các LS tại tòa. Lá đơn tố cáo này đã được gửi tới Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban pháp luật Quốc hội, Bộ Tư pháp... và nhiều cơ quan nội chính khác.

Tôi hỏi: "Tâm trạng của LS lúc ấy thế nào, có sợ không?".  Ông quả quyết: "Không sợ vì tôi luôn luôn tin vào công lý".

Cũng chính bởi niềm tin ấy mà sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai, không chùn bước, cũng không thất vọng, LS Phạm Hồng Hải và các LS cùng nhóm lại tiếp tục bỏ thời gian, công sức để đeo đuổi lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao. 7 tháng sau, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM một lần nữa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bình Thuận;  kiến nghị Bộ Công an trực tiếp thụ lý điều tra lại toàn diện vụ án.

Đối với LS Phạm Hồng Hải, lúc này mặc dù các bị cáo vẫn  chưa được tuyên trả tự do nhưng ông thấy rất vui. Sau này, ông kể lại rằng, ông đã trải qua một cảm giác thật kỳ lạ sau phiên tòa ấy. Ông bỗng thấy lòng mình thanh thản và tiếp tục hy vọng bởi ông tin Cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ làm sáng tỏ sự thật khách quan. (Toàn bộ quá trình điều tra lại vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và những bài học trong công tác tố tụng đã được Chuyên đề ANTG phản ánh trong bài báo "Vụ án vườn điều và những bài học đắt giá" của nhà báo Nguyễn Như Phong số ra ngày 24/12/2005).

Kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận, chưa đủ cơ sở để buộc tội các bị can về tội giết người. Theo đó, tất cả các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm đã được đình chỉ điều tra. Sau đó, gia đình bà Lâm nhận được số tiền bồi thường oan sai hơn 1 tỉ đồng từ các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận.

Bài học trong cay đắng

Vụ án đã khép lại, trách nhiệm của các LS coi như đã kết thúc trong vinh quang. Nhưng LS Phạm Hồng Hải nói rằng, đối với ông, sự bình yên trong cuộc đời của những người đã từng vướng vào vòng lao lý, mới là niềm vui lớn nhất. Vì thế, sau khi tất cả các bị cáo được trả tự do, ông vẫn đau đáu mong mỏi có một ngày được  trở lại Bình Thuận để gặp lại họ. Song do công việc quá bận rộn nên phải một năm sau đó, LS Phạm Hồng Hải và các cộng sự của ông mới có dịp quay lại xã Tân Minh.

Cuộc sống của các cựu bị cáo trong "Vụ án vườn điều" dần ổn định, họ dùng số tiền bồi thường để mở cửa hàng, mua ôtô chở khách. Ông vui mừng đến ngạc nhiên vì sức khỏe của bà Lâm, người lớn tuổi nhất trong gia đình phục hồi nhanh. Mới một năm trước gặp bà tại phiên tòa với mái đầu bạc trắng thì nay thấy tóc ít nhiều đã xanh trở lại. Gặp LS Phạm Hồng Hải, bà đã ôm lấy ông nói những lời tạ ơn trong nức nở...

Trong cuộc đời làm LS của mình, "Vụ án vườn điều" không phải là vụ án duy nhất thắng lợi; lời cảm ơn của bà Lâm cũng không phải là lời cảm ơn duy nhất nhưng đối với LS Phạm Hồng Hải, những cuộc hạnh ngộ ấy bao giờ cũng làm ông rơi nước mắt. Giống như đã có lần ông rơi nước mắt khi vào đúng chiều 30 tết, một cựu bị cáo từng được ông bào chữa lặn lội từ quê, vượt một chặng đường dài gần 200 cây số, lấm lem bùn đất tìm đến nhà ông biếu ông một con gà và mấy trái bưởi quê chín mọng.

Nhưng cuộc đời của một LS, dù có nổi tiếng như ông thì không phải bao giờ cũng chỉ toàn có những niềm vui như thế. Sự thành đạt của ông hôm nay sẽ khiến cho nhiều người khó mà tin được rằng, ông đã bị thất bại ngay từ vụ án đầu tiên trong cuộc đời làm LS của mình.

Khi ấy ông mới ở Liên Xô về, thừa nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp. Bị cáo mà ông bào chữa là một cán bộ quân đội, bị truy tố về tội buôn lậu. Ông cũng mất nhiều tháng ròng nghiên cứu, thu thập tài liệu hồ sơ và trong tay ông có đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng bị cáo không phạm tội. Tại phiên tòa, ông nói rất nhiều, rất mạnh, dùng đủ tất cả mọi lời lẽ đao to búa lớn. Nhưng rồi, cuối cùng, nước lã ra sông, tòa vẫn tuyên bị cáo có tội. Ông buồn lắm, mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Về nhà, vợ gọi cũng chả buồn thưa, đến nỗi vợ ông cứ tưởng ông bị... đuổi việc.

Thất bại  ngay từ vụ án đầu tiên, ông ngộ ra rằng, LS  là một nghề khó khăn và cực nhọc chứ không lung linh và nhiều lãng mạn như hình ảnh của những vị LS trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám hay trong các bộ phim điều tra hình sự.

Sau này, ông thường mang các thất bại của chính bản thân mình ra để làm bài học cho các học trò mà bài học đầu tiên bao giờ cũng là bài học về sự khẳng định vị thế của LS trong tố tụng hình sự.  Cho dù vị thế của LS đã được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật với những quy định thông thoáng, dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho LS hành nghề, nhưng nếu bản thân các LS không đủ kiến thức, không đủ trình độ thì họ không bao giờ có được vị thế xứng đáng. Người LS đứng trước tòa không thể nói bừa nói ẩu theo kiểu "nói lấy được" mà lời bào chữa của LS bao giờ cũng phải dựa trên những kiến thức cơ bản của khoa học pháp lý.

Nhưng cho dù ngay cả khi lời bào chữa ấy rất tuyệt vời về mặt kiến thức nhưng người LS không có phương pháp, kỹ năng giải trình thuyết phục thì không những sẽ không thành công mà còn gây thêm không khí căng thẳng không cần thiết cho phiên xử. Vì thế, bài học thứ hai ông tự rút ra cho mình, đó là bài học về kỹ năng hành nghề của LS. Cái khó của nghề LS là dám nói ra sự thật nhưng phương pháp, kỹ năng giải trình thuyết phục sao cho sự thật ấy được chấp nhận còn khó hơn nhiều. Thất bại của ông trong vụ án đầu tiên chính là do ông chưa có kỹ năng thuyết phục.

Bài học cuối cùng và cũng là bài học quan trọng nhất, theo quan niệm của ông, đó chính là bài học về đạo đức nghề nghiệp. Người LS, dù có giỏi kiến thức đến mấy, kỹ năng thuyết phục có hoàn hảo tới đâu nhưng nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì không những sẽ chẳng giúp ích được gì mà còn làm phương hại đến xã hội. Đã có đầy rẫy những bài học về sự sa ngã của những LS chạy án, LS lừa đảo mà vụ án LS Lê Bảo Quốc ở TP HCM là một điển hình.

Với ông, đạo đức LS chính là một điều kiện cần thiết và quan trọng để nâng cao uy tín và vị thế của LS trong xã hội. Trong mọi vụ án, trong mọi trường hợp, trong mọi mối quan hệ, LS phải tuân thủ chặt chẽ đạo đức nghề nghiệp. Đó là một điều quý giá mà mỗi LS cần phải giữ gìn trong suốt quá trình hành nghề. Làm nghề LS, cho dù có nổi danh như ông đi chăng nữa, nhưng lấy đó làm phương tiện kiếm tiền thì đó là một điều nguy hiểm. Với ông, luật như một thứ "đạo" thờ.

Xin được mượn những lời dạy của Khổng Tử về đạo làm Người mà tôi đã tình cờ đọc được trong bức thư pháp treo trong phòng làm việc của LS Phạm Hồng Hải để kết thúc bài viết này: "Tâm còn chưa thiện - Phong thủy vô ích; Bất hiếu cha mẹ - Thờ cúng vô ích; Việc làm bất chính - Đọc sách vô ích; Làm trái lòng người - Thông minh vô ích"

Đặng Huyền

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889