Dù tòa tra hỏi nhiều lần, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng vẫn không tiết lộ danh tính người đã gọi điện thoại mật báo để mình bỏ trốn trước thời điểm công an thực thi lệnh bắt, với lý do "không muốn khai tại đây".
HĐXX hỏi: "Tại sao lại phải bỏ trốn?", ông Dũng trả lời: “Vì trước đó có ký nhiều văn bản nên nghĩ thế nào cũng liên quan trách nhiệm". Ngày ông Dũng bỏ trốn cũng chính là ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines; đồng thời khởi tố ông Dũng về tội danh này.
Trước tòa, ông Dũng cố giải thích việc bỏ trốn không liên quan đến quyết định khởi tố, bởi ngày hôm sau cơ quan điều tra mới tống đạt các quyết định trên.
“Ai là người đã điện thoại báo bị cáo lánh đi”, chủ toạ Ngô Thị Ánh truy hỏi. Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines úp mở: “Tôi đã khai tại cơ quan điều tra và nó ở một vụ án khác nên tôi không muốn nói ở đây”.
Chủ toạ hỏi: "Trong hơn 3 tháng bỏ trốn, bị cáo sống bằng nguồn tiền do ai cung cấp, có móc ngoặc với tổ chức nước ngoài nào không?". Ông Dũng đáp do thường xuyên đi công tác đột xuất nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tiền, hộ chiếu. “Bị cáo móc nối với các tổ chức nước ngoài thì đã phản bội lại bố mẹ và chính bản thân mình”, cựu Cục trưởng Hàng hải đáp.
Trong hai ngày sau đó, trong các lần thẩm vấn tiếp theo, chủ tọa và đại diện VKS cũng hỏi lại bị cáo Dũng về nội dung cú điện thoại mật báo, tuy nhiên ông này đều tránh trả lời cụ thể.
Ông Dương Chí Dũng trước khi nghe tòa tuyên án tử hình chiều 16/12. Ảnh: Việt Dũng. |
Chiều 16/12, cùng thời điểm TAND Hà Nội tuyên án với ông Dũng và 9 đồng phạm, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết vụ án tổ chức đưa ông Dũng trốn đi nước ngoài vẫn đang được điều tra nên chưa thể công bố danh tính, cụ thể vụ việc. Dù vậy, tướng Hiếu khẳng định: "Không có chuyện bỏ lọt tội phạm".
Trước đó, VKSND Tối cao cho hay dù vụ án tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn đã dần khép lại bằng việc ra cáo trạng truy tố 4 công an và 3 đồng phạm, tuy nhiên thông tin về người bí mật báo tin cho ông Dũng vẫn sẽ tiếp tục được làm rõ.
Theo cáo trạng, chủ mưu vụ án là bị can Dương Tự Trọng (em trai ông Dũng, nguyên đại tá, cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an) lại không phải là người mật báo. Cụ thể, chiều 17/5/2012, chính ông Dũng biết được thông tin bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam nên đã thông báo em trai. Từ tin do anh cung cấp, ông Trọng gọi cho nhiều người thân cận yêu cầu giúp đỡ ông Dũng bỏ trốn. Đến 2h hôm sau, ông Dũng được các công an Hải Phòng đưa đến tỉnh Quảng Ninh.
Theo kế hoạch, ông Dũng sẽ vào TP HCM rồi trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, rồi qua Mỹ... Tuy nhiên, mọi toan tính đã đổ bể khi ông Dũng quá cảnh ở Đức đã không được đi tiếp sang Mỹ. Ngày 4/9/2012, sau nhiều tháng ở Campuchia, ông Dũng đã bị nhà chức trách phát hiện tung tích, bắt đưa về Việt Nam.
Ngày 16/12, ông Dũng bị TAND Hà Nội tuyên phạt án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc cũng bị kết án tử hình về cùng tội danh. 8 người còn lại bị phạt từ 4 đến 22 năm tù. Vụ án đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài do ông Trọng và 6 người liên quan tổ chức sẽ được TAND Hà Nội xét xử vào cuối tháng 12. |
Việt Dũng
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận