Hung thủ là ai?

(PL&XH) - Việc ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha và có cơ hội giải oan, người kiên trì kêu oan, phải kể đến vợ ông, bà Nguyễn Thị Chiến.


Không học rộng, biết nhiều nhưng tháng nào người vợ cũng miệt mài viết đơn kêu oan

Hơn 10 năm chồng chịu án, người phụ nữ này tần tảo phụng dưỡng mẹ chồng già yếu, nuôi 4 người con trưởng thành. Đáng chú ý, cũng từ nguồn tin bà Chiến cung cấp, CQĐT – VKSND TC tìm ra tung tích của hung thủ Lý Nguyễn Chung.Bà Chiến nom phốp pháp nhưng sức khỏe lại không được như dáng vóc bên ngoài. Suốt chặng đường đón chồng từ Trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc về nhà ở tỉnh Bắc Giang, bà nhiều lần ngất lịm. 

Bà chia sẻ, cuối tháng 8-2003, bà cùng mẹ chồng và các con “chết lặng” khi nghe tin ông Chấn bị bắt rồi sau đó bị tuyên án chung thân về tội “Giết người”. Người làng bàn tán, không ít lời gièm pha khiến không khí gia đình bà nặng nề. Buồn, xấu hổ, khóc ròng nhưng nước mắt không xóa nhòa được ký ức u ám. Cả nhà chỉ trông vào quán tạp hóa nhỏ. Nhưng khách lui tới cũng thưa thớt dần. Bị “tẩy chay”, bà phải đổi nghề.


Bà Chiến đẫm nước mắt khi kể về hành trình kêu oan của mình.         Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nhớ lại chuỗi ngày nhọc nhằn ấy, bà Chấn nói, mình không thể buông xuôi vì từng ấy con người trông cậy vào bà. Nghe ông Chấn bảo bị oan, và dặn rằng: “Em cố vững tay chèo  để đi kêu oan cho anh”, bà chỉ biết tin và làm theo lời ông. Một tay thu vén, người vợ này chắt chiu từng đồng để chăm mẹ, nuôi con và có lộ phí kêu oan thay ông Chấn. Chẳng học rộng, biết nhiều nhưng không tháng nào bà không viết đơn và đi kêu oan. 

10 năm qua, bà cùng các con miệt mài “gõ cửa” các cơ quan chức năng. Mệt mỏi và căng thẳng, thậm chí phát bệnh thần kinh; vụ án của chồng thì không một tín hiệu hồi âm nhưng bà vẫn kiên trì. “Điều tôi lo sợ nhất là chồng chết oan trong tù” – bà Chiến nói. Động lực ấy làm tăng thêm nghị lực, giúp bà gắng gượng. 

Bà Chiến thêm vững tin là ông Chấn bị hàm oan khi năm 2011, khi ấy, bà đang ngồi trước cửa nhà thì nghe cụ Nguyễn Quang Hiền, bố nhân chứng Nguyễn Thị Lành, SN 1969, buột miệng: “Ông Chấn oan quá”. Câu nói vô tình của ông cụ khiến bà Chiến mất nhiều đêm trằn trọc, bà quyết tìm ra sự thật của vụ án.

Biết đây là chuyện lớn, sức bà không đủ nên bàn chuyện với ông Thân Ngọc Hoạt, anh rể và bà Thân Thị Hải, chị gái ông Hoạt. Họ cùng lên kế hoạch truy tìm hung thủ thực sự của vụ án. Ông Hoạt đã bỏ tiền ra sắm một chiếc máy ghi âm và nhờ một số người thân quen đến trò chuyện với gia đình Chung rồi bí mật nhờ ghi âm lại. 

Trong khi đó, bà Chiến, bà Hải tiếp tục đi kêu oan, dò tin về Chung. Sau khi thu thập khá đầy đủ thông tin, bà Chiến đã bổ sung trong đơn kêu oan và gửi tới các cơ quan chức năng, trong đó có VKSND TC. Bà Chiến bảo không nhớ đã gửi bao nhiêu tập đơn đến nhiều cơ quan. Đáng chú ý, thời gian này, sức khỏe của bà Chiến sa sút. Ngoài bệnh cao huyết áp, từng bị tai biến, nói ngọng, bà Chiến phải nhập viện điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Ra rả kêu oan, mất nhiều thời gian đi lại nhưng bà Chiến không bỏ mặc ông Chấn. Không ghé thăm chồng hàng tháng, bà vẫn cắt cử các con tới trại động viên ông. 
Thấu hiểu tình cảm sâu sắc, sự thủy chung của bà, ông Chấn đã khóc nhiều. Vợ thì ốm vậy mà vẫn lo cho sức khỏe của chồng. 

Như đại diện VKSND TC đã thông tin, từ nguồn tin của bà Chiến về Chung, đã được CQĐT - VKSND TC, phối hợp với Bộ Công an, TAND TC đã vào cuộc truy xét, vận động và ngày 25-10, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, thừa nhận hành vi giết chị H.


Cái hố do ông Chúc đào để lo “hậu sự”.     Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nhiều người cảm thấy oan ức thay ông Chấn

Cuộc sống với gia đình bà Nguyễn Thị Lành, 44 tuổi, mẹ kế của Chung, bị đảo lộn cũng từ ngày cậu con riêng của chồng vướng vào vụ án. Khi ấy, Chung gần 15 tuổi. Kể từ năm 2011, khi thông tin về việc Chung chính là hung thủ thực sự bị “rò rỉ”, gia đình bà Lành, ông Chúc không còn được êm ấm. 
Bà Lành nói, chồng hay rượu nên “nát”. Mỗi lần chén tạc chén thù, ông Chúc lại khơi chuyện, bảo bà là người để lộ thông tin. Chính từ những lần cự cãi giữa họ mà có người bập bõm nghe được chuyện về hung thủ hại chết chị H. 

Mâu thuẫn giữa họ lên đỉnh điểm khi thời gian gần đây, vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh lại, đó là khoảng tháng 6-2013. Điều này càng làm cho ông Chúc dọa nạt và chửi bới vợ không tiếc lời.


Cái hố do ông Chúc đào để lo “hậu sự”.     Ảnh: Nguyễn Tuấn

Những lần như vậy, ông Chúc tuyên bố, nếu con trai bị bắt thì ông sẽ “tự vẫn”; người đàn ông này cũng “ám chỉ” cho bà Lành “đi theo”. Sự đe dọa ấy khiến bà Lành hoang mang và lo sợ. Bà thường xuyên phải kiểm tra và cất giấu những vật dụng cứng hoặc sắc nhọn, không để trong nhà.

Ông Chúc còn đề cập đến việc bà Lành phải làm giấy sang tên sổ đỏ cho con trai của ông bà là Lý Văn T. Ông bố này tính trước để nhỡ xảy chuyện thì không ai tranh chấp ngôi nhà với anh T. Tối 3-10, ông Chúc bắt bà viết giấy sang tên sổ đỏ và mang đi gửi họ hàng. Vài hôm sau, khi cơ quan chức năng đến tìm hiểu và xác minh, ông Chúc càng tỏ ra “kích động”. Trước sự việc này, bà Lành đã phải nhờ đến chính quyền địa phương vào khuyên can chồng và động viên Chung ra đầu thú. Khi ấy, trưởng thôn và an ninh thôn đã lập biên bản để “kìm hãm” sự “hung dữ” của ông  Chúc.

“Một ngày đầu tháng 10, ông Chúc hì hục đào một cái hố để lo “hậu sự” của mình. Ông ấy còn cắm mấy que hương để chuẩn bị...” - bà Lành kể. Khi đào được khoảng 20 - 30cm thì anh  T ngăn lại: “Nhà này bố cho con rồi nên con không cho bố đào đâu”. Nghe con, ông Chúc bỏ đi, anh T gạt lại đất vào hố.

Sự quá khích của ông Chúc tưởng dừng ở đó, ai dè, đến tối, ông lại vơ quần áo của bà Lành ra đốt, định xô bà vào ngọn lửa. Một lần nữa bị con ngăn chặn, ông ông Chúc vác thang vào trong nhà, quăng dây treo cổ tự tử nhưng không thực hiện được ý định. Vì chuỗi hành vi trên mà ông Chúc bị tạm giam về tội “Đe dọa giết người”.

Chia sẻ về vụ án, bà Lành cho biết, khi xảy ra sự việc bà là người đầu tiên thấy nghi vấn bởi khoảng 4g sáng 16-8-2003, bà có giặt quần thì thấy nước có màu hồng. Trước đó, tối 15-8-2003, em gái bà có nói chuyện là chị H bị giết chết. Bà có kể lại sự việc này với chồng và hai bố con họ đã nói chuyện với nhau. Nhưng là tiếng dân tộc nên bà không hiểu gì. Rồi ông Chúc vội vàng sắp xếp đồ cho Chung lên Lạng Sơn. Bà cứ nghĩ, Chung chỉ đi vài hôm rồi sẽ xuống đầu thú nhưng Chung trốn mất dạng.

Trước phản ứng dữ dội của chồng, bà Lành dốc bầu tâm sự chuyện của Chung với bố mình là cụ Hiền. Bà lo bất trắc xảy ra với mình và cũng kỳ vọng, với thông tin “chết người” mà cụ Hiền nắm được sẽ giúp bố vợ tiết chế được con rể, khuyên răn để ông Chúc bớt “khùng”, không hành hạ vợ nữa. Câu chuyện từ đó bị  “rò rỉ”. Cụ Khánh, anh trai cụ Hiền và một số người thân khác của bà Lành cũng được nghe lại. Thông tin đến tai, bà Chiến từng sang hỏi cụ Hiền nhưng cụ không nói. Sau đó, cụ Khánh có sang chia sẻ. Cụ nói, cụ già rồi, không sợ gì và cảm thấy oan ức thay ông Chấn.   

Kháng nghị của VKSND TC được Hội đồng thẩm phán chấp nhận

Sáng 6-11, Hội đồng thẩm phán, TAND TC xem xét lại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn theo thủ tục tái thẩm. Nhưng phiên tái thẩm được dời sang đầu buổi chiều cùng ngày. Rất đông PV các báo đã tới trụ sở TAND TC để chờ đợi kết quả phiên làm việc. Khoảng hơn 17g cùng ngày, Hội đồng thẩm phán kết thúc quá trình xem xét. Theo đại diện VKSND TC, Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị của VKSND TC; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm, sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Bộ luật tố tụng Hình sự nêu, quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm phải gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, VKS, CQCA nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.
Hậu vụ án này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn LS TP Hà Nội, cho hay, khi ông Chấn được xác định là không phạm tội thì phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng. Việc bồi thường oan sai này căn cứ vào Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều 32, trách nhiệm bồi thường của TAND trong hoạt động tố tụng hình sự nêu, tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các  trường hợp sau đây: 
Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội; tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy, căn cứ khoản 2 điểm a Điều 32 thì tòa án cấp phúc thẩm TAND TC là cơ quan xét xử cuối cùng tuyên án bị cáo phạm tội với hình phạt tù chung thân là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. 
Cũng theo ông Thơm, tới đây, việc xem xét trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp từ cấp điều tra, truy tố, xét xử phải được xử lý nghiêm; hình thức xử lý có thể là kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý kỷ luật. Nếu sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý theo quy định. “Tôi đánh giá rất cao việc làm của VKSND TC đã nhìn nhận ra việc sai trái trong hoạt động tố tụng, kịp thời khắc phục những sai phạm đó, mang lại niềm tin cho người dân vào pháp luật, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp của công dân. Phải dũng cảm nhìn nhận sai phạm, sửa sai chứ đừng lấy cái sai này để che đậy bằng cái sai khác” - luật sư Thơm chia sẻ.
Nhận được thông tin về phiên tái thẩm, ông Chấn tỏ rõ sự vui mừng vì nỗi oan của ông dần sáng tỏ. Ông mong chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Trong khi đó, bà Chiến, sau bao năm kêu oan thay chồng không diễn tả nổi cảm xúc lúc này. Sức khỏe của bà vẫn yếu vì mấy ngày qua, hai vợ chồng thao thức suốt đêm, khấp khởi bởi nỗ lực bấy lâu đã được đáp đền.
Phương Hoa



  (Còn nữa)

Hoa Đỗ - Nguyễn Tuấn
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889