Bị cáo Dương Chí Dũng đòi đối chất làm rõ người giấu mặt

Bị cáo Dương Chí Dũng đòi đối chất làm rõ người giấu mặt

Cựu HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng đề nghị VKS đưa bằng chứng về việc ai là người của Vinalines đã thương thảo với hai công ty môi giới nước ngoài giao tiền lại quả 1,66 triệu USD sau thương vụ mua ụ nổi cũ nát 83M với giá trên trời.

Sáng nay, bổ sung phần bào chữa cho 3 luật sư đã nêu chiều qua, bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị VKS nói lại về căn cứ buộc tội. Cụ thể, cáo trạng xác định trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP, ngày 7/7/2007, giữa AP và Công ty Global Success (Nga) đã có thỏa thuận riêng. Theo đó, phía Global Success yêu cầu ông Goh Hoon Seow (giám đốc AP) mở thư tín dụng 1,66 triệu USD cho bên thứ ba theo hướng dẫn của công ty này. Và sau khi AP nhận 9 triệu USD của Vinalines, theo yêu cầu của Global Success, AP chuyển 1,66 triệu cho Công ty Phú Hà, Việt Nam.

"Căn cứ nào nói việc ăn chia này có liên quan đến Vinalines và ai là người của Vinalines thảo luận việc này", ông Dũng trình bày. Tiếp đó, ông muốn đối chất với tổng giám đốc của AP về lời khai "có thảo luận với tôi về số tiền 1,666 triệu USD".

dung5-2539-1386999299.jpg

Các bị cáo trong phiên toà ngày 14/12. Ảnh: Việt Dũng.

Tiếp đó, luật sư Trần Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) cho rằng trong cáo trạng không nêu sai phạm của thân chủ ông mà vẫn truy tố ông này về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. "Nếu nói việc đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam là sai, mua ụ nổi 83M là sai, vậy ông Sơn có vai trò thế nào trong các quy trình này?", luật sư chất vấn.

Theo luật sư, việc đối tác AP chuyển 1,666 triệu USD về tài khoản của em gái ông Sơn (giám đốc Công ty Phú Hà) là có thật. Tuy nhiên nếu VKS cáo buộc ông Sơn tham ô thì phải chứng minh "tài sản này thuộc về ai? Ai đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy nó?". Luật sư cho rằng căn cứ buộc tội yếu tố trục lợi của các bị cáo trong vụ án là "thiếu và yếu".

"Chúng tôi muốn đặt ra câu hỏi, vì sao Giám đốc Công ty AP lại chia tiền cho Sơn, tại sao Sơn không chia cho ai khác mà lại đưa cho 3 người theo cáo buộc của VKS", luật sư Hưng nói và cho hay mong được VKS đối đáp để làm rõ việc này. Hơn nữa theo luật sư, trên thực tế việc chia tiền "lại quả" nếu có cũng là bình thường trong hoạt động kinh doanh, bởi "bên B là chùm khế ngọt với bên A”.

Trong phần tự bào chữa, giọng xúc động, bị cáo Trần Hải Sơn, quay sang bên ông Dũng bảo: “Các anh từng khẳng định tại cơ quan điều tra là biết về khoản tiền 1,66 triệu USD, bây giờ lại phủ nhận. Chính vì các anh mà bây giờ tôi cùng gia đình phải khổ sở, vướng lao lý”, bị cáo nghẹn giọng.

chien-7664-1386999299.jpg

Luật sư Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Việt Dũng.

Bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang (nguyên phó ban đóng mới tàu biển Vinalines), luật sư Phạm Thị Thuý Kiều cho rằng ông Khang chỉ làm nhiệm vụ dịch tài liệu liên quan đến việc mua ụ nổi. Ông Khang thực hiện công việc theo phân công của lãnh đạo nên việc bị truy tố tội Cố ý làm trái là không có cơ sở.

Các báo cáo của ông Khang về việc khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, theo luật sư, chỉ mang tính tham khảo ban dầu, không phải là căn cứ quyết định để mua. Tuy nhiên, luật sư cũng thừa nhận nội dung báo cáo không sát thực tế.

Mở đầu phần bào chữa cho cựu cán bộ hải quan gồm: Huỳnh Hữu Đức (phó chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (cán bộ chi cục), hai luật sư Nguyễn Văn Chiến và Trần Hồng Phúc cùng đề nghị VKS làm rõ ụ nổi là 83M có phải là tàu biển hay không để từ đó xác định căn cứ buộc tội. "Con trâu và bò cùng cày dưới ruộng nhưng không thể đồng nhất hai cá thể này", ông Chiến nói.

Theo luật sư Chiến, 3 bị cáo trên thực hiện hành vi trong giai đoạn cuối của vụ án nên không gây hậu quả trực tiếp, không cấu thành yếu tố đồng phạm cả khách quan lẫn chủ quan. Các cán bộ hải quan  này không bàn bạc, khảo sát, đấu giá và tham gia mua bán ụ nổi, việc họ cho nhập khẩu ụ nổi là độc lập với các sai phạm của nhóm cán bộ của Vinalines. Do vậy, việc họ bị truy tố với vai trò đồng phạm trong tội Cố ý làm trái là "không có căn cứ".

Theo các luật sư, trong bản luận tội VKS chỉ ra rằng ụ nổi 83M chưa có giấy phép phòng ngừa ô nhiễm môi trường song các cán bộ hải quản đã lờ đi, nhưng trên thực tế, yêu cầu này không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu là ụ nổi. Vì lẽ đó, luật sư cho rằng việc tiếp nhận xác định các bước kiểm tra hồ sơ tờ khai hải quan về nhập khẩu ụ nổi của công chức Chi cục hải quan Vân Phong là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chiều nay, công tố viên sẽ đối đáp các vấn đề được hơn 10 luật sư nêu ra trong phần tranh tụng suốt từ chiều qua.

Việt Dũng

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889