‘Phiên tòa xét xử vụ Năm Cam diễn ra nghiêm túc, dân chủ’

- Vì sao bản án dành cho Hồ Thanh Tùng lại giảm nhẹ từ tử hình xuống còn chung thân?

 

- Qua nghiên cứu và xét hỏi tại phiên tòa, HĐXX thấy có tình tiết bị cáo Tùng ra đầu thú. Đây là một tình tiết giảm nhẹ được pháp luật quy định. Mặt khác, vết dao đâm của Tùng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của anh Hồ Phước Hưng. HĐXX cũng xem xét đến động cơ phạm tội nên quyết định giảm một phần mức hình phạt cho bị cáo.

- Dư luận cho rằng đáng lẽ mức án dành cho các bị cáo từng là quan chức nhà nước phải nặng hơn?

- HĐXX sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo đó và định lượng bản án theo đúng pháp luật, đồng thời có xem xét những đóng góp trong quá trình công tác theo quy định khung của điều luật. Dư luận như thế là không đúng, mức án dành cho các bị cáo này đều đúng người, đúng tội.

- Vì sao HĐXX phải kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ những tình tiết liên quan đến Tống Viết Hòa?

- Qua thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX thấy có những dấu hiệu về việc Tống Viết Hòa liên quan đến vụ án Vũ Hoàng Dung, nhất là có hành vi không tố giác tội phạm. Vì vậy chúng tôi đưa ra kiến nghị điều tra làm rõ hành vi này. Nếu tiếp tục phát hiện có những hành vi liên quan khác thì cơ quan điều tra có nhiệm vụ truy tố và khởi tố.

- Tòa phúc thẩm đã tuyên án Năm Cam chính là chủ mưu giết Vũ Hoàng Dung. Vậy nếu sau này điều tra chính Tống Viết Hòa là chủ mưu thì bản án có được xem xét lại?

- HĐXX đã nhận định rõ, cho dù Nguyễn Tuấn Hải hay một kẻ nào khác muốn giết Vũ Hoàng Dung cũng đều phải thông qua ý kiến của Năm Cam. Vai trò của Năm Cam là quyết định. Vì vậy dù sau này có những tình tiết nào mới thể hiện sự liên can của những người khác thì vai trò, tính chất của Năm Cam trong vụ án cũng không thay đổi, vẫn là kẻ cầm đầu chủ mưu.

- Tại sao một số quan chức, nhà báo bị cấm không được đảm nhiệm công việc có liên quan đến nhà nước hay tiếp tục công tác báo chí như Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến, Hoàng Linh, còn những bị cáo khác như Quang Thắng, Bùi Quốc Huy thì không?

- Đối với những người có chức vụ quyền hạn, khi phạm tội đều phải nhận thêm hình phạt bổ sung theo luật định. Các bị cáo Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến đã lợi dụng chức vụ để trục lợi do vậy phải cấm đảm nhiệm công việc có liên quan đến nhà nước 5 năm sau khi mãn hạn tù. Quang Thắng không bị cấm như Hoàng Linh là do đã bị tước danh hiệu công an nhân dân, là một nhà báo trong lực lượng công an nhưng bị hình phạt trên thì không thể quay lại nghề nữa.

- Khi nào thì bản án tử hình đối với 5 bị cáo được thi hành?

- Theo luật định, trong thời gian 7 ngày sau khi tuyên án, các bị cáo có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá. Sau khi Chủ tịch nước bác đơn, cơ quan thi hành án tại địa phương sẽ thi hành.

- Có một số bị cáo cho rằng mình không phải là đồng bọn của Năm Cam như những bị cáo trong các vụ đánh bạc. Tại sao tòa không tách các vụ án ra để đảm bảo thời gian tố tụng được ngắn gọn?

Năm Cam trầm ngâm khi không thoát án tử hình.

- Việc tách hay nhập các vụ án không thể thực hiện tùy tiện. Những vụ án khác như tổ chức đánh bạc tại các quận 5, 7 và 9 đều do Năm Cam cầm đầu. Cho dù những bị cáo khác làm chủ sòng nhưng hàng ngày vẫn nộp tiền xâu và đưa tiền phí an ninh cho Năm Cam. Do đó các vụ án đều có liên quan đến Năm Cam. Đồng thời để làm sáng tỏ về hành vi phạm tội, tính chất và bản chất của bị cáo này nên cần thiết phải xử chung.

- Tại sao tòa phúc thẩm có công nhận tình tiết tự thú của bị cáo Dương Ngọc Hiệp (tòa sơ thẩm bỏ qua trong phần nhận định), nhưng đơn kháng án của bị cáo này vẫn bị bác bỏ?

- HĐXX không vận dụng tình tiết này nhưng đã xử phạt bị cáo Hiệp mức án thấp 20 năm tù. Khung hình phạt này, án cao nhất là chung thân vì số tiền đưa hối lộ rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tòa phúc thẩm có vận dụng tình tiết giảm nhẹ trên nhưng xét thấy mức án của tòa sơ thẩm đã tuyên đúng mức nên quyết định giữ nguyên.

- Tội đưa và nhận hối lộ không hề có chứng cứ cụ thể mà chỉ căn cứ vào lời khai và sự thành khẩn nhận tội của bị cáo. Có nghĩa là người nhận tội bị thiệt thòi so với những người không nhận tội. Theo ông có cách nào phát hiện và ngăn chặn tốt hơn tội đưa và nhận hối lộ không?

- Nếu lời khai nhận tội của bị cáo không phù hợp với các chứng cứ khách quan khác thì cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục điều tra và chứng minh xem lời khai đó có cơ sở hay không. Bị cáo nhận tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, bằng không sẽ đúng mức như luật định (như trường hợp của Dương Ngọc Hiệp). Với những bị can khác, việc điều tra không phát hiện chứng cứ đủ để kết tội thì không thể chỉ dựa vào lời tố cáo của bị cáo khác để khởi tố bắt giam.

Việc đưa và nhận hối lộ trong thực tế rất khó phát hiện vì vậy quan trọng nhất là công tác phòng ngừa. Những người đứng đầu cơ quan nhà nước phải đi sâu đi sát và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trường hợp ông Quang Hữu Dũng, Năm Cam và Nguyễn Thành Thảo khai đã cho tiền bằng cách thanh toán tiền điện thoại, nhưng ông Dũng không thừa nhận. Cơ quan điều tra có trách nhiệm phải tiếp tục làm rõ những vấn đề mà các bị cáo đã khai tại tòa. Theo quy định, tòa chỉ xét xử những hành vi, tội phạm mà VKS đã truy tố. Việc này đã được phân quyền, phân cấp về thể hiện tính thận trọng của nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người.

- Ông rút ra bài học kinh nghiệm gì cho quá trình cải cách tư pháp mà Việt Nam đang tiến hành?

- Đó là việc bảo đảm tranh tụng công khai, dân chủ, tạo điều kiện cho luật sư và luật gia được tham gia tố tụng theo quy định, các bị cáo tự bào chữa nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

- Trong quá trình xét xử phúc thẩm, dư luận cho rằng ông bị khủng bố qua điện thoại, điều này có đúng không?

- Điều này hoàn toàn không đúng, tôi chưa hề bị khủng bố.

Nghĩa Phương

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889