MỘT SỐ Ý KIẾN CỤ THỂ ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT LUẬT SƯ 2006

     ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM
104 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1-TP.HCM
 
Số: 63/ĐLS TP.HCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
-----—–----

TP.Hồ Chí Minh ngày 07 tháng 05 năm 2012

 
V/V Một số ý kiến cụ thể đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Luật sư 2006
 
                                   
Kính gởi:       CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG
                              - UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
 
                   Đồng kính gởi: CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
 
Đoàn Luật sư TP.HCM đồng tình về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006, những quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi đã được trình bày trong tờ trình Chính phủ.
Với vị trí Đoàn Luật sư có số lượng luật sưđông nhất chiếm 45% tổng số luật sư trong cả nước, đã trải qua thực tiễn phát triển tổ chức, hoạt động luật sư trên địa bàn TP.HCM và những kinh nghiệm hợp tác quốc tế về luật sưđược tích luỹ, chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Luật sư hiện hành, kính mong được Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội quan tâm xem xét và ủng hộ.
1/Về việc Cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư (Điều 27)
Ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới một khi có yêu cầu gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sưchỉ cần điện thoại cho điều tra viên, công tố viên, thẩm phán thì luật sưđược giải quyết cho gặp ngay người tạm giữ, bị can, bị cáo. Thậm chí nếu chưđược gặp luật sư, người tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền được im lặng, không khai báo.
Tất nhiên, tình hình thực tế ở nước ta không thể qui định quá thông thoáng như thế được. Nhưng rõ ràng việc cấp Giấy Chứng nhận người bào chữa cho luật sư như hiện nay là không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 49/NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và gây khó khăn cản trở rất lớn cho việc tham gia tố tụng của luật sư. Nên Đoàn Luật sư TP.HCM kiến nghị bỏ qui định cấp Giấy Chứng nhận người bào chữa cho luật sư, khi tham gia tố tụng luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư, Giấy Giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư hoặc Giấy Giới thiệu của Đoàn Luật sưđối với những luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và Giấy yêu cầu luật sư của khách hàng để chứng minh tư cách luật sư và tư cách người tham gia tố tụng. Đây cũng là ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiến nghị.
 
2/Về thành viên của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam:
Đoàn Luật sư TP.HCM ủng hộ ý kiến trong Dự thảo: Thành viên của Đoàn Luật sư là các luật sư. Đồng thời, cũng cần nêu rõ thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là các Đoàn luật sư và các luật sư như Luật Luật sư 2006. Chúng tôi cho rằng qui định như thế là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Thật ra có hai loại thành viên: Thành viên cá nhân (individual member) và thành viên tổ chức (organisational member). Các luật sư là thành viên của Đoàn luật sư là loại thành viên cá nhân, còn Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư là loại thành viên t chức.
Với tên gọi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lẽ ra thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ có các Đoàn Luật sư mà thôi.
Nhưng việc qui định các luật sư cũng là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tạo điều kiện để Liên đoàn Luật sư Việt Nam có được nguồn thu cho hoạt động điều hành của Liên đoàn. Vì về lâu về dài Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp phải tự lực về tài chính chứ không tiếp tục nhận sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ mãi được.
Còn tổ chức hành nghề luật sư là đơn vị cơ sở thực hiện hoạt động hành nghề luật sư ở địa phương, chứ không phải thành viên của Đoàn Luật sư và càng không phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Do đó, Đoàn Luật sư TP.HCM kiến nghị bỏ qui định: “Đối vớicác Đoàn Luật sư có từ 500 luật sư trở lên thì có thể thành lập các chi hội trực thuộc Đoàn Luật sư theo qui định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư ViệtNam”. (Khoản 2 Điều 60 trong Dự thảo)
Bởi vì tổ chức Đoàn Luật sư không giống như tổ chức Hội Luật gia được tổ chức theo đơn vị hành chính quận, huyện, thậm chí theo đơn vị cấp phường và trong các cơ quan tư pháp như Toà án, Viện kiểm sát, Sở Tư pháp đều có Chi hội Luật gia.
Đoàn Luật sư địa phương dù đông bao nhiêu cũng không cần thiết tổ chức thành các chi hội.
Ngay như Đoàn Luật sư bang California có số thành viên đông nhất Hoa Kỳ (hơn 230.000 luật sư), họ cũng không bao giờ thành lập các chi hội trực thuộc.
Với thực tiễn và sự phát triển của hoạt động luật sư ở nước ta hiện nay, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư chỉ nên tổ chức ở 2 cấp: trung ương (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và địa phương (Đoàn Luật sư) để bảo đảm sự thống nhất và tập trung về cơ cấu tổ chức và hoạt động.
 
3/Về vấn đề cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư:
Vấn đề cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư qui định giao cho Đoàn Luật sư là hợp lý và thuận tiện cho các luật sư vì mấy lý do sau:
1. Thứ nhất, thực tế trước đây khi chưa có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư đã được giao cho các Đoàn Luật sư, các luật sư vẫn hành nghề được trên phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.
2. Thứ hai, việc cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư cần thiết phải giao cho các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ nên giám sát việc cấp. đổi, thu hồi thẻ luật sư, như vậy vẫn đảm bảo được sự quản lý thống nhất.
3. Thứ ba, với tư cách là một Đoàn Luật sư địa phương sâu sát với hoạt động hành nghề của các luật sư, chúng tôi thấy rằng thực tế trong gần 3 năm việc cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiệnrất bất tiện cho các luật sư và không hợp lý.
4/- Về tập sự hành nghề luật sư (Điều 14):
Chúng tôi đề nghị sửa đổi 03 điểm:
- Đoàn Luật sư TP.HCM đề nghị cần thay từ “người tập sự hành nghề luật sư thành “luật sư tập sự” (apprentice lawyer) vừa ngắn gọn, vừa đang được thông dụng ở các nước có chế định tập sự luật sư trên thế giới.
- Cần thiết phải qui định: “Luật sư tập sự (người tập sự hành nghề luật sư) được tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở cấp sơ thẩm tại các toà án quận, huyện”. Vì các lý do sau:
+ Thứ nhất: Hoạt động nghề nghiệp luật sư là hoạt động thực tiễn nên cần tạo điều kiện cho các luật sư tập sự được trải nghiệm ở một mức độ nhất định về thực tế tham gia tố tụng, mới bảo đảm chất lượng hành nghề của họ sau này, cũng như một người muốn bơi tốt, phải xuống nước tập bơi, đứng mãi trên bờ thì không thể nào bơi được.
+ Thứ hai: Luật sư tập sự được tham gia tố tụng dưới sự theo dõi, giám sát, giúp đỡ của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư, nên họ hoàn toàn có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ đối với khách hàng.
+ Thứ ba: Nếu tiếp tục không cho luật sư tập sự tham gia tố tụng chắc chắn sẽ làm hạn chế chất lượng học nghề của các luật sư tập sự, hạn chế chất lượng của đội ngũ luật sư sau này.
- Thời gian tập sự hành nghề luật sưnên giữ như qui định của Luật Luật sư 2006 là 18 tháng chứ không giảm xuống 12 tháng như Dự thảo (Điều 14 khoản 1 Dự thảo). Nhưng cần giảm thời gian đào tạo nghề luật sư xuống còn 06 tháng như Luật Luật sư hiện hành không nên kéo dài 12 tháng như Dự thảo (Điều 12 khoản 1 Dự thảo).
Lý do như phần trên chúng tôi đã trình bày, hoạt động nghề nghiệp luật sư là hoạt động thực tiễn, nên những người muốn trở thành luật sư phải được học nghề quatrải nghiệm thực tế, chủ yếu là rèn luyện về kỹ năng hành nghề nên không cần thiết phải kéo dài thời gian đào tạo tại các cơ sở đào tạo, vừa làm tăng gánh nặng cho học viên, vừa làm giảm cơ hội cọ xát thực tiễn của người tập sự.
5/- Đề nghị bỏ qui định “Tham gia các khoá bồi dưỡng bắt buộc” (Điều 21: Quyền, nghĩa vụ của luật sư)
Hiện nay các luật sư đang hành nghề trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt không chỉ giữa các luật sư trong nước với nhau mà cả với các luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Nên tuỳ theo yêu cầu thực tế trong lĩnh vực mình đang hoạt động các luật sư đã chọn tham gia nhiều cuộc Hội thảo, Hội nghị về pháp luật trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ khả năng chuyên môn của mình. Thực chất những Hội thảo, Hội nghị đó là những khoá bồi dưỡng nghiệp vụ. Thậm chí nhiều luật sư đã ra nước ngoài để tham dự những Hội nghị, Hội thảo của các tổ chức luật sư khu vực và quốc tế phải đóng chi phí cao nhưng họ vẫn tham gia.
Nng nên khuyến khích họ lựa chọn tham gia những Hội nghị, Hội thảo phù hợp với lĩnh vực họ đang hoạt động.
Không nên qui định: “Tham gia các khoá bồi dưỡng bắt buộc” trong khi những khoá bồi dưỡng đó có khi không phù hợp với yêu cầu thực tế trong lĩnh vực hành nghề của họ.
6/- Về hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
            Đoàn Luật sư TP.HCM tán thành Dự thảo sửa đổi Điều 70 (Phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài) vàĐiều 74 (Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài) vì các sửa đổi này phù hợp với các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo ra sự bình đẳng giữa luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài, đồng thời khuyến khích sự phát triển của tổ chức hành nghề và luật sư Việt Nam.
            Ngoài ra, để bảo đảm sự bình đẳng giữa luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư (Điều 61) và Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Điều 65) quy định “Giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam”.
           Trên đây là toàn bộ những kiến nghị đề nghị bổ sung sửa đổi Luật Luật sư 2006 mà Đoàn Luật sưTP.HCM kính trình Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội xem xét, ủng hộ.         
                                                            TM.BAN CHỦ NHIỆM ĐLS TP.HCM
                                                            Chủ nhiệm
                                                            (Đã ký)
                                                              LS.NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889