Những năm gần đây, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực pháp luật, làm giảm bớt đơn thư tranh chấp và các khiếu kiện không cần thiết, góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2011, Trung tâm đã thụ lý tổng số 544 vụ việc/496 người. Trong đó, tư vấn: 497 vụ việc/449 người; bào chữa: 39 vụ việc/39 người; đại diện ngoài tố tụng: 5 vụ việc/5 đối tượng. Tập trung vào các lĩnh vực pháp luật chủ yếu là đất đai với tổng số 237 vụ, chính sách ưu đãi 133 vụ. Ngoài ra, là các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự, lao động, hành chính khiếu nại và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Đặc biệt, từ khi triển khai văn bản số 1832/HĐTT ngày 9-6-2011 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp tục thực hiện TGPL cho trẻ em, người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh, số vụ việc TGPL cho trẻ em, người chưa thành niên tăng lên đáng kể. Thông qua các hoạt động tư vấn, bào chữa, đại diện ngoài tố tụng, trung tâm TGPL đã trợ giúp miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng TGPL có nhu cầu. Năm 2011, Trung tâm đã tổ chức TGPL lưu động tại 68 xã, phường, thị trấn thuộc 14 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, trong đó có nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hoành Bồ, Hải Hà...
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động TGPL xuống vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; tích cực tuyên truyền, giới thiệu về quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tượng được thụ hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, nhất là TGPL trong hoạt động tố tụng, phấn đấu đảm bảo 100% yêu cầu cần trợ giúp của các đối tượng.
Những đối tượng được TGPL miễn phí thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc ở miền núi, hải đảo, trẻ em, người chưa thành niên... cuộc sống còn nhiều khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, chưa biết nhiều về quyền lợi này của mình. Ngay cả những người biết được hưởng trợ giúp trong hoạt động tố tụng, tham gia bào chữa tại toà, nhưng còn mang tâm lý e ngại, lo không có kinh phí để trả cho luật sư... Vì vậy, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động trên, trong những năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tích cực tham mưu cho Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh, đẩy mạnh thực hiện trợ giúp cho các đối tượng thuộc diện. Trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của trợ giúp viên pháp lý, nhất là quan tâm thu hút sự tham gia tích cực của luật sư, luật gia và các cộng tác viên khác trong hoạt động TGPL, đã giúp người được trợ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật.
Hàng tháng, Trung tâm thường tổ chức các đoàn công tác đến các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để TGPL. Nếu như trước đây hoạt động TGPL lưu động chỉ dừng lại tại trung tâm các phường, xã thì đến nay công tác TGPL đã đi vào tận các thôn, khe, bản. Tại các chương trình TGPL lưu động, các đoàn trợ giúp lưu động đã có những buổi nói chuyện trực tiếp với người dân về pháp luật, nhận đơn yêu cầu TGPL và trực tiếp tư vấn cho những người thuộc diện TGPL có nhu cầu. Ngoài ra, trung tâm còn lồng ghép, phổ biến cho bà con về luật trợ giúp pháp lý, hướng dẫn những văn bản pháp luật mới, chế độ, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Kết thúc mỗi buổi làm việc, các đoàn trợ giúp pháp lý đều phối hợp với cấp chính quyền cơ sở giải đáp những vướng mắc pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân.
Qua các đợt TGPL lưu động tại cơ sở, Trung tâm còn tiến hành phát miễn phí hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp... gồm những nội dung liên quan đến TGPL và các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân (về dân sự, hôn nhân và gia đình...). Thông qua đó, từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song với các hoạt động TGPL lưu động, hoạt động TGPL tại văn phòng cũng luôn được quan tâm, chú trọng. Có một thực tế, từ trước đến nay, hầu hết các vụ việc, người dân đưa đến văn phòng đều là những vụ việc khó, phức tạp. Để thực hiện TGPL cho những trường hợp này thường mất nhiều thời gian và chi phí để xác minh làm rõ vụ việc. Chính vì vậy, sau khi thụ lý vụ việc, tuỳ theo lĩnh vực và đặc điểm của từng trường hợp cụ thể, lãnh đạo Trung tâm phân công cho các Trợ giúp viên, Cộng tác viên có nhiều kinh nghiệm cũng như có chuyên môn sâu về lĩnh vực tương ứng để thực hiện TGPL cho các đối tượng đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, những đối tượng ở xa trung tâm, cán bộ tiếp dân còn thực hiện tư vấn qua điện thoại. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng TGPL cho người dân, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ và cộng tác viên trong việc cập nhật các qui định mới của pháp luật cũng như những kỹ năng TGPL chuyên sâu.
Đặng Sinh
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận