Luật sư công: "cãi" thế nào?

Vấn đề “luật sư công” cũng trở thành điểm nóng bởi theo phân tích của nhiều đại biểu: luật sư không thể vừa “đi cãi” vừa phải chấp hành quyết định của cấp trên.

“Mặc dù chúng ta đã có Pháp lệnh từ năm 1987 đến năm 2001 có pháp lệnh sửa đổi nữa, nhưng quả thực lĩnh vực này rất khó và cực kỳ quan trọng”. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận định như vậy trong buổi thảo luận về luật Luật sư ngày hôm qua.

 

Một trong những điều kiện để được hành nghề luật sư theo như dự thảo luật là phải gia nhập đoàn luật sư. Qui định này đã vấp phải một số ý kiến không đồng tình. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đây là sự ràng buộc không cần thiết thậm chí mâu thuẫn với một số nội dung trong Dự thảo luật. Việc gia nhập hay không gia nhập đoàn luật sư đó là quyền, là nhu cầu của luật sư, chứ không phải là nghĩa vụ. “Pháp luật cũng không nên ràng buộc việc gia nhập này thành một trong những điều kiện để hành nghề luật sư. Vì đây là quan hệ nội bộ giữa luật sư và với tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình”.

 

Về mối liên quan giữa chất lượng luật sư và việc gia nhập đoàn luật sư, đại biểu Ry lý giải: “Tôi cho rằng chất lượng của việc hành nghề luật sư cũng không phụ thuộc nhiều  vào việc gia nhập Đoàn luật sư mà phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đào tạo của nhà trường, phụ thuộc vào sự rèn luyện kiên trì học tập, tu dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức của từng luật sư”.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lương Phan Cừ - Tỉnh Đăk Nông cho rằng,  Dự thảo dường như đã biến tổ chức xã hội nghề nghiệp này thành một cơ quan quản lý Nhà nước, vừa thực hiện công tác quản lý vừa chi phối hoạt động tác nghiệp trong quá trình làm nghề của luật sư.

 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đại biểu lại đồng tình với quan điểm của dự thảo là luật sư phải gia nhập đoàn luật sư mới được hoạt động bởi đây là một nghề đặc thù có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ luật pháp, bảo vệ công lý nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ pháp lý. Hơn nữa đoàn luật sư là một tổ chức xã hội nghề nghiệp để bênh vực quyền lợi của luật sư, đồng thời bồi dưỡng, hướng dẫn giám sát hoạt động luật sư theo quy định của pháp luật, thực hiện vai trò chủ quản theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần quản lý hoạt động của luật sư.

 

Để giải quyết khúc mắc này, đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum đưa ra đề xuất: “Tôi cảm thấy chưa thật yên tâm về khái niệm Luật sư (Điều 2). đây chúng ta đưa cả điều kiện hành nghề vào, coi như một tiêu chuẩn để được công nhận là luật sư thì chưa hợp lý. Luật sư là phải dựa trên tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức. Việc phải gia nhập một đoàn luật sư mới được coi là luật sư sẽ kéo theo một loạt rắc rối ở bên dưới mà chúng ta không giải quyết được”.

 

Vấn đề luật sư công (ký hợp đồng làm việc cho tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước theo chế độ viên chức) cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của đại biểu. Nhiều đại biểu lo lắng nếu qui định như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập và nguyên tắc tranh luận dân chủ trước phiên toà khi luật sư tham gia tố tụng. “Theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức thì cán bộ công chức phải chấp hành các quyết định của cấp trên. Nếu luật sư làm việc trong cơ quan Nhà nước theo chế độ công chức có nghĩa là luật sư đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cán bộ công chức. Như vậy quy định như Dự thảo luật sẽ không phù hợp với nguyên tắc hành nghề độc lập và tuân thủ pháp luật của luật sư”, đại biểu Mã Điền Cư, tỉnh Bình Thuận góp ý.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng - Tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, pháp lệnh về công chức có nhiều điểm khác với đối tượng hành nghề tự do nên một luật sư không thể vừa là công chức, vừa hành nghệ luật sư. Ông ví dụ: “Công chức phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, dù lệnh đó sai thì anh vẫn phải làm đúng như thế và có thể bảo lưu ý kiến của mình. Nhưng luật sư không thể làm như thế được, luật sư đi bào chữa không thể ra toà làm theo lệnh của thủ trưởng là phải bảo vệ bằng được cái quyết định của thủ trưởng mặc dù quyết định này sai trái”.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh - TP Hải Phòng lại nhìn dự thảo luật dưới góc độ một người dân bình thường và nhận xét, ở các nước trên thế giới cũng như trong thực tiễn nước ta thì hoạt động của luật sư rất rộng, bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội. Nhưng trong dự thảo luật, phạm vi điều chỉnh lại hẹp chỉ chi phối lĩnh vực luật sư tham gia hoạt động  trong công tác tố tụng thôi. “Tôi được biết ở nước ngoài, công dân có nhu cầu xin giấy tờ gì đó ra chính quyền, người ta cũng qua văn phòng luật sư, xin visa họ cũng qua văn phòng luật sư, làm quốc tịch họ cũng qua văn phòng luật sư, rồi cả những vấn đề rất nhỏ cũng qua văn phòng luật sư. Trong luật này, tôi đọc mãi không thấy thể hiện gì, phạm vi điều chỉnh nói chung chung chưa cụ thể, nếu quy định như vậy, thật sự chỉ những người trong nghề luật mới hiểu được. Theo tôi luật này phải soạn thảo sao cho luật sư hoạt động có hiệu quả nhất, đồng thời giúp cho người dân am hiểu pháp luật và sống, làm việc theo pháp luật được”.

 

Dự thảo luật Điện ảnh: Không nên kiểm duyệt kịch bản!

 

Tại hội trường 37 Hùng Vương, Quốc hội cũng đã dành một ngày để thảo luận về Luật Điện ảnh. Đại biểu Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai cho rằng phải coi Điện ảnh là hàng hoá đặc biệt, phải đầu tư, hoạch toán thì mới quản lý chắc. Ông cũng đề cập đến bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, đó là bộ phim hợp tác với nước ngoài rất hay, được trình chiếu ở nhiều nước. “Tại sao chúng ta không xây dựng chế tài về vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài như thế ta sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm”, ông Quốc đặt câu hỏi.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh, tỉnh Ninh Thuận nêu câu hỏi về qui định Giám đốc phim phải là người Việt Nam: "Việc quy định tiêu chuẩn Giám đốc sản xuất  phim là một công dân Việt Nam có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, như vậy có chặt chẽ quá không, có phù hợp với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế không?”. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, tỉnh Bắc Giang đề nghị: “Nên mở rộng giám đốc sản xuất phim không chỉ là người Việt Nam.

 

Và vấn đề duyệt kịch bản trước khi làm phim, nhiều đại biểu không đồng tình. Đại biểu Đỗ Hồng Quân, tỉnh Hà Tây cho rằng: “Không nên có Hội đồng kiểm duyệt kịch bản vì như thế sẽ giảm đi sự sáng tạo trong bộ phim”. Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị: “Chỉ nên tập trung quản lý đầu ra của phim”.

 

Tuy nhiên, qua một ngày thảo luận về luật điện ảnh, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh đề cập đến vấn đề quá rộng, nên khoanh lại trong vùng Điện ảnh. Đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga, TPHCM thẳng thắn nói rằng: Đọc Luật tôi thấy còn lừng khừng chưa phát triển theo thời cuộc. Luật Điện ảnh gần giống với luật Giáo dục. Cần đầu tư khoa học, kỹ thuật hiện đại thì phải có “công nghệ” trong khi đó mình chưa có.

 

Đại biểu Trần Kim Luân, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng : "Những vấn đề cấm trong Luật còn chung chung và quen thuộc giống như luật Báo chí và Luật Xuất bản. Những người làm điện ảnh chờ đợi Luật khác hơn".

 

Trước những thắc mắc của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH - TT Phạm Quang Nghị đồng thời là trưởng ban soạn thảo Luật đã giải trình trước Quốc hội, ông nói: Luật Điện ảnh lần đầu tiên xây dựng dựa trên sự kết hợp những quy định, văn bản hướng dẫn trước đó và thực tiễn để soạn thảo. Hơn nữa, điện ảnh Việt Nam mới được hơn nửa thế kỷ, còn non trẻ. Ngay khái niệm cơ bản Điện ảnh là gì còn tranh cãi.

 

Ông cũng đề nghị những giám đốc phim phải là công dân Việt Nam thì mới am hiểu được hết được tất cả những phong tục, nét văn hoá của Việt Nam.

 

Xung quanh mối quan hệ bao cấp với điện ảnh. Bộ trưởng cho rằng phải khắc phục bao cấp tràn lan và đầu tư không hiệu quả đối với điện ảnh. Từ nay trở đi Nhà nước đầu tư cho điện ảnh sẽ  không giảm mà còn tăng lên nhưng Nhà nước chỉ đầu tư vào đào tạo, cơ sở vật chất, trường quay...

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889