Góc nhìn của Hoài qua một khung cửa

Đó là một đoạn trong bài thơ “Nghĩ về Khung cửa tư pháp” của luật sư Phan Trung Hoài, bài thơ ông viết thay lời tựa cho hai tập sách “Khung cửa tư pháp” vừa xuất bản.

Bốn năm trước, Trưởng ban Lao Động Cuối tuần Đỗ Quang Hạnh tổ chức cải tiến báo LĐCT, anh điện thoại cho tôi đề nghị góp ý kiến xây dựng một chuyên mục bàn về các vấn đề của đời sống pháp luật. Tôi tìm gặp luật sư Phan Trung Hoài -  và -  “Khung cửa tư pháp” trên LĐCT bắt đầu từ đó. Nghĩ ra chuyên mục thì dễ nhưng nuôi dưỡng nó cho đàng hoàng mới là điều khó. Một số báo đã có chuyên mục tương tự, cho nên tìm ra cái mới, sự khác biệt là thử thách đối với người giữ “khung cửa” của LĐCT.

Từng là nhà báo, là một luật sư có bề dày kinh nghiệm, Phan Trung Hoài đã khai thác được hai góc nhìn trong một sư kiện, đó là sự quan sát của một nhà báo và lý luận của một luật sư. Ông không kể lại câu chuyện với những chi tiết nhằm lôi cuốn sự hiếu kỳ mà dẫn dắt người đọc đi xa hơn, sáng tỏ hơn về những xung đột pháp lý và những bi kịch của thân phận con người trong một môi trường tư pháp đang cần nhiều nỗ lực cải cách. Qua chân dung của các nhân vật trong “khung cửa”, người đọc kỹ lưỡng có thể rút ra được cho mình kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật cần thiết để ứng xử trong xã hội vốn  còn lắm rủi ro. Và sâu thẳm hơn, nó như một thông diệp về tình người, sống yêu thương và cảm thông. Đối với những người chấp pháp, từ những câu chuyện trong “khung cửa”, có thể nhìn lại và suy nghĩ về sự trưởng thành của nền tư pháp đất nước, trong đó yếu tố cốt lõi làm nên sự trưởng thành chính là vai trò của từng cá nhân. Như trong “Lời của hoa”, ông viết: “Càng đi nhiều, được tham gia và đối diện với nhiều vụ việc với tính chất, mức độ nghiêm trọng khác nhau, trong tôi hình ảnh của những người tiến hành tố tụng có trình độ hiểu biết, có tác phong chuẩn mực và đặc biệt là tôn trọng quyền con người trong hoạt động tư pháp ngày càng đậm nét, thật đáng quý biết bao”.

Và còn nữa, nhìn qua “Khung cửa tư pháp” sẽ thấy được những khoảng trống của pháp lý, những khoảng trống của đạo lý, tình người với hy vọng tha thiết sẽ được lấp đầy.  Trong bài  “Sẽ đi qua những muộn phiền”, nhân vật là một giám đốc doanh nghiệp, sau khi ra tù gặp luật sư và tâm sự: “Những ngày tháng trong trại tạm giam còn ám ảnh tôi. Nhiều lúc, cứ nghĩ đến là tôi lại rùng mình. Thời chiến tranh, vào sinh ra tử tôi không sợ, vậy mà quãng thời gian bị tạm giam đã làm cho tôi mất hẳn niềm tin vào công lý…”. Rồi một người thua kiện trong một vụ án đầy oan ức, đứa con lại chết, đã tâm tình với nỗi đau mất con và mất niềm tin: “Trời hôm nay mưa hoài, trời cũng khóc cho tôi đó luật sư…Tôi mất tất cả rồi luật sư, nay mất thêm chút nữa cũng vậy thôi. Miễn là đừng mất linh hồn” (Tiếng còi tàu trong đêm). Buồn hơn, khi Phan Trung Hoài đối diện với một tù nhân: “Ông cũng đưa tôi xem bản kiến nghị kêu oan và đề cương dự kiến trình bày tại phiên tòa phúc thẩm. Nó được viết bằng chiếc tăm xỉa răng, với nét chữ nghệch ngạc chấm từ lọ thuốc bôi ghẻ màu xanh, khiến tôi lặng người không nói được lời nào” (Lục bình hóa thân).

Nhân vật của Phan Trung Hoài không phải là nhân vật văn học mà là những con người thật, trong các vụ án mà ông tham gia bào chữa. Nhưng chân dung nhân vật không đơn giản là những nét lạnh lùng được trích ra từ hồ sơ vụ án, mà được ông miêu tả ở tầng sâu nội tâm, ân hận, cay đắng, chua chát, oan khiên, mặc cảm tội lỗi. Từng gương mặt đó xuất hiện hằng tuần qua “Khung cửa tư pháp” tạo ra một chân dung sinh động của cuộc sống. Hiện thực xã hội được bày biện, nhưng không  bừa bãi mà được chọn lọc, sắp xếp cẩn thận để chân dung đó có sức khái quát cao nhất, trung thực nhất. Bị can, bị cáo là những doanh nhân, có mơ ước, tham vọng trở thành giàu có, chịu khó làm việc để mong đạt được mục đích. Nhưng những thay đổi của chính sách hoặc chính sách chưa phù hợp đã làm họ sa lầy hoặc sẩy chân trong phút chốc. Có những người cố tình làm sai nhưng cũng có nhiều người là nạn nhân của một giai đoạn chuyển đổi cơ chế thị trường mà môi trường còn hoang dã, tính sát thương quá cao. Phan Trung Hoài đã khai thác những thân phận từng phải trả giá cho sự xộc xệch giữa cơ chế chính sách, quy định pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn thời cuộc. Ở đâu mà sự minh bạch của chính sách còn thiếu vắng, pháp luật chưa hoàn chỉnh thì nơi đó còn lắm cái mong manh.

Với Phan Trung Hoài, mỗi bài “Khung cửa tư pháp” là một nỗi ám ảnh. Không phải do áp lực của một bài báo phải trả cho tòa soạn vì trách nhiệm của người giữ chuyên mục, mà viết điều gì đây trong cuồn cuộn nỗi lòng, trong xiết bao thổn thức nhân tâm mà ông bắt gặp: “Có những lúc, tôi tưởng chừng có thể thấu hiểu nỗi đau của phận người, nhưng thực ra mình vẫn không chạm được vào cốt lõi, vẫn đi bên lề vụ án, với những bất cập của đời sống tố tụng, sự bất lực của luận lý” (Tháng bảy mưa ngâu). Đôi khi, để xoa dịu nỗi ám ảnh của sự bất lực luận lý đó, ông viết : “Tự nhiên, tôi thấy bấy lâu mình cảm thán, nghĩ suy, cật vấn cuộc đời và tố tụng như một thói quen và nếp hành xử, nay bỗng chốc trở nên đơn giản dưới ánh sáng của một nhận thức mới. Một nhận thức về lẽ vô thường, vạn vật hóa thân không vô nghĩa và sự nhẹ tênh của kiếp người”(Lục bình hóa thân).

Có một điều, dù nói nhiều về nỗi đau hơn là hạnh phúc, góc nhìn của Phan Trung Hoài  qua “Khung cửa tư pháp” luôn chất chứa niềm tin, tràn ngập hy vọng về một xã hội mà ở đó quyền con người sẽ được tôn trọng, phẩm giá con người được đề cao. Kết thúc bài thơ đã dẫn trên, Phan Trung Hoài viết: “Tôi biết đời mình đã bị đóng khung. Trong sự dấn thân đến tận cùng cảm xúc. Giữa nỗi đau không nói được thành lời. Và thi thoảng niềm vui vỡ òa hạnh phúc. Khi biết cuối con đường có một khung cửa mùa xuân”.

Nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao động)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889