Những ngày qua, liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm ngồi tù vì bị kết án chung thân với tội danh Giết người đã có không ít những bài báo chia sẻ thông tin pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại do oan sai. Tuy nhiên, trong số đó đã có những luật sư tư vấn như chưa đọc luật, áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực.
P
Tiêu biểu là trên một trang báo, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh đã chia sẻ rằng việc bồi thường thiệt hại do oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được áp dụng theo “tinh thần Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường oan sai”. Đồng thời luật sư Truyền trích dẫn nguyên văn một số quy định tại Nghị quyết 388.
Tuy nhiên, thực tế Nghị quyết 388 đã hết hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2010, không hiểu tại sao luật sư lại trích dẫn và làm căn cứ áp dụng pháp luật? Đây là một sự nhầm lẫn, “làm ẩu” hay là luật sư không đọc luật mới?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền tư vấn trên một tờ báo.
Điều đáng nói thông tin chia sẻ pháp luật của luật sư Truyền nói trên được nhiều báo lấy lại và lan tỏa trên cộng đồng mạng. Cũng trong bài chia sẻ pháp luật của mình, luật sư Truyền nói về nghi án oan sai: “Đây là một việc buồn trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Việc điều tra, khởi tố, truy tố, kết án ẩu đã dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn”. Cần phải nhấn mạnh, ở đây chính luật sư cũng là người tư vấn ẩu khi đưa văn bản đã hết hiệu lực ra làm cơ sở pháp lý và kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai khi chưa có phán quyết có hiệu lực của tòa án.
Tại khoản 2, điều 65 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu rõ: Từ ngày 1/1/2010 Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được thay thế kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Được biết, luật sư Nguyễn Thế Truyền hiện đang công tác tại Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh có trụ sở làm việc tại phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Luật sư Nguyễn Thế Truyền là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Thiết nghĩ, việc tư vấn, chia sẻ thông tin pháp luật cho cộng đồng mạng là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, thông tin pháp luật đưa ra cần chính xác nhằm đảm bảo người nhận thông tin hiểu đúng đắn về pháp luật, cũng như có cái nhìn mới nhất, thời sự nhất.
Điều 65. Hiệu lực thi hành(Trích luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) 1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. 2. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực: a) Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành; b) Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành. |
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận