Không có oan sai nhưng liệu có bỏ lọt tội phạm?

Phải giải thích rõ nguyên nhân những án treo, án thay đổi tội danh nhiều lần.

Sáng 19-9, đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu để  triển khai kế hoạch số 90 của Ban Chỉ đạo về việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng. Thời gian các vụ án mà đoàn tập trung kiểm tra, giám sát là từ 1-1-2011 đến 30-6-2014.

Còn hai vụ án tham nhũng kéo dài

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Quan - Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trình bày báo cáo của Tỉnh ủy về công tác thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng trong thời gian theo yêu cầu của đoàn. Theo đó, hiện toàn tỉnh có hai vụ án tham nhũng được cho là kéo dài gây bức xúc trong dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân là vụ án Nguyễn Đức Trung (cán bộ phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh) và Bùi Sỹ Bằng (nguyên phó giám đốc Phòng giao dịch Đông Xuyên, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu). Một số vụ án dư luận xã hội quan tâm như vụ án xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ án Công ty Khang Linh hiện đang được các cơ quan bộ điều tra.

“Vụ án Nguyễn Đức Trung đã khởi tố, điều tra gần ba năm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần, thay đổi tội danh từ lạm dụng chiếm đoạt tài sản sang lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ra tòa hoãn xử hai lần vì vắng mặt nhân chứng. Còn vụ Bùi Sỹ Bằng kéo dài đã hai năm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và hiện đã tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả giám định” - ông Quan cho hay.

Về những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý án tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy cho hay một số vụ án quan điểm chưa thống nhất trong đổi tội danh, đánh giá chứng cứ. Ngoài ra, tiến độ điều tra, truy tố xét xử một vụ án còn chậm, án phải trả lại để điều tra bổ sung, tội phạm về tham nhũng còn chưa có thông tư liên ngành hướng dẫn nên dẫn tới quan điểm đánh giá tội danh, chứng cứ còn khác nhau…

Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao đang phát biểu tại buổi làm việc sáng 19-9 với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: LT

 

Thận trọng quá mức là không tốt

Theo ông Lê Minh Trí - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, thực tế ở một số địa phương, có những vụ án đã khởi tố nhưng sau đó trả tới trả lui rồi “xù” vì chứng cứ không có. Tuy nhiên, điều này sẽ gây mất niềm tin cho người dân, cán bộ đảng viên. “Điều tôi muốn nói là ngay từ đầu các cơ quan tố tụng phải phối hợp, cân nhắc, đánh giá thật kỹ các chứng cứ để dù xử lý hành chính cũng cho nghiêm chứ không nhất thiết phải xử lý hình sự, án treo nhưng không thuyết phục” - ông Trí nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, nhìn nhận: Có thể thấy có thực tế mà nhân dân nhìn vào để chưa tin tưởng lắm vào hiệu quả của công tác xử lý án tham nhũng mà chúng ta phải lý giải. Ví dụ án kéo dài trả tới trả lui hai, ba năm để điều tra; án tham nhũng bị xử nhẹ hơn, xử treo… Nếu treo đúng không có vấn đề gì nhưng dư luận hay đặt câu hỏi chúng ta có nương nhẹ không. Hoặc án thay đổi tội danh nhiều lần theo hướng ít nghiêm trọng hơn, án hoãn xử nhiều lần chúng ta cũng có…

“Những hiện tượng như thế này chúng tôi không kết luận nhưng quá trình làm việc sắp tới của đoàn đề nghị các cơ quan tố tụng phải giải thích, lý giải nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan do hướng dẫn của trên chưa đầy đủ, giám định có vấn đề và liệu còn nguyên nhân chủ quan? Nếu vì chủ quan do chúng ta cầu toàn, thận trọng quá mức thì không tốt, cần đánh giá lại. Những án khác có thận trọng như thế này không hay chỉ có án tham nhũng mới thận trọng hoãn đi hoãn lại như thế này. Làm sao một vụ án họp liên ngành rất nhiều, xin ý kiến cấp trên nhưng đến giờ vẫn mắc?” - ông Bình thẳng thắn đặt vấn đề.

Ông Bình cũng cho rằng điều quan trọng trong xử lý tin báo tố giác tội phạm tham nhũng là chống oan sai nhưng không để bỏ lọt tội phạm. Theo số liệu thì không có vụ truy tố oan sai nhưng liệu có bỏ lọt hay không thì cần lý giải rõ để việc đánh giá của đoàn thực chất hơn.

Theo lịch, đoàn công tác sẽ làm việc bắt đầu từ ngày 19-9 và kết thúc vào ngày 3-10. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nội dung làm việc mà thời gian có thể thay đổi hoặc kéo dài hơn dự kiến.

LINH TUYỀN - HUY PHONG

Sẽ làm rõ việc bị cáo vẫn đi làm bình thường

Trao đổi sau buổi làm việc, ông Lê Minh Trí, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết liên quan đến thông tin trong vụ án Nguyễn Đức Trung bị cáo Trung vẫn đi làm tại Sở, nhận lương khi ra tòa xét xử (bị cáo được tại ngoại) đoàn sẽ làm rõ việc. “Thường khi khởi tố điều tra, truy tố và xét xử, các bị can, bị cáo được tạm đình chỉ công tác. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ làm việc lại với các cơ quan để nắm cụ thể rồi mới kết luận được”.

Đề nghị kiểm tra một vụ án không có trong báo cáo

Sau khi nghe báo cáo, ngoài hai vụ án trên, ông Phan Bá - Vụ trưởng Vụ 8, Ban Nội chính Trung ương cũng đề nghị các cơ quan chức năng tập hợp hồ sơ để đoàn kiểm tra vụ án Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thế Tiến bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. “Theo Ban Nội chính Trung ương, vụ án này không phải nhóm tham nhũng nên không đưa vào báo cáo án tham nhũng là đúng. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là vụ án có vấn đề liên quan đến nhiều cán bộ, công chức có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, biết đâu có tham nhũng. Vì thế chúng tôi đề nghị chuyển tài liệu về vụ án này cho chúng tôi” - ông Bá nói.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889