Từ vòng ngoài vào vòng trong, từ địa phương lên trung ương, từ khối doanh nghiệp sang khối nhà nước là các bước trong thế trận điều tra cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang.
Tháng 7/2012, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) chọn Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, làm địa điểm tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo tập đoàn. Tổng giám đốc khi đó là ông Tưởng Khiết Mẫn, tuyên bố CNPC sẽ hỗ trợ xây dựng Tứ Xuyên thành căn cứ địa của nền công nghiệp khí đốt Trung Quốc. Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành cũng tham dự hội nghị, tỏ thái độ sẽ tiếp tục ủng hộ CNPC phát triển tại tỉnh này.
Theo Caixin, hội nghị lần này tập trung các tay chân thân tín của cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Ngoài Tưởng Khiết Mẫn và Lý Xuân Thành, còn có các lãnh đạo cấp cao khác của CNPC và tỉnh Tứ Xuyên như Vương Vĩnh Xuân, Lý Hoa Lâm, Vương Đạo Phú, Quách Vĩnh Tường.
Mạng lưới thân tín của Chu Vĩnh Khang. Đồ họa: BBC |
Cuối năm đó, Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, Chu Vĩnh Khang về hưu theo quy định. Nhưng, một số thân tín của Chu được thăng chức trong kỳ đại hội này. Tưởng Khiết Mẫn và thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh trở thành ủy viên trung ương đảng, Lý Xuân Thành và Vương Vĩnh Xuân là ủy viên dự khuyết trung ương đảng
Cũng trong năm 2012, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức và khai trừ khỏi đảng, mở đường cho vụ xét án tham nhũng gây chấn động chính trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Bạc được cho là có quan hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang. Vụ án Bạc Hy Lai thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của giới lãnh đạo mới Trung Quốc, dấy nên dự đoán về một cuộc điều tra ở cấp cao hơn.
Khuấy động quan trường Tứ Xuyên
Ngày 2/12/2012, Phó bí thư tỉnh ủy Lý Xuân Thành, người vừa vào trung ương đảng chưa đầy một tháng, bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) bắt giữ. Theo một số nhân chứng giấu tên kể lại, khi bị bắt, Lý yêu cầu được vào nhà vệ sinh để hủy sim điện thoại cá nhân.
Việc Lý bị bắt gây chấn động lớn trong quan trường và giới doanh nghiệp tỉnh Tứ Xuyên. Trong vòng bốn tháng sau đó, một loạt chủ doanh nghiệp sân sau của Lý Xuân Thành bị bắt giữ để phục vụ điều tra, như Chủ tịch Tập đoàn Lang Tửu Uông Tuấn Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thành Đô Trương Tuấn và Chủ tịch Tập đoàn Hán Long Lưu Hán. Các doanh nghiệp này cũng đều có quan hệ làm ăn với người thân của Chu Vĩnh Khang.
Tháng 6/2013, nguyên phó chủ tịch tỉnh Quách Vĩnh Tường bị điều tra. Quách từng là thư ký của Chu Vĩnh Khang trong một thời gian dài, từ thời Chu còn lãnh đạo CNPC đến khi nhậm chức ở Tứ Xuyên.
Nửa cuối năm 2013, một loạt các quan chức cấp huyện và thành phố trực thuộc tỉnh Tứ Xuyên cũng bị điều tra. Các quan chức này đều từng tạo điều kiện cho các công ty của người thân Chu Vĩnh Khang làm ăn trục lợi phi pháp.
29/12/2013, Lý Sùng Hỷ, chủ tịch Ủy ban Chính hiệp Tứ Xuyên, bị chính thức điều tra. Lý là quan chức địa phương rất được lòng Chu Vĩnh Khang, từng được Chu đề bạt vào chức phó bí thư tỉnh ủy.
"Quan trường và thương trường Tứ Xuyên coi như kinh qua một cuộc tẩy bài. Ngoài ngành dầu khí ra, Tứ Xuyên là một đại bản doanh khác của Chu Vĩnh Khang", một quan chức ngành kiểm sát cho biết.
Đột kích ngành dầu khí
Gian đoạn 1996-1998, Chu Vĩnh Khang giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNCP), công ty năng lượng lớn nhất nước này. Ảnh trên được chụp khi Chu trò chuyện với các sinh viên Đại học Dầu khí Tây An vào thời điểm ông còn giữ chức phó tổng giám đốc. Ảnh: Sina |
Ngày 4/8/2013, thương nhân Ngô Binh bị bắt tại ga tây Bắc Kinh, khi cố trốn chạy khỏi thủ đô. Ngô Binh là bạn thời đại học và là trung gian làm ăn của Chu Bân, con trai trưởng của Chu Vĩnh Khang.
Việc Ngô bị bắt được cho là bước đầu tiên nhằm vào mạng lưới thân tín của Chu trong ngành dầu khí. Trước khi bước vào chính trường, Chu Vĩnh Khang từng có nhiều năm lãnh đạo CNPC.
Trong hai ngày 26 và 27/8/2013, bốn quan chức cấp cao của CNPC bị chính thức điều tra. Trong đó có Phó tổng giám đốc Vương Vĩnh Xuân, người mới trở thành ủy viên dự khuyết trung ưởng đảng. Vương cũng là người phụ trách mỏ dầu Đại Khánh, đơn vị công tác đầu tiên của Chu Vĩnh Khang.
"Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng", một quan chức ngành dầu khí cho biết. "Không phải không có người liên tưởng đến việc ở Tứ Xuyên, nhưng mọi người đều nghĩ rằng 'ông trùm' không sao cả".
Cựu tổng giám đốc CNPC Tưởng Khiết Mẫn cũng tin rằng nếu "ông trùm" Chu Vĩnh Khang còn đứng vững, thì bản thân mình cũng sẽ không có vấn đề gì. Tưởng khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản nhà nước (SASAC), cơ quan phụ trách giám sát các công ty nhà nước.
Ngày công bố quyết định điều tra các quan chức CNPC, Tưởng được yêu cầu tránh mặt, quyết định do phó chủ nhiệm Trương Nghị tuyên đọc. Bốn ngày sau, ngày 31/8/2013, Tưởng Khiết Mẫn bị bắt.
"Trong đầu Tưởng chỉ có nhà họ Chu, lại muốn leo cao hơn nữa, nên muốn lấy lòng Chu Bân bằng cách tạo điều kiện làm ăn phi pháp", ông Mã Phú Tài, người tiền nhiệm của Tưởng Khiết Mẫn cho biết.
Trấn động Ủy ban Chính pháp
Việc Tưởng Khiết Mẫn bị bắt được cho là bước đi quyết định, phá vỡ bức tường lửa bảo vệ của toàn bộ phe nhóm Chu Vĩnh Khang. Cuối năm 2013, Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh bị bắt, đánh dấu những nước cờ cuối cùng trong thế trận điều tra cựu trùm an ninh.
Năm 2002, Chu Vĩnh Khang đảm nhiệm chức bộ trưởng Công an, phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật hay Ủy ban Chính pháp. Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực này, quản các lĩnh vực an ninh, công an, tòa án, kiểm sát.
Trước khi chuyển sang bộ Công an, Lý từng là phó tổng giám đốc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), phụ trách mảng tin thời sự. "Lý Đông Sinh không giỏi nghiệp vụ truyền hình, nhưng rất biết lấy lòng lãnh đạo", một cựu lãnh đạo của CCTV cho biết.
Theo một số trang tin nước ngoài, chính Lý là người làm mối cho Chu Vĩnh Khang và người vợ thứ hai, bà Giả Hiểu Diệp. Giả từng là biên tập viên kênh truyền hình kinh tế của CCTV.
Năm 2007, do bị tố cáo có hành vi tham nhũng, Lý trượt mất cơ hội trở thành ủy viên trung ương đảng, nhưng không bị điều tra và vẫn giữ chức phó ban tuyên truyền trung ương. "Nghe đâu là Chu Vĩnh Khang giúp Lý Đông Sinh giải quyết việc này", cựu lãnh đạo trên nói.
Hai năm sau, Lý được Chu thuyên chuyển sang làm thứ trưởng Công an, dù không có kinh nghiệm trong ngành an ninh. Lý phụ trách mảng chống tà giáo. Tháng 12/2012, Lý Đông Sinh được bầu vào trung ương đảng, như ước muốn 5 năm về trước.
Tháng 10/2013, Chu Vĩnh Khang (giữa) tham dự lễ kỷ niệm tại trường cũ của mình, Đại học Dầu khí Trung Quốc. Đây là lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của ông. Ảnh: Sina |
"Chu Vĩnh Khang là nhân vật đặc biệt, từng nắm quyền lớn trong ngành dầu khí, tỉnh Tứ Xuyên và Ủy ban Chính pháp. Vì vậy, việc điều tra một tập đoàn tham nhũng lớn như vậy là một thách thức với giới lãnh đạo và những người thừa hành", bà Hồ Thư Lập, tổng biên tập Caixin, bình luận.
Theo bà Hồ, chiến lược của Bắc Kinh là đánh từ vòng ngoài vào vòng trong, từ địa phương lên trung ương, từ khối doanh nghiệp sang khối nhà nước. "Bất kể là trong lĩnh vực nào, cũng bắt kẻ cầm đầu trước. Sau khi có chứng cứ sơ bộ đủ để cấu thành tối trạng, lập tức tiến hành bắt giữ, thẩm tra, phá vỡ mạng lưới quan hệ của cả nhóm", bà nói.
Cuối tháng 9/2013, vì lý do chính trị, Chu Bân buộc phải về nước và bị giam lỏng tại một căn biệt thự gần sân bay. Ngày 1/12, con trưởng của cựu trùm an ninh bị chính thức bắt giữ. Vợ và bố vợ của Chu Bân là Hoàng Uyển và Hoàng Du Sinh, cũng bị bắt để phục vụ điều tra.
Một tuần sau, biệt thự của nhà họ Chu ở quê nhà Vô Tích cũng bị lục soát. Ngày 18/12/2013, gia đình Chu Nguyên Thanh, em trai thứ ba của Chu Vĩnh Khang bị bắt và áp giải lên Bắc Kinh phục vụ công tác điều tra.
Không chịu được sức ép từ cuộc điều tra, Chu Nguyên Hưng, người em thứ của Chu Vĩnh Khang, vốn đã được trần đoán mắc bệnh ung thư xương, mất vào sáng sớm ngày 10/2/2014.
Chưa đầy nửa năm sau, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định điều tra cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, do nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ngày 6/12, Chu chính thức bị bắt và vụ án được chuyển sang cơ quan tư pháp, sau khi ông bị khai trừ khỏi đảng. Ông bị cáo buộc "tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền".
Đức Dương (theo Caixin)
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận