Sinh viên Australia ngày càng xa lánh ngành Luật.



Bài viết dưới đây giúp cho những bạn học sinh, sinh viên đang có ý muốn du học tại Úc cũng như các nước khác theo ngành luật sư có thể tìm hiểu thêm những góc nhìn, những sự chênh lệch và các khía cạnh khác nhau của ngành Luật.

Theo một nghiên cứu mới đây cho biết có khoảng 2/3 số sinh viên tốt nghiệp ngành luật ở Australia không làm nghề luật sư trong vòng 4 tháng sau khi tốt nghiệp khoá học.

Đây là thông tin được đưa ra từ đợt khảo sát do Uỷ ban ngành nghề Australia thực hiện đối với 1313 sinh viên mới tốt nghiệp trên cả nước. Theo đó cho thấy có khoảng 64% số sinh viên tốt nghiệp ngành luật không thực hành nghề luật sư trong năm 2010 và 2011.

Tuy nhiên, theo bà Heather King, trưởng phòng nghiên cứu sinh viên chưa tốt nghiệp của trường đại học La Trobe University, thì các công ty luật không thể nào tuyển dụng toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp từ 31 trường luật của Australia.

Bà cũng cho rằng điều này không có gì quá lớn, bởi vì bằng luật giúp các em sinh viên có được những kỹ năng cần thiết cho công việc nghiên cứu, viết lách và giải quyết vấn đề.

Nhiều bậc cha mẹ người Việt tại Úc mong muốn cho con mình du học ngành luật hoặc y khoa vì cho rằng hai nghề ‘danh giá’ đó sẽ mang lại thu nhập cao và cuộc sống ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, liệu quan niệm đó có luôn đúng?

 


Những ưu và nhươc điểm khi hành nghề luật tại Úc:

Chênh lệch thu nhập.

Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Luật sư Đoàn tiểu bang Victoria (Úc), thu nhập hàng năm của các luật sư tại bang này có sự chênh lệch rất lớn. Theo đó, nhóm có thu nhập cao trong ngành luật thường là đồng giám đốc của các công ty luật lớn hoặc là luật sư tranh tụng (trạng sư). Một số luật sư hàng đầu thậm chí còn được trả tới 5000 đô-la/ngày.

Trong khi đó, các số liệu thống kê cho thấy khoảng 28% nữ luật sư (tương đương 130 người) và 13% nam luật sư (tương đương 181 người) tại tiểu bang Victoria có thu nhập khoảng 50.000 đô-la/năm (mức thu nhập trung bình của người Úc là 57.324 đô-la/năm theo Cục Thống kê Úc). Như vậy, sau khi trừ thuế thì thu nhập còn lại của họ chỉ vào khoảng 800 đô-la/tuần, đôi khi còn thấp hơn cả lương của luật sư mới ra trường đầu quân cho một số công ty danh tiếng tại thành phố Melbourne.

Bà Caroline Kirton, người đứng đầu Hội đồng Cơ hội Bình đẳng của Luật sư Đoàn Victoria thừa nhận một số nữ luật sư có thu nhập khá khiêm tốn, nhất là những người thụ lý hồ sơ liên quan đến án hình sự hoặc các vụ tranh tụng do quỹ trợ giúp pháp lý trả thù lao vì đây là chương trình giúp người nghèo nên tiền công trả luật sư thường thấp.

Bên cạnh đó, những luật sư mới vào nghề hoặc những người làm việc tại một số khu vực có mức sống thấp của Melbourne cũng nằm trong nhóm có thu nhập thấp. Họ thường gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê văn phòng và chi phí gửi trẻ nếu đã có gia đình.

Như vậy, những cử nhân luật làm việc tại các văn phòng luật chưa hẳn đã có thu nhập cao và cuộc sống của họ không giàu nhanh như người ta vẫn thường nghĩ.

Ý kiến trái chiều.

Khảo sát trên đã gây ra nhiều tranh cãi đối với các độc giả. Phần lớn họ đều không tin rằng các luật sư lại phải sống trong cảnh khó khăn về tiền bạc.

Một số độc giả cho rằng có thể việc khai bớt thu nhập của các luật sư/trạng sư là cách để họ giảm tiền bảo hiểm nghề nghiệp hoặc thuế thu nhập và người nào tin vào mức thu nhập đó thì “thật ngây thơ”.

Một người tên là Peter từ Canberra cho rằng luật sư có cách kiếm tiền “rất hay”. “Đa phần họ có công ty riêng hoặc lập quỹ ủy thác cho con cháu trong gia đình với mức đóng thuế rất thấp”, Peter cho biết. Peter còn quả quyết rằng ông biết có người chỉ nhận bào chữa cho thân chủ với giá tối thiểu là 3000 đô-la/ngày.

Độc giả Gail Burrows cũng bày tỏ sự nghi ngờ về mức lương ‘bèo’ được đưa ra từ cuộc khảo sát. Theo anh, những luật sư có trên bốn năm kinh nghiệm ở Melbourne có mức lương cơ bản là 80.000 đô-la/năm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều độc giả quả quyết rằng, tại Úc luôn có một số luật sư... không bao giờ giàu với thu nhập chính vào khoảng 50.000 đô-la/năm đúng như kết quả khảo sát.

Độc giả Steve Pollard từ Victoria giải thích: “Họ là những người sắp nghỉ hưu, ‘tài hèn, sức mọn’, bị mấy công ty luật ‘chê’, hay một số luật sư sự vụ (solicitor) trước đây khá thành công, giờ chuyển sang làm luật sư tranh tụng bán thời gian nhằm giữ gìn uy tín và duy trì mối liên hệ với ngành luật.”

Steve cho rằng những người này không nhận hồ sơ khách hàng một cách thường xuyên bởi họ chỉ làm theo sở thích.

Ngoài ra, một số nữ luật sư tranh tụng có con nhỏ chỉ làm một ngày/tuần hoặc một tuần/tháng nên có mức lương từ 40.000-50.000 đô-la/năm là hợp lý.

Độc giả Tom Lancing hiện đang tập sự tại một văn phòng luật cũng đồng ý với kết quả khảo sát. “Là sinh viên luật năm thứ tư, tôi có thể nói rằng những gì bài báo nêu là đúng. Trước khi học luật, tôi là nhân viên thu ngân ở ngân hàng và còn kiếm được nhiều tiền hơn bây giờ”, anh cho biết.

Danny Denuto, một độc giả khác, kể lại anh khởi nghiệp luật sư tranh tụng với mức thu nhập chỉ 37.000 đô-la/năm. Anh chấp nhận làm việc cực khổ trong vài năm nhưng cuộc sống luôn chật vật. Danny kết luận: “Quý vị đừng nghĩ luật sư kiếm bộn tiền. Chỉ có nhóm ‘thượng lưu’ điều hành văn phòng luật thôi”.

Độc giả Michael từ Adelaide cũng khẳng định luật sư không giàu như mọi người nghĩ: “Luật sư tập sự tại Adelaide (Nam Úc) may mắn lắm mới được mức lương 40.000 đô-la/năm. Một số người thậm chí còn chấp nhận giảm lương khi được may mắn ‘đề cử’ từ vị trí trợ lý lên luật sư văn phòng và thời lượng làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày.”

Độc giả John Burton đặt câu hỏi, liệu có ai tin luật sư phải ăn mì gói ‘cầm hơi’ không? John còn dẫn chứng ‘hùng hồn’ ví dụ điển hình là cô em gái mình, sau khi tốt nghiệp ngành luật, ra trường đi làm tại Sydney thì tiền lương “chỉ đủ ăn mì gói!”.

Luật sư là một nghề có tính cạnh tranh cao giữa các cá nhân và không khí làm việc ở các văn phòng luật thường “căng như dây đàn”. (Ảnh minh họa)


Căng thẳng nghề nghiệp.

Theo nhận định của một số người trong cuộc, luật sư là một nghề có tính cạnh tranh cao giữa các cá nhân và không khí làm việc ở các văn phòng luật thường “căng như dây đàn”, thậm chí đôi khi xảy ra sự bon chen giữa các đồng nghiệp nhằm loại trừ ‘đối thủ’, tranh giành cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Trong một bài bình luận gần đây trên báo Sydney Morning Herald, tác giả Emma McDonald - nhà văn và là luật sư tại Sydney, cho biết nữ luật sư thường bị phân biệt đối xử hơn so với nam luật sư. Họ có mức thu nhập thấp hơn và cơ hội thăng tiến ít hơn các đồng nghiệp nam.

Bà cho biết khi bà mang thai đứa con đầu lòng, mọi người trong công ty đều được tăng lương, trừ bà. Bà đã than phiền điều đó với một đồng nghiệp nam cùng tuổi và được người này trả lời với bộ mặt nghiêm trang: “Tại sao công ty lại phải tăng lương cho bạn? Đằng nào bạn cũng nghỉ để sinh con cơ mà”.

Và Emma McDonald kết luận: “Những nữ luật sư như tôi thật lo sợ, không dám đứng ra đặt câu hỏi về kiểu phân biệt đối xử hạ thấp con người như vậy. Trong thâm tâm, các nữ luật sư luôn hiểu rằng giới tính của họ chính là điểm yếu trong một môi trường đàn ông chiếm đa số”.

Sự căng thẳng nghề nghiệp đã khiến cho một số người làm việc trong ngành luật gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong tháng 6 vừa qua, tại tiểu bang New South Wales, hai thẩm phán là bà Jennifer Betts và ông Brian Maloney bị kiến nghị cách chức vì có những phát ngôn và hành vi không phù hợp với tư cách của người xử án.

Tuy nhiên, họ cho rằng mình bị bệnh trầm cảm và thần kinh phân liệt. Trong lời bào chữa xin được tiếp tục hành nghề đọc trước Thượng viện New South Wales ngày 22/6/2011, thẩm phán Brian Maloney cho rằng những người có vấn đề nhẹ về sức khỏe tâm thần như ông được tiếp tục làm việc là điều hết sức bình thường. Theo ông, tại Úc có tới 40% sinh viên luật, 33% luật sư và 20% trạng sư có biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần.
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889