Sửa luật để không cản trở luật sư hành nghề

Liên đoàn Luật sư Việt Nam sáng nay (10/10) đã tổ chức hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật luật sư năm 2006 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ở Hà Nội.

90% vi phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp

Theo tổng kết của Liên đoàn Luật sư, trong 5 năm từ khi Luật luật sư có hiệu lực, đội ngũ luật sư cả nước tăng rất nhanh. Riêng TP.HCM có tốc độ tăng nhanh nhất (380%).

 

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Liên đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)Ảnh: Lê Nhung

Tuy nhiên, một thực trạng đáng chú ý là không phải ai được cấp chứng chỉ cũng hành nghề luật sư. Chẳng hạn, theo luật sư Nguyễn Thế Phong, ở liên đoàn luật sư chỉ có phân nửa hành nghề còn lại sau khi nhận chứng chỉ thì đều chuyển sang các công việc khác, nhiều nhất là làm kinh doanh. "Nhiều người chỉ lấy chứng chỉ để đánh bóng, chứ không sống bằng nghề luật sư", ông Phong nói.

Còn theo tổng kết của ông Phan Trung Hoài (ủy viên Ủy ban Thường vụ Liên đoàn luật sư), sự phát triển nóng vừa qua chưa tương ứng với trình độ, kỹ năng hành nghề. Nhiều luật sư trẻ vẫn thiếu kinh nghiệm, chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ cung cấp cho khác hàng chưa cao. Nhiều tổ chức hành nghề luật chỉ có 1 đến 3 người, hoạt động theo dạng nhỏ lẻ.

Trong điều kiện đó, nhiều trường hợp vi phạm xảy ra chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn làm cho một bộ phận luật sư có phần chủ quan, thiếu nghiêm túc trong hành nghề, làm ảnh hưởng đến uy tín và suy giảm hình ảnh mang tính biểu tượng nghĩa hiệp trong mắt công chúng.

Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến nêu dẫn chứng, có tới 80 - 90% vi phạm của luật sư hiện nay thuộc về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Trong đó, đoàn luật sư Hà Nội và TP.HCM xử lý nhiều vụ việc nhất, còn lại đa số các đoàn luật sư khác đều không xử lý các vi phạm này.

Mới đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành bộ quy tắc đạo đức, hành nghề luật sư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn, nghề luật sư là một nghề tự mình điều chỉnh bản thân, tự mình răn đe chính mình.

Chuyên gia của Viện nghiên cứu lập pháp Trần Ngọc Đường lại đề xuất nên đưa vào luật những quy phạm đạo đức nghề nghiệp để tạo thành nề nếp cho hoạt động của giới luật sư.

Nhiều trường hợp bị quy chụp

Việc hành nghề luật sư đang gặp nhiều khó khăn từ khâu tập sự đến hoạt động bào chữa tại phiên tòa, cũng như tư vấn pháp lý. Điều này có một phần từ các khung quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ và cụ thể, một phần khác do các tác động phát sinh.

Tổng kết một số tồn tại trong thực tế hành nghề ở TP.HCM, ông Nguyễn Minh Tâm cho rằng, trong quá trình tham gia tranh tụng, vẫn còn tình trạng luật sư không được tôn trọng. Thẩm phán chủ tọa, nhân danh quyền lực nhà nước có thể tùy tiện ngắt lời luật sư mà không dựa trên một quy định nào. Thậm chí, có thẩm phán nổi cơn tự ái còn ra lệnh đuổi luật sư ra khỏi tòa, gây bất lợi hoàn toàn cho việc hành nghề của luật sư. Nhiều trường hợp, việc tranh luận với công tố viên bị rơi vào tình thế luật sư bị chụp mũ, quy kết mang tính cá nhân, xúc phạm danh dự uy tín.

Theo ông Tâm, một số nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, bản án của tòa phải đưa ra trên cơ sở kết quả tranh luận công khai tại tòa. Luận cứ của luật sư phải được phân tích, đánh giá thấu đáo. Nhưng quy định này ít được tôn trọng. Có bản án chỉ nhận định một câu chung chung rằng, ý kiến bào chữa của luật sư là không có căn cứ. Nhiều người vẫn mang nặng lối tư duy sai lầm là án tại hồ sơ, việc mở phiên tòa chỉ là hình thức, việc xét hỏi tranh luận được tiến hành qua loa.

"Thực tế, không ít luật sư bỏ hẳn nghề tranh tụng, chỉ làm tư vấn và các dịch vụ pháp lý", ông Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Liên đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cũng nói, tham gia tố tụng, các luật sư gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Theo quy định, luật sư phải được tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của vụ án, nhưng thực tế, luật sư lại chỉ được tham gia sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra. "Điều này ảnh hưởng đến quyền hành nghề của luật sư và lợi ích khách hàng", bà Nga nói.

Về lâu dài, theo ông Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam), phải xem nghề luật sư là một dạng cung cấp dịch vụ. Theo đó, bất cứ hành vi hoặc quy định nào cản trở tiến hành các dịch vụ này khiến chi phí dịch vụ gia tăng đều phải được rà soát lại để sửa đổi cho phù hợp.

Luật luật sư sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 của Quốc hội.

 

 

Theo báo cáo của đoàn luật sư TP.HCM, từ khi Luật luật sư có hiệu lực thi hành đến đầu tháng 7/2011, đoàn luật sư thành phố đã khiển trách 1 luật sư, cảnh cáo 6 luật sư, tạm đình chỉ tư cách thành viên nửa năm 1 luật sư và xóa tên 6 người.
Lê Nhung
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889