Luật Luật sư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, quy định từ nay về sau sẽ không còn chức danh “luật sư tập sự” nữa mà phải gọi họ là “người tập sự hành nghề luật sư”. Cùng với việc thay đổi tên gọi ấy, người tập sự hành nghề luật sư không còn tư cách “luật sư” nữa, không được làm bất cứ việc gì ngoài việc “giúp” luật sư hướng dẫn mình học nghề. Liệu chuyện này đã hợp lý?
Không cho xuống nước…
Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư nêu rõ: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng”.
Điều luật trên có nghĩa là người tập sự hành nghề luật sư (NTSHNLS) không được tham gia tố tụng ở các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nhất là tham gia tại các phiên toà để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. NTSHNLS không được tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, nghĩa là không được tiếp khách hàng, hướng dẫn, góp ý kiến về mặt pháp luật và giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ (đơn từ , hợp đồng, di chúc, đến mẫu hồ sơ …) liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong quá trình giao dịch, khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo…
Cạnh đó, NTSHNLS không được đại diện ngoài tố tụng cho công dân khác, nghĩa là không được làm đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi người đó tập sự với tư cách các nhân làm việc theo hợp đồng lao động. NTSHNLS cũng không được làm mọi thứ dịch vụ pháp lý khác như giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính (thí dụ dẫn dắt, đưa khách hàng đến các cơ quan thẩm quyền để giải quyết công việc theo yêu cầu); giúp đỡ, tư vấn hay đại diện cho khách hàng trong quá trình khiếu tố; biên dịch các loại giấy tờ hay phiên dịch các cuộc tiếp xúc, xác nhận giấy tờ và giúp đỡ khách hàng thực hiện các công việc khác…
Như vậy là NTSHNLS bị cấm tiệt, cấm nhận làm tất cả mọi hoạt động thuộc phạm vi nghề nghiệp của luật sư, thậm chí không được làm những việc mà mọi công dân bình thường đều được làm (như đại diện theo uỷ quyền, thay thế các đương sự tham gia tố tụng tại phiên toà; giúp thảo đơn, nộp đơn; dịch tài liệu; đại diện theo uỷ quyền để tham gia khiếu nại, tố cáo; giúp giải thích, hướng dẫn luật lệ cho người khác)… Những việc này, mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự (không bị bệnh tâm thần, không còn khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình) đều được làm nhưng NTSHNLS không được làm. Vì vậy, có người cho rằng về tư cách pháp lý, NTSHNLS cũng được liệt vào như loại người … mất năng lực hành vi dân sự (?!).
… Làm sao biết bơi?
Quá trình phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy lúc đầu (theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987), các luật sư tập sự đều được bào chữa (ở mọi cấp toà) và làm mọi việc giúp đỡ pháp lý cho khách hàng như luật sư thực thụ. Sau đó (theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001), luật sư tập sự vẫn có quyền và nghĩa vụ như luật sư, trừ một số việc “quan trọng” chưa được làm như đứng ra thành lập văn phòng luật sư, ký văn bản tư vấn pháp luật, tham gia các vụ án từ toà án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, toà án quân sự quân khu trở lên…
Nay thì luật mới cấm hết. Trong suốt cả 18 tháng tập sự, NTSHNLS chỉ được “giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp” mà không được trực tiếp làm dịch vụ pháp lý gì cho khách hàng cả. Chỉ được phụ trợ giúp việc cho luật sư hướng dẫn, liệu có phải đó là hay khi mà so với các ngành nghề khác, dù có thể có nguy hiểm thế mấy cho xã hội đi nữa, hễ đã “tập sự” là phải được thực tập, làm thử cho quen với mọi công việc của nghề? Lúc tập sự không được tập làm với sự giám sát, kèm cặp của “ông thầy” thì khi mãn hạn tập sự làm sao “tự bơi” một mình?!
Lâu nay các giám khảo sát hạch luật sư tập sự để cho làm luật sư thực thụ, họ thường hỏi người tập sự đã ra toà được mấy lần, cãi cọ ra sao, tư vấn cho khách hàng như thế nào… Tương lai đây có lẽ các giám khảo “kiểm tra tay nghề” phải đổi lại cách sát hạch cho phù hợp với luật mới: Bạn đã được “dòm” mấy phiên toà có luật sư cãi? Bạn đã nghe được luật sư tư vấn cho khách hàng mấy bận. Bạn có biết viết đơn giùm người khác là đã vi phạm pháp luật không? Không được tư vấn mà lại biết đủ chuyện của người ta cũng có thể là xâm phạm “bí mật đời tư, bí mật thông tin” của nghề?...
Những điều đó và hậu quả của nó đang là mối ưu tư của ngiều người, nhất là những NTSHNLS! Vấn đề này cần được cơ quan thẩm quyền giải thích rõ hơn khi mà Nghị định 28 ngày 26-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư cũng như Thông tư 02 ngày 25-4-2007 của Bộ Tư pháp đều chưa hề “đả động” đến.
LS.TS. Phan Đăng Thanh
Theo Báo pháp luật TP.HCM
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận