Một vụ án bốn lần xét xử sơ thẩm không xong

Hai anh em Nguyễn Hương Ly (1982) và Nguyễn Hải Đăng (1984) trú tại xóm Đông Yên, phường Tích Lương, Thành phố Thái Nguyên đã bị tạm giam hơn một năm (từ tháng 11 năm 2000 đến tháng 12 năm 2011) với cáo trạng “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, sau 4 lần xét xử, vụ án vẫn chưa khép lại. Trong phiên tòa phúc thẩm (xét xử lần thứ 5) của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Nguyên diễn ra cuối tháng 2 năm 2012, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại.

Gia đình bà Dương Thị Bẩy (mẹ của Nguyễn Hương Ly và Nguyễn Hải Đăng) nằm sâu trong xóm Đông Yên, phường Tích Lương, Thành phố Thái Nguyên. Bà Bẩy năm nay mới ngoài 50 tuổi nhưng với thân hình gày gò cùng mấy năm ròng lo lắng mất ăn mất ngủ vì 2 đứa con trai của bà vướng vào vòng lao lý, đã khiến bà già hơn tuổi rất nhiều.

Khoảng 16 giờ ngày 25 tháng 8 năm 2009, bà Bẩy, lúc đó là trưởng xóm Đông Yên, đến bàn bán thịt bò của chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1989, trú tại xóm Mới, xã Tích Lương - nay là phường) và chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1983, trú tại xóm Bắc Lương, xã Tích Lương) tại khu vực cầu Sắt thuộc địa phận xóm Đông Yên hỏi về nguồn gốc mặt hàng 2 chị đang bán (vì trước đó, bà Bẩy nhận được tin báo có 2 người phụ nữ đến khu vực kể trên bày bán thịt, lòng bò trong lúc đang có dịch lở mồm long móng trên địa bàn). Lời qua tiếng lại, bà Bẩy và chị Hằng đã to tiếng cãi vã. Bà Bẩy cho rằng chị Hằng đã có lời lẽ xúc phạm mình nên đã vứt một số nội tạng bò trên bàn thịt xuống đất rồi bỏ về.

Chiều 26 tháng 8 năm 2009, hai con trai của bà Bẩy là Nguyễn Hương Ly (làm nghề phụ xe khách) và Nguyễn Hải Đăng đi về qua khu vực cầu Sắt – nơi xảy ra sự việc với bà Bẩy chiều hôm trước – thì chị Hằng gọi Ly, Đăng lại “nói chuyện”. Lúc này có cả chị Hương ở dó, hai bên đã to tiếng dẫn đến xô xát. Tối cùng ngày, chị Hương bị thương ở tay trái nên đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên băng bó, điều trị.

Ngày 13 tháng 9 năm 2009, Công an Thành phố Thái Nguyên có giấy triệu tập Ly và Đăng lên trụ sở để phục vụ công tác điều tra theo đơn tố cáo của chị Hương. Ngày 16 tháng 9 năm 2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Nguyên có quyết định khởi tố vụ án và các quyết định khởi tố với 2 bị can Nguyễn Hương Ly và Nguyễn Hải Đăng về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật Hình sự. Sau đó Ly và Đang bị tạm giam.

Ngày 27 tháng 7 năm 2010 TAND Thành phố Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo Ly và Đăng về tội “Cố ý gây thương tích” lần thứ nhất. Tòa hỏi các nhân chứng, người bị hại nhưng vẫn chưa xác định cụ thể người gây ra thương tích cho chị Hương. Trong khi bệnh án chị Hương vào viện lúc 19h30 ngày 26 tháng 8 năm 2009 lại ghi: “Bệnh nhân chặt xương bị trượt vào cổ tay trái”. Biên bản hội chẩn của bệnh viện cũng xác định: bệnh nhân đang chặt xương, chặt vào cổ tay trái; sau tai nạn, vết thương cổ tay trái chảy nhiều máu. Viện phí được thanh toán bằng bảo hiểm y tế vì lý do tai nạn lao động. Kết quả, Tòa tuyên hoãn xử và trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát.

Phiên tòa lần thứ hai diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2011, cũng đành dừng lại giữa chừng do chứng cứ không rõ ràng. Ngày 03 tháng 10 năm 2011, Tòa mở phiên sơ thẩm lần thứ ba sau khi đã có kết luận điều tra bổ sung. Nhưng một lần nữa phiên tòa phải hoãn lại với lý do: “Tạo điều kiện cho các bị cáo và luật sư của mình nghiên cứu bản cáo trạng mới mà chưa được biết và thu thập các chứng cứ để bào chữa, biện hộ cho mình trước tòa”. Phiên xét xử lần thứ tư diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 10 năm 2011, Tòa tuyên bị cáo Đăng phạm tội ‘Cố ý gây thương tích”, xử phạt 6 năm tù; bị cáo Ly phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”, xử phạt 12 tháng, 23 ngày tù.

Không chấp nhận bản án trên, Ly và Đăng đã kháng cáo lên TAND tỉnh Thái Nguyên. Đến ngày 28 tháng 02 năm 2012, TAND tỉnh đã mở phiên xét xử phúc thẩm. Kết quả, Tòa đã quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND Thành phố Thái Nguyên, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại do thấy có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Lý do ghi rõ: “… Ai là người gây ra vết thương cho chị Hương và gây ra như thế nào thì không xác định được. Tại sao lại có sự khác nhau trong lời khai của người làm chứng, cơ quan điều tra chưa tập trung đấu tranh để làm rõ. Vật chứng của vụ án đều là những hung khí nguy hiểm, đều có thể gây nên thương tích … cơ quan điều tra không có biện pháp truy tìm, thu giữ, chưa làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng của những người khác …”.

Theo luật sư Phan Thanh Long - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Thái nguyên thì: Không có căn cứ để khởi tố vụ án đối với 2 bị cáo Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Hương Ly. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thu thập chứng cứ không khách quan, không toàn diện, không xác định được thương tích của chị Hương và chưa rõ ai là người gây ra thương tích. Cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng về thời gian điều tra (Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự - TTHS) và khám nghiệm hiện trường không có kiểm sát viên tham gia (Điều 150 Bộ luật TTHS); đã sử dụng bệnh án người chặt xương vào tay đưa đi giám định nên việc khởi tố vụ án là không có căn cứ; không thu được vật chứng và quá trình điều tra có 10/12 nhân chứng khai không nhìn thấy Đăng chém Hương; chưa tiến hành cho thực nghiệm điều tra để xác định cụ thể sự việc xảy ra như thế nào …

Như vậy, vụ án đã qua tới 5 lần xét xử mà vẫn chưa đi đến một kết luận rõ ràng, cụ thể, gây nên áp lực tâm lý và làm đảo lộn cuộc sống của những bên liên quan. Tại sao một vụ án còn nhiều điều chưa được làm rõ mà vẫn đưa ra Tòa sơ thẩm xét xử đến 4 lần? Dư luận đang đặt ra câu hỏi đối với các cơ quan chức năng liên quan, ảnh hưởng đến uy tín và năng lực của những người nhân danh Nhà nước thực hiện công lý.

Nguồn: Báo Thái Nguyên (ngày 30 tháng 3 năm 2012)
Nguyễn My Phương

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889