'Bầu Kiên' giàu như thế nào?

Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long

 (KienLongBank), Đại Á (DaiABank - được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank (EIB) và Sacombank (STB). 

Tên tuổi của “bầu” Kiên có lẽ không còn xa lạ gì với những người yêu bóng đá với những phát ngôn có phần gay gắt và gây rung động cả nền bóng đá Việt Nam. Và đến khi thông tin “bầu” Kiên bị bắt tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường chứng khoán được phen “rơi tự do” trong sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư.

Người ta có thể đặt câu hỏi, tại sao một nhân vật như ông Nguyễn Đức Kiên lại có thể tạo ra “chấn động xã hội” ở lĩnh vực được cho là “tay trái” như bóng đá trong khi tay phải lại là những lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng?

Từ cậu học sinh của "cô Nga", "thầy Lung"...

Một doanh nhân thành đạt nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không xuất thân từ gia đình “vốn đã giàu”. Khi nhắc đền Kiên- ACB, rất nhiều cựu học sinh trường PTTH Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mới sực nhớ đến cậu bé béo, lùn, đen “trùi trũi” hay nghịch ngợm ở sân trường và là con trai của “bộ đôi” giáo viên cực kỳ nổi tiếng ở trường Cao Bá Quát: thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Lung và cô Nga dạy văn.

Thầy Lung với nhiều năm làm hiệu trưởng Cao Bá Quát là một nhà giáo nổi tiếng toàn Hà Nội, nhiều năm đoạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn ngành, các cựu học sinh của trường cho đến giờ còn nói với nhau: “Thầy Lung xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động”. Còn với cô Nga, “được học văn cô Nga là vinh dự của cả đời người”.

Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964, được cho là có đôi mắt “cực kỳ giống mẹ” ánh lên sự thông minh và sắc sảo.

 

Ông Nguyễn Đức Kiên có những phát ngôn gây sốc về bóng đá Việt Nam.

 

Có bố mẹ là giáo viên giỏi và nổi tiếng cả miền Bắc khi đó, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không theo nghề sư phạm, mà vào quân đội. Trong cuộc “Hội nghị thượng đỉnh” giữa các ông bầu sau quả bom ở Lễ tổng kết VFF, ông bầu Nguyễn Đức Kiên bật mí “Tôi từng là người lính” khiến nhiều người giật mình.

Hóa ra, năm 17 tuổi, “bầu” Kiên đi lính thật nhưng là vào học tại trường Đại học kỹ thuật quân sự khóa 15 (B5- C 156- Đại đội 156) trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 1980-1981) . Một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Trương Gia Bình, nguyên chủ tịch HĐQT FPT cũng học trường này. Cho đến nay, các cựu học sinh C156 vẫn tự hào: “C156 là đơn vị du học sinh mà các thành viên là những tinh hoa của Việt Nam thế hệ bấy giờ”.

Đến năm 1981, thay vì đi Nga, “bầu Kiên” được gửi đi học tại Hungary, tại trường Kỹ thuật quân sự Zalka Maté (Hungary)- ngành thông tin- một ngành rất mới và lạ lúc đó cho tới năm 1985.

Cuộc đời có nhiều bất ngờ. Bầu Kiên học quân sự, đi Hungary học ngành thông tin nhưng năm 1986 về nước, ông Nguyễn Đức Kiên về làm…cán bộ Tổng công ty dệt may- Bộ Thương mại.

Và đến năm 1994, Nguyễn Đức Kiên cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu(ACB).Và, Nguyễn Đức Kiên khi đó mới… 30 tuổi đã trở thành Phó Chủ Tịch Hội Đồng sáng lập của ngân hàng Á Châu (ACB) – một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

 

Đến “trùm ngân hàng”

Không chỉ giữ chức vụ lớn trong Ngân hàng ACB, Bầu Kiên còn có “chân” trong rất nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam. Thực sự thì cũng không nhiều người biết “bầu” Kiên nắm bao nhiêu ngân hàng cho đến khi chính ông này tiết lộ bí mật là “cổ đông chính” của Ngân hàng Eximbank- đối tác đã tài trợ hàng năm cho V.League 30 tỷ đồng. Và cũng chính bầu Kiên tiết lộ là có cổ phần của Kienlong Bank- nhà tài trợ của đội Kienlong Bank- Kiên Giang mới lên V.League.

Kienlong - theo nhiều nguồn tin… vỉa hè thì Ngân hàng này do ông bầu HN.ACB Nguyễn Đức Kiên và ông bầu HPHN Trần Đình Long (đứng thứ 4 trong số 100 người giàu nhất Việt Nam 2010 với tài sản là gần 3000 tỷ đồng) thành lập, nên phải chăng cái tên Kiên Long là Nguyễn Đức Kiên + Trần Đình Long?

Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng ông Kiên và 3 em của ông Kiên nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên – nắm giữ 4,11%.

Bên cạnh đó, ngân hàng ACB có đầu tư vào nhiều ngân hàng khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á… và các nhân vật chủ chốt của ACB như ông Kiên cũng có thể có cổ phần tại các ngân hàng này.

Không chỉ là “trùm ngân hàng, ông Kiên còn đầu tư vào các lĩnh vực khác như du lịch, may mặc. Có thể liệt kê ra những ngân hàng và công ty ông Nguyễn Đức Kiên có cổ phần và chức vị lớn như: Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu; Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Công ty liên doanh KFC Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn (cùng ông Phạm Trung Cang), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh… Trong đó, công ty Thiên Minh được biết đến nhiều với thương vụ chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria vào đầu năm 2011.

 

Siêu xe bầu Kiên thường dùng để tới sân Hàng Đẫy

 

Tên tuổi của “bầu” Kiên gắn liền với ACB và được cho là nắm lượng cổ phiếu lớn đã rút khỏi bộ máy quản trị của Ngân hàng ACB nhưng theo cáo bạch 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị.

Vì là “trùm” ngân hàng, khối lượng tài sản của ông Nguyễn Đức Kiên hầu như không đong đếm được và cũng chưa ai tiết lộ con số thật nằm trong két sắt nhà ông. Chỉ biết rằng năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của “bầu Kiên” được đánh giá là 805,9 tỷ đồng, ít hơn năm 2008 gần 200 tỷ một phần do giá cổ phiếu, phần sang nhượng cho người thân đứng tên. Tổng số tài khoản của gia đình ông Kiên (tính theo thị trường chứng khoán năm 2010) là khoản 2000 tỷ đồng.

Với số tài sản ấy, “bầu” Kiên hiện đang sở hữu một biệt thự vào loại đắt và đẹp nhất Hà Nội hiện nay, biệt thự ấy tọa lạc tại ngõ 27 đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, thuộc mảnh đất “kim cương” ở Hà Nội cùng chiếc siêu xe Bentley biển 56, là bạn đồng hành cùng ông mỗi khi ông đi xem bóng đá. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng” tài sản khổng lồ của ông Nguyễn Đức Kiên.

“Bầu” Kiên cũng là một trong những doanh nhân tiên phong đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Tuy nhiên, CLB Hà Nội ACB của ông Kiên chưa gặt hái được thành tích đáng kể nào, đã 2 lần xuống hạng trong những mùa gần đây. Giai đoạn cuối năm 2011, ông có hàng loạt phát biểu, hành động gây cách mạng cho bóng đá Việt Nam. Ông Kiên là người khởi xướng sự thành lập của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

 Nhóm PV Petrotimes (tổng hợp)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889