Xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội Luật gia

Với tôi, đến với trường đại học luật là một cơ duyên, nhưng để gắn bó và thành danh với những kiến thức luật pháp thì có lẽ sẽ cần nhiều lắm sự nỗ lực, ý chí và một niềm đam mê theo đuổi đến cùng con đường mà mình đã chọn.

Tôi mới chỉ là một sinh viên luật – một điều kiện tiên quyết để trở thành một luật sư theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong quãng đời sinh viên của mình, tôi đã suy nghĩ, đã đắn đo, đã làm nhiều phép thử để lựa chọn nghề nghiệp sau này cho chính bản thân mình. Và tôi chợt nghĩ đến hai từ “luật sư”.

Trước đây, nói đến Luật sư, người ta phán ngay một câu rằng, đó là nghề “ thầy cãi”. Đã xa rồi cái quan niệm người luật sư chỉ đi cãi nhau và cãi giùm người khác. Người luật sư ngày nay ngoài việc tranh tụng họ còn được mở rộng và phát triển năng lực nghề nghiệp của mình thông qua các hoạt động khác mà điểm nhấn là hoạt động tư vấn. Nhờ có sự tư vấn của người luật sư mà biết bao nhiêu vấn đề đã được gỡ rối. Nhưng cũng từ đó mà ba tiếng “kẻ dàn xếp” lại được phong cho người luật sư. Dù thế nào thì người luật sư cũng luôn luôn là người có thế mạnh bởi họ hiểu rõ ba quyền lực tối thượng là lập pháp – hành pháp và tư pháp. Nhưng, một điều không thể không thừa nhận, đằng sau những vinh quang trong nghề là những nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết.

Luật sư Phan Trung Hoài đã nói một câu mà tôi cảm thấy rất thấm thía: “Khi bước chân vào hành nghề luật sư, sự cảm nhận hơi thở của đời sống thực tiễn tố tụng, sự thấu hiểu nỗi đau của mỗi số phận con người, các thao tác cần có của từng kỹ năng hành nghề không phải một sớm một chiều có thể bổ sung, tích lũy được. Nghề luật sư không chỉ đòi hỏi sự trang bị kiến thức đa ngành, rèn luyện kỹ năng, phẩm chất đạo đức, mà còn hướng đến chức năng xã hội “góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh””.

Ảnh minh họa

Dưới góc độ là một nữ sinh viên luật, tôi không tham vọng bản thân mình có thể làm được những việc lớn lao như bà Michèle Cahen – nữ luật sư của những người nổi tiếng với danh hiệu “sát thủ đàn ông”, hay như luật sư Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân) – người được cả thế giới tôn vinh là “người phụ nữ của thiên niên kỷ”.

Là phụ nữ, khi đến với nghề luật sư, họ có nhiều hạn chế và thua thiệt hơn nam giới. Bước vào nghề, họ luôn phải động chạm đến pháp luật với những nguyên tắc xử sự chung, được biểu hiện bằng các quy phạm pháp luật khô khan, nghiêm túc và thậm chí là nghiêm khắc. Trái tim của người nữ luật sư cần phải được rèn giũa tránh các biểu hiện yếu đuối bên ngoài.

Lâu dần, trái tim đó sẽ cứng cáp dần lên, quyết liệt hơn, đấu tranh nhiều hơn và họ làm chủ được cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, tư duy logic, khả năng lập chiến lược của phụ nữ rõ ràng là có phần hạn chế hơn so với nam giới. Vì là phái yếu nên nữ luật sư thường bị tình cảm chi phối đến công việc. Nhiều công việc phải ngoại giao qua bàn tiệc cũng là trở ngại không nhỏ đối với nghề nghiệp của nữ luật sư. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, bổn phận làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm gia đình của nữ luật sư cũng khiến họ không chủ động hoàn toàn trong công việc.

Nhưng họ cũng có những thuận lợi riêng mà chỉ khi nào họ nhận thức được và vận dụng chúng vào công việc thì nó mới thực sự phát huy thế mạnh. Là một nữ luật sư, họ có cái mềm mỏng, khôn khéo của người phụ nữ. Đó có thể là một lợi thế rất lớn trong công việc: một lời nói nhẹ nhàng, một nụ cười có thể làm dịu đi độ nóng của cuộc đàm phán.

Bên cạnh đó, các tố chất khác như sự nhẹ nhàng, dịu dàng, có thể nắm bắt tâm lý người khác một cách tinh tế cũng là những lợi thế của nữ luật sư. Và, chính sự mềm mỏng, duyên dáng của nữ Luật sư lại là một thứ “vũ khí lợi hại” hơn mọi lời nói đanh thép để thu phục lòng người. Nữ Luật sư thường kiên trì, nhẫn nại hơn khi thương thuyết hay hòa giải. Sự mềm mỏng, nữ tính luôn là một lợi thế giúp nữ luật sư thành công. Thêm vào đó, tính tỉ mỉ, chính xác, tận tâm, chu đáo cống hiến hết mình cũng là yếu tố khiến nữ luật sư thăng tiến trong công việc.

Một tố chất không thể thiếu của nữ luật sư là lòng dũng cảm, can đảm, bản lĩnh, chịu đựng áp lực để giải quyết các vụ việc, có khả năng thuyết phục người khác về quan điểm của mình để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. Tính chất nghề nghiệp sẽ tạo cho nữ luật sư tính tự lực cánh sinh, tác phong làm việc dứt khoát, tự tin và quyết đoán. Những rủi ro nghề nghiệp tiềm ẩn đã làm cho nữ luật sư phải cứng rắn, tỉnh táo trong xử lý các mối quan hệ, do vậy họ dễ bị coi là “người đàn bà sắt thép”. Nhưng vượt lên trên tất cả những thứ ấy, tấm lòng nhân hậu và luôn đấu tranh cho sự thật ở trái tim của người nữ luật sư là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời của mỗi cá nhân hành nghề.

Tựu trung lại, dù là nam hay nữ, khi đã đến với nghề luật sư thì hầu hết họ có khuynh hướng đam mê công việc của mình thêm mỗi ngày. Ai cũng thừa nhận rằng: Nghề luật sư phải đóng rất nhiều vai. Và chính từ thực tiễn nghề nghiệp đó đã mang lại cho họ một cách xử sự khôn ngoan trong cuộc sống.

Bên cạnh những giá trị về vật chất từ nghề nghiệp mang lại, họ còn học cho mình được những bài học về nhân đức, về lương tâm nghề nghiệp, về phong thái, phong cách và giá trị của bản thân mình.

Đôi dòng cảm nghĩ về nghề luật sư. Dù có đi theo con đường để trở thành một nữ luật sư hay không, tôi vẫn luôn nhớ rằng “chẳng phải nghề nghiệp tạo danh dự cho con người, mà chính con người tạo danh dự cho nghề nghiệp”.

Blog Đậu Thị Quyên  (TP Hồ Chí Minh)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889