'Luật sư chúng tôi thường bị cơ quan điều tra hành'

 Đây là lần đầu tiên giới luật sư HN chính thức lên tiếng. Chủ nhiệm Phạm Hồng Hải đã trao đổi với VnExpress.

Thưa ông, xuất phát vì đâu Đoàn luật sư Hà Nội lại phản ánh những bức xúc tới Phó thủ tướng, Trưởng ban Nội chính trung ương Trương Vĩnh Trọng?

- Một người ở Ban Nội chính bảo tôi tập hợp thông tin về việc luật sư bị các cơ quan và người tiến hành tố tụng ngăn cản khi hoạt động.

Rất trùng hợp, tình trạng này cũng đang gây bức xúc tại Đoàn Hà Nội. Trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ pháp lý, luật sư không gặp khó khăn cản trở, nhưng trong tố tụng hình sự thì nhiều. Nhiều luật sư tham gia các vụ án hình sự sau khi bị "gặp khó" đã thường xuyên gửi đơn tới Chủ nhiệm Đoàn luật sư. Khi chuyển tài liệu tới Ban Nội chính, tôi đã gửi theo lá đơn tới Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Nội dung phản ánh tập trung về những vấn đề nào?

- Đầu tiên là việc cấp chứng nhận bào chữa cho luật sư. Luật quy định, ngay từ giai đoạn điều tra luật sư được phép tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Trong thời hạn 3 ngày từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận để họ thực hiện quyền bào chữa. Song thực tế, thời gian bao giờ cũng dài hơn so với quy định trên, với nhiều lý do được nêu ra, thường gặp nhất là bị can từ chối luật sư.

Theo tôi được biết, hiếm có luật sư nào được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn 3 ngày.

Đơn cử tại vụ án Lương Quốc Dũng, ngày nghỉ thứ bảy vợ ông ta tới mời tôi. Ngay trong ngày thứ hai khi tới làm thủ tục, tôi nhận được câu trả lời là nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao này "không có ý định mời luật sư". Cơ quan điều tra cho biết, việc mời luật sư được thông báo với ông Dũng vào sáng thứ bảy. Trong khi đó, buổi chiều vợ ông ta mới tới văn phòng của tôi. Đến nay, vụ án đã khép lại, nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu nổi việc này.

Hay có người, một ngày trước khi bị bắt đến tìm tôi mời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh ta. Nhưng khi tôi đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa thì được cơ quan điều tra thông báo là anh ta từ chối có luật sư.

Ngoài ra, tôi cũng trình bày những khó khăn khác của luật sư khi tác nghiệp. Ví dụ, trong vụ án Nguyễn Đức Chi. Sau gần 1 năm chờ đợi để được cấp chứng nhận bào chữa, luật sư vào gặp thân chủ nhưng lại bị yêu cầu phải nộp trước các câu hỏi... Điều này là vô lý.

Theo ông, vì sao có tình trạng trên?

- Chúng tôi chỉ phản ánh những việc làm trái luật của các cơ quan tố tụng. Còn vì nguyên nhân, động cơ gì, chúng tôi không thể phán xét.

Tuy nhiên trong những vụ án cần luật sư chỉ định, đặc biệt trường hợp bị can là trẻ chưa thành niên. Khi có công văn của cơ quan điều tra đề nghị Đoàn luật sư Hà Nội cử người tham gia. Lúc đó, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa lại rất nhanh.

Ông gửi hy vọng gì khi làm văn bản gửi Phó thủ tướng?

- Chúng tôi mong Ban Nội chính biết tình hình của giới luật sư hiện nay, và đặc biệt là đang có hiện tượng gây khó khăn của các cơ quan tố tụng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm như vậy.

Đoàn Hà Nội kiến nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương chỉ đạo các cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện cho luật sư hoạt động.

- Hiện ông đã nhận được hồi âm nào sau khi gửi đơn tới Ban nội chính?

- Chúng tôi viết đơn từ 26/7, đến nay chưa nhận được hồi âm. Tuy nhiên, đây chỉ là tiếng nói bằng văn bản của giới luật sư Hà Nội gửi tới cơ quan nội chính trung ương. Chúng tôi mong những ý kiến này sẽ được ghi nhận.

Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu các luật sư im lặng, thì sự việc sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Sau khi Đoàn Hà Nội lên tiếng và các đoàn khác cùng góp tiếng nói, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện.

Anh Thư

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889