'Vụ Tiên Lãng là bài học lớn về tư duy pháp luật đất đai'

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng, trong vụ Tiên Lãng, chính quyền địa phương, tòa án đã cố ý hiểu sai về pháp luật đất đai, trong khi hệ thống chính trị không có tiếng nói.

- Sau sự việc xảy ra ở Tiên Lãng, điều gì khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?

- Tôi thấy buồn vì chính quyền cấp huyện, cấp trực tiếp với dân, nắm quyền rất lớn nhưng lại thực thi pháp luật một cách bất cập. Tòa án cũng hùa nhau về một bên, bỏ qua tất cả.

Không chỉ có thế, tại Tiên Lãng, cả hệ thống chính trị từ các đoàn thể, mặt trận, hội nông dân đều không có tiếng nói, người dân bị cô lập. Nói chung hoạt động của đoàn thể bây giờ yếu hơn trước nhiều, vai trò mờ nhạt. Những thông tin thực tế họ có được lại qua lăng kính của chính quyền…

Còn đại biểu Quốc hội, HĐND thì đa số kiêm nhiệm, mỗi năm 2 kỳ họp, xong lại về nhà làm công việc chuyên môn. Hơn nữa, đại biểu của mình làm gì có “quân”, có phương tiện gì, chẳng nhẽ ra đấy đứng kêu.

- Nhiều người cho rằng vụ Tiên Lãng là hồi chuông cảnh báo về sự cấp bách phải thay đổi tư duy về đất đai, pháp luật đất đai. Ông nghĩ sao?

- Đúng là có người đặt vấn đề này. Nhưng Hải Phòng không phải lần đầu, sờ sờ Thái Bình 15 năm trước. Tất nhiên đây là bài học lớn, vấn đề có rút ra được không, biến thành cơ chế mới không?

- Luật pháp về đất đai của Việt Nam liên tục thay đổi, chồng chéo. Ông nghĩ gì về khả năng cán bộ cơ sở ở Tiên Lãng không đủ năng lực pháp luật dẫn đến thực thi sai?

- Người biết việc mà cố ý làm sai khác với người yếu năng lực. Ở đây họ hiểu luật nhưng cố tình làm sai. Luật quy định rõ, Nhà nước có quyền thu hồi, nhưng phải có điều kiện, có đền bù, phải nói rõ lý do. Nhưng ở đây người ta làm ăn đứng đắn, đang có nhu cầu sử dụng tiếp, thế mà lại thu hồi. Người dân khiếu nại, kêu hết chỗ này chỗ kia mà không được.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Nguyễn Đình Lộc: "Vụ Tiên Lãng là bài học lớn, vấn đề có rút ra được không, biến thành cơ chế mới không". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, để tránh những chuyện tương tự xảy ra nên xóa thời hạn giao đất trong Luật đất đai. Quan điểm của ông thế nào?

- Đây là vấn đề chắc chắn phải bàn kỹ. Khi đất đai đang thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước mà xóa đi thời hạn sử dụng thì nhiều vấn đề sẽ phát sinh. Không phải ngẫu nhiên ở một số nước thời hạn sử dụng đất có khi 50 năm hoặc hơn vẫn được quy định. Quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước, khi cấp cho dân sử dụng, bắt buộc phải có hạn.

Để sửa các quy định pháp luật, giải quyết cơ bản vấn đề, làm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển trong giai đoạn mới thì không hề đơn giản. Đặc điểm Việt Nam là đất hẹp, đất cày ngày càng ít đi trong khi người đông và ngày càng đông hơn. Nếu giao đất cho một người, giao không có hạn, khi người đó mất đi thì đất thuộc về ai?

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Khu đầm bãi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Dưới góc độ của người làm luật, ông nghĩ gì về quy định quyền sở hữu đất đai hiện hành?

- Năm 1980 chúng ta xây dựng Hiến pháp và đưa ra quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Lúc đó ta bị chi phối bởi tư tưởng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH - tức là công cộng, quốc hữu hóa, đất đai cũng thế. Nhìn bên ngoài thì vẫn giữ nguyên, ai đang cày, đang sử dụng tiếp tục cày, sử dụng. Tuy nhiên về bản chất người cày không còn là chủ sở hữu nữa mà chỉ là người sử dụng.

Tuy nhiên, nếu bây giờ trở lại 3 hình thức sở hữu nhà nước, tập thể, tư nhân thì sẽ diễn ra cảnh, đất đai không thể đồng đều, bình quân. Có một số người dần dần tích lũy hàng chục, hàng trăm ha thậm chí hơn, sẽ ra đời tầng lớp chủ đất mới, trong khi, những người khác thì mất đất, không có đất.

Tôi cho rằng, sắp tới vấn đề tư nhân hóa một phần đất đai chắc có ý kiến sẽ được nêu ra với những phương án khác nhau, tất nhiên phải tính toán rất kỹ. Ví dụ sử dụng "hạn điền", muốn làm thêm nữa thì phải thuê, không được sở hữu thêm. Đồng thời, ở mỗi vùng miền lại quy định khác nhau, miền Bắc khác miền Nam, rồi vấn đề khai hoang nữa…

Ông Nguyễn Đình Lộc: "Quy kết anh Vươn giết người là quá nặng"
Nếu máy móc xử anh Vươn tội chống người thi hành công vụ thì không hợp lý. Nhưng nếu xem việc ấy là không có, chống đối như thế là bình thường thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Sau này sẽ có sự chống đối từ những người khác. Cho nên chỗ này cần tế nhị. Anh Vươn rõ ràng vi phạm rồi nhưng có thể tính đến tình tiết giảm nhẹ. Dùng vũ khí bắn thì là nặng, nhưng hậu quả không quá nghiêm trọng, hơn nữa bản thân anh Vươn đang trong hoàn cảnh bị kích động. Tôi là người xét xử sẽ tính đến các tình tiết đó.

Còn việc khởi tố anh Vươn tội giết người, tôi cho quy kết như vậy quá nặng. Đành rằng nổ súng, nhưng mục đích thực sự có phải để giết người hay không? Chỗ này cần phải làm rõ.

Nguyễn Hưng thực hiện

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889