Ở các nước, trong trường hợp này, luật sư có quyền kiện ra tòa.- Thưa ông, giới luật sư đã phản ánh gì với Bộ Tư pháp về việc họ bị các cơ quan tố tụng "làm khó"?
- Bộ Tư pháp chưa nhận được văn bản chính thức nào của giới luật sư phản ánh về tình trạng trên. Nhưng trong quá trình tổng kết Pháp lệnh luật sư năm 2001 và xây dựng Luật luật sư mới, Bộ Tư pháp nhận được khá nhiều lời phàn nàn về việc các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các quyền được pháp luật quy định khi tham gia tố tụng. Đặc biệt tại một số cuộc tòa đàm, cũng đã có nhiều ý kiến rất gay gắt về tình trạng này.
Đánh giá một cách khách quan, phải nói rằng nhìn chung các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực thi tốt các quy định của pháp luật về quyền tham gia tố tụng của luật sư. Nhưng cũng còn một số nơi, trong một số vụ việc cụ thể làm chưa tốt.
- Theo Thứ trưởng, lý do của việc này là gì?
- Có thể có nhiều lý do, theo tôi nghĩ cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ phòng chống tội phạm phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp mà muốn thực hiện tốt nhiệm vụ phải cần đến yếu tố bảo vệ bí mật trong quá trình điều tra, nhất là ở giai đoạn đầu.
Hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức và rất tinh vi. Trong nhiều trường hợp, ngay từ giai đoạn khởi đầu, khi mà các thông tin về điều tra đang rất cần được giữ kín để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, luật sư cũng cần hiểu và có sự thông cảm nhất định với sự dè dặt của các cơ quan điều tra trong việc tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền của mình.
Luật sư và các cơ quan tố tụng cùng chung một mục đích là tìm ra sự thật khách quan, xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật và bảo vệ công lý, tạo niềm tin của xã hội của nhân dân đối với chế độ. Như vậy, luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng là người bạn đồng hành trên con đường bảo vệ pháp luật. Rất tiếc rằng, hình như hai bên chưa nhận ra điều đó, đôi lúc còn có tư tưởng đối phó lẫn nhau, đôi lúc chưa tạo điều kiện cho nhau để thực hiện phận sự riêng của từng bên, nhưng thực chất là góp phần vào cái chung. Đó cũng là một lý do dẫn đến hiện tượng gây khó khăn cho nhau.
- Nhưng luật đã quy định, luật sư có nhiều quyền trong việc tham gia tố tụng. Cơ quan điều tra không thể vì những lý do trên mà không thực hiện?
- Đúng. Trong các bộ luật tố tụng cũng như Luật về Luật sư quy định khá nhiều quyền tham gia tố tụng của luật sư. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng và bảo đảm cho luật sư tốt các quyền đó thì họ rất thuận lợi trong hành nghề. Nhưng trên thực tế, vẫn còn có hiện tượng mà luật sư kêu rằng các cơ quan tố tụng chưa tạo điều kiện.
Quy định pháp luật là một việc, nhưng điều quan trọng hơn là cơ chế bảo đảm thực thi là chưa tốt lắm. Phải nói là chưa đi đến cùng của việc bảo đảm quyền này. Điều đó thể hiện ở chỗ nếu cơ quan tiến hành tố tụng chưa tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền này, hay nói cách sòng phẳng hơn là vi phạm quyền này thì luật sư cũng chỉ có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp giải quyết.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm giải quyết hoặc lờ đi, thì luật sư cũng chỉ biết kêu tiếp.
Ở các nước trong trường hợp này luật sư được kiện ra tòa án. Luật sư có thể vin vào lý do là các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền tham gia tố tụng để yêu cầu xem xét lại bản án và quyết định của tòa, vì có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
- Tại vụ án PMU 18, luật quy định cơ quan điều tra trong 3 ngày phải trả lời việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, nhưng luật sư nhận bào chữa cho bị can Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến hơn 3 tháng nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Ông nhận xét gì về việc này?
- Trong trường hợp cụ thể này, luật sư nên kiến nghị cơ quan điều tra cấp trên và yêu cầu họ giải thích họ giải thích rõ lý do vì sao. Luật đã quy định trong 3 ngày nếu không cấp phải có văn bản nêu rõ lý do.
- Theo ông, giải pháp cho vấn đề trên là gì?
- Luật sư có thể gửi đơn kiến nghị tới Bộ Tư pháp. Nếu hiện trạng các cơ quan tố tụng cản trở hoạt động của luật sư là phổ biến, tôi nghĩ cơ quan nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp.
Đặc biệt, Luật về Luật sư (có hiệu lực vào ngày 1/1/2007) đã có hướng giải quyết vấn đề này. Cứ căn cứ theo luật mà làm, bên nào vi phạm bên đó phải chịu trách nhiệm.
Tháng 5/2005, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ (nay là ông Phạm Hồng Hải) đã có thư ngỏ gửi Chánh án TAND Tối cao và Chánh án TAND Hà Nội: "... Trong thời gian gần đây, nhất là khi Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực, các luật sư tham gia tố tụng ngày càng gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở cơ quan điều tra mà cả ở viện kiểm sát và tòa án các cấp. Khó khăn trước hết là ngoài quy định tại Thông tư 02 của Bộ Tư pháp là giấy giới thiệu của văn phòng luật sư và thẻ luật sư (nếu cần); mỗi lúc, mỗi cơ quan tố tụng lại đòi hỏi luật sư phải có: hợp đồng dịch vụ pháp lý hay chứng chỉ hành nghề luật sư. Mặc dù, Pháp lệnh luật sư quy định luật sư tập sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và được tham gia tố tụng tại cấp quận, huyện... Trường hợp muốn sau chụp tài liệu trong hồ sơ, luật sư phải có đơn, cấp có thẩm quyền sao chép mới được chụp. Một số trường hợp, luật sư đến làm việc tại phiên tòa bị khám cặp, khám người mới được cho vào. Tại tòa phúc thẩm TAND Tối cao ở 48 Lý Thường Kiệt, trong một số phiên tòa, nhân viên bảo vệ đòi luật sư phải có giấy giới thiệu gửi bảo vệ cơ quan mới được đi vào trong. Luật sư đi xe máy phải đem ra ngoài chợ gửi, trong khi những người khác được đưa vào trong. Từ các khó khăn trên, nhiều luật sư cảm thấy bị xúc phạm. Có người đã bỏ phiên tòa vì bảo vệ ở 48 Lý Thường Kiệt không cho vào...". |
Anh Thư thực hiện
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận