Những ngày biển Đông dậy sóng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị thách thức nghiêm trọng trước hành vi đặt dàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 981 (gọi là giàn khoan Hải Dương 981) của Trung Quốc.
Hàng chục triệu con tim nước Việt đang chung nhịp đập hướng về biển đảo, đồng lòng hỗ trợ tiếng nói phản kháng mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, thông điệp của các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp nhằm phản đối hành vi gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Tàu TQ dùng vòi rồng tấn công tàu VN ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Về phần mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chính thức lên tiếng và chỉ rõ những căn cứ pháp lý mà phía Trung Quốc đã vi phạm trong luật pháp quốc tế, kêu gọi toàn thể giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về Biển Đông lên án hành vi vi phạm của Chính phủ Trung Quốc. Liên đoàn cũng kêu gọi nhân dân Trung Quốc, giới luật sư Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý quốc tế trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế, giữ gìn hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới luật sư Việt Nam sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý và trong các hành động pháp lý để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Tôi bỗng nhớ lại ngày bước chân vào giảng đường đại học, không biết cơ duyên nào đưa mình đến việc lựa chọn chuyên ngành Luật quốc tế. Ngày ấy cách đây đã hơn 33 năm, khi chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp, chúng tôi được các giảng viên Luật quốc tế truyền đạt những kiến thức cơ bản của pháp luật quốc tế liên quan đến Luật biển, những thông tin nóng hổi mà phái đoàn Việt Nam tham gia quá trình đàm phán và dự các phiên họp của Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển kéo dài từ năm 1973. Sau khi đã tốt nghiệp Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội (được tách ra khỏi Khoa pháp lý Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1980), tôi được biết tại Hội nghị lần thứ ba tổ chức vào ngày 10/12/1982, Việt Nam đã trở thành một trong 107 quốc gia đầu tiên ký vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Bây giờ có điều kiện nhìn lại, vào thời điểm đất nước ta đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn những năm đầu sau giải phóng, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, nền kinh tế bị khánh kiệt bởi cơ chế quản lý kinh tế bao cấp, vậy mà trước đó Việt Nam đã gia nhập cả các Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị; về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa vào ngày 24/9/1982. Đây thật sự là một thời điểm đầy dấu ấn trong lịch sử hội nhập pháp luật trước cả hội nhập kinh tế quốc tế, khi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã ý thức được vai trò quan trọng của thiết chế Liên hợp quốc, sẵn sàng tham gia vào quá trình kiến tạo, ký kết vào các Công ước quốc tế được coi là nền tảng của pháp luật quốc tế. Để bây giờ sau hơn ba mươi năm, những quy định của công pháp quốc tế nói trên đã tạo thành xương sống cho Luật Biển Việt Nam chính thức được Quốc hội thông qua vào năm 2012, cũng như các quyền và tự do cơ bản của con người lần đầu được tách bạch thành một chương riêng trong Hiến pháp (sửa đổi năm 2013).
Tôi còn nhớ như in cảm xúc thuần khiết của một sinh viên mới tốt nghiệp trường Luật khi cố gắng tìm hiểu nội hàm của những khái niệm còn rất thiêng liêng được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc năm 1982 mà có học giả đã gọi tên đầy hình tượng là bản “Hiến pháp của biển”. Bây giờ, trong một dung lượng đồ sộ thể hiện qua 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật biển 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Dựa vào đây, Luật biển Việt Nam đã cụ thể hóa tư thế đĩnh đạc của một quốc gia ven biển để thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền đầy đủ đối với “vùng biển Việt Nam” bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã khẳng định vùng lãnh hải với chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển, ranh giới và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đây chính là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng khẳng định hành vi đặt dàn khoan nói trên của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế nói trên của Việt Nam.
Điều này cũng giải thích vì sao, bên cạnh sức mạnh lòng dân và chính nghĩa, các biện pháp tổng hợp chính trị, quân sự, ngoại giao, việc kiên trì theo đuổi các hành động pháp lý đưa vụ việc khởi kiện ra các thiết chế tài phán quốc tế dựa trên “Hiến pháp của biển” mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên đặt bút ký kết, được coi là giải pháp đúng đắn nhất trong tình hình hiện nay.
Luật sư Phan Trung Hoài
(Bài viết đăng trên Báo Lao động cuối tuần
Số ra ngày 16/5/2014)
Số ra ngày 16/5/2014)
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận