Nếu kiện Trung Quốc?

 Trước những hành vi ngang ngược mới đây của Trung Quốc, các luật sư Việt Nam - dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau - đã và đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến tình hình, cực lực phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam của ngoại bang. Để góp phần phân tích, đánh giá dưới góc độ pháp lý và có sự lựa chọn hình thức đấu tranh phù hợp, hiệu quả liên quan đến hành vi xâm phạm chủ quyền do nhà cầm quyền Trung Quốc đang gây ra tại Biển Đông, BBT xin giới thiệu các bài viết mang tính nghiên cứu, trao đổi của các luật sư và chuyên gia.
Vị trí giàn khoan (ô vuông đen) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN

Vị trí giàn khoan (ô vuông đen) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN

Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) là một công cụ rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Công ước đã có hiệu lực vào ngày 23/06/1994 và hiện nay 161 thành viên đã tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và Bruney. Theo khoản 1 - Điều 287 - UNCLOS thì một quốc gia được quyền tự do lựa chọn bằng hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp dưới đây để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước:
a.   Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) được thành lập theo Phụ lục VI – UNCLOS;
b.   Tòa án quốc tế (ICJ);
c.   Một Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII – UNCLOS;
d.   Một Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII – UNCLOS để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp đã được quy định rõ trong đó. [1]
Theo khoản 1 - Điều 35 Quy chế của ICJ[2]  và Điều 20 Quy chế của ITLOS (Phụ lục VI – UNCLOS)[3]  thì các Tòa án được mở cho tất cả các quốc gia là thành viên của các Quy chế này.
Theo Điều 1 Quy chế Trọng tài (Phụ lục VII của UNCLOS) thì với điều kiện phải tuân thủ theo Phần XV - UNCLOS, bất kỳ bên nào trong một vụ tranh chấp đều có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài đã trù định tại Phụ lục VII bằng một thông báo viết gửi tới các bên còn lại trong tranh chấp. [4]
Sự lựa chọn thủ tục có thể được thực hiện khi quốc gia ký kết, phê duyệt hoặc tham gia UNCLOS, hoặc bất kỳ thời điểm nào sau đó. Nếu hai bên (hai quốc gia) của một tranh chấp chọn ra được cùng một thủ tục, thì tranh chấp đó sẽ được dẫn chiếu tới thủ tục đó. Nếu các Bên tranh chấp không lựa chọn cùng một thủ tục, hay nếu một bên không đưa ra sự lựa chọn, thì tranh chấp sẽ được đưa lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.[5] Ví dụ: vào năm 2009, Bangladesh đã viện dẫn đến hệ thống giải quyết tranh chấp trong UNCLOS đối với Ấn Độ và Myanmar liên quan đến các điều khoản của UNCLOS về phân định biên giới biển. Không Quốc gia nào trong ba Quốc gia này đưa ra lựa chọn về thủ tục theo Điều 287. Do đó, tranh chấp giữa Bangladesh và Myanmar theo lẽ thông thường sẽ được đưa lên trọng tài theo Phụ lục VII. Tuy nhiên, Bangladesh và Myanmar sau đó đã thỏa thuận đưa tranh chấp lên tòa ITLOS thay vì trọng tài. Hệ quả là, Bangladesh sẽ giải quyết tranh chấp với Ấn Độ bằng trọng tài theo Phụ lục VII và với Myanmar tại tòa ITLOS.[6]
Tính đến nay, trên thế giới đã có khoảng 20 vụ việc tranh chấp được đưa ra giải quyết tại ITLOS (bao gồm 19 vụ việc Tòa án thực hiện chức năng xét xử và 01 vụ việc Tòa án thực hiện chức năng tư vấn), gần 30 vụ việc trong tổng số 106 vụ việc được đã được đưa ra xét xử bởi ICJ có liên quan đến lãnh thổ biển, phân định biên giới biển. Như vậy, Việt Nam với tư cách là quốc gia ven Biển Đông, thành viên của Liên Hợp Quốc và thành viên của UNCLOS có quyền trực tiếp đưa tranh chấp Biển Đông ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng các quy định đã viện dẫn ở trên.
Trung Quốc đã thực hiện quyền theo Điều 298 – UNCLOS và không tham gia vào quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của Mục 2 Phần XV đối với các tranh chấp được dẫn chiếu tại điểm (a), (b) và (c) khoản 1 Điều 298 của UNCLOS.  Theo đó, Trung Quốc loại trừ các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Điều 15, 74, và 83 về phân định biên giới trên biển; các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự; tranh chấp liên quan đến các hoạt động cưỡng chế pháp luật đối với việc thực hiện các quyền chủ quyền và tài phán khỏi thẩm quyền của tòa theo khoản 2 hoặc 3 Điều 297 của UNCLOS; các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang thực hiện chức năng được giao phó bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, trừ khi Hội đồng Bảo an quyết định loại bỏ vấn đề khỏi chương trình nghị sự của mình  hoặc  kêu  gọi  các  bên  giải  quyết  bằng  các  biện  pháp  được  nêu  trong UNCLOS.  Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là không phải trong mọi trường hợp Trung Quốc đều có quyền từ chối tham gia vào quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của Mục 2 Phần XV của UNCLOS. Tham khảo kinh nghiệm từ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, mười yêu cầu khởi kiện tại Mục III và mười ba điểm đề nghị tại Mục V - Thông báo và tuyên bố khởi kiện của Philippines ngày 22/01/2013 đều không nằm trong phạm vi Tuyên bố của Trung Quốc ngày 25/08/2006. Do đó, căn cứ Điều 286 - UNCLOS thì Philippines có quyền sử dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc với Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII - UNCLOS. Bên cạnh việc ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông tại một trong các thiết chế tài phán theo Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS, chúng ta cũng cần cân nhắc kế hoạch cụ thể để khởi kiện hoặc tham gia vụ kiện với tư cách là bên thứ ba tại các thiết chế tài phán đó.
Nếu được tiến hành, việc khởi kiện yêu cầu giải quyết hành vi của Trung Quốc vi phạm UNCLOS và pháp luật quốc tế trong Vùng Biển Việt Nam cũng sẽ không thuộc trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 1 Điều 298 - UNCLOS mà Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ sau khi gia nhập UNCLOS. Đó là quá trình Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cụ thể liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 56, 58, 76 và 77 của UNCLOS năm 1982. Vì vậy, Việt Nam có quyền áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS đối với Trung Quốc. Tính đến nay Việt Nam và Trung Quốc đều chưa có tuyên bố lựa chọn cơ quan tài phán theo quy định tại khoản 1 - điều 287 của UNCLOS. Vì vậy, chiếu theo khoản 3 và 5 Điều 287 UNCLOS, Việt Nam có quyền khởi kiện Trung Quốc về các hành vi xâm phạm Vùng Biển Việt Nam do Trung Quốc đã thực hiện ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII - UNCLOS mà không cần sự chấp thuận thẩm quyền của Tòa từ phía Trung Quốc./.
Ths. Luật sư Đỗ Minh Ánh
 

[1] “Article 287
Choice of procedure
1. When signing, ratifying or acceding to this Convention or at any time thereafter, a State shall be free to choose, by means of a written declaration, one or more of the following means for the settlement of disputes concerning the interpretation or application of this Convention:
(a) the International Tribunal for the Law of the Sea established in
accordance with Annex VI;
(b) the International Court of Justice;
(c) an arbitral tribunal constituted in accordance with Annex VII;
(d) a special arbitral tribunal constituted in accordance with Annex VIII for one or more of the categories of disputes specified therein.”
[2] “Article 35: 
1. The Court shall be open to the states parties to the present Statute.”
[3] “Article 20
Access to the Tribunal
1. The Tribunal shall be open to States Parties.”
[4] Article 1
Institution of proceedings
Subject to the provisions of Part XV, any party to a dispute may submit the dispute to the arbitral procedure provided for in this Annex by written notification addressed to the other party or parties to the dispute.  The notification shall be accompanied by a statement of the claim and the grounds on which it is based.
[5] Khoản 3, 4, 5 – ĐIều 287 – UNCLOS:
“3. A State Party, which is a party to a dispute not covered by a declaration in force, shall be deemed to have accepted arbitration in accordance with Annex VII.
4. If the parties to a dispute have accepted the same procedure for the settlement of the dispute, it may be submitted only to that procedure, unless the parties otherwise agree.
5. If the parties to a dispute have not accepted the same procedure for the settlement of the dispute, it may be submitted only to arbitration in accordance with Annex VII, unless the parties otherwise agree.”
[6] Tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới hàng hải giữa Bangladesh và Myanmar ở Vịnh Bengal (Bangladesh / Myanmar)
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889