
TS. Luật sư Nguyễn Đình Thơ
Hiện nay, chúng ta đang tích cực đấu tranh về mặt ngoại giao ở những cấp độ khác nhau với mong muốn giải quyết vụ việc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn không chịu chấm dứt hành vi vi phạm, chúng ta phải đồng thời có những biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó biện pháp pháp lý là có thể đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế để giải quyết. Vấn đề là khi đưa ra Tòa án quốc tế sẽ không kiện việc xâm phạm, tranh chấp lãnh thổ mà là việc Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS, từ đó đã có hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài quốc tế cũng theo cách này.
Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển xác lập đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển định ra phù hợp với UNCLOS để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Đó là đường nối liền các điểm thích hợp được lựa chọn tại những điểm ngoài cùng nhất nhô ra biển tại mức nước thủy triều thấp nhất (trung bình nhiều năm). Chiều rộng của vùng ĐQKT không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vùng ĐQKT được đặt dưới chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như các quyền và các quyền tự do của quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
Phía Trung Quốc sau khi ngang nhiên chiếm giữ Hoàng Sa của Việt Nam, đã lấy các bãi cạn ở phía ngoài mà họ coi là của họ làm điểm mốc để từ đó tự vạch ra đường 9 khúc, còn gọi là đường lưỡi bò, trùm lấn cả lên vùng biển của Việt Nam và Philippines. Theo quy định của UNCLOS, việc làm của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, nhưng họ vẫn cố tình biện minh việc làm này là phù hợp với quy định của Công ước. Bởi vậy, chúng ta phải làm rõ việc Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS để từ đó khẳng định việc làm của họ là sai trái, vi phạm Công ước.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, những tấm bản đồ, tư liệu cổ... khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong khi đó, cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng lịch sử nào. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có căn cứ pháp lý quan trọng là UNCLOS cho thấy vùng biển mà Công ty Hải Dương (Trung Quốc) đang xâm phạm là thuộc vùng biển của Việt Nam. Thực tế, giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đang nằm sâu trong vùng ĐQKT của Việt Nam hơn 80 hải lý.
Hiện chúng ta đang tiếp tục đấu tranh ngoại giao, đồng thời vận động ngư dân kiên trì bám biển, khẳng định chủ quyền quốc gia; các lực lượng chức năng sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chủ quyền, kiên quyết chống lại hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tập hợp các bằng chứng lịch sử, căn cứ pháp lý, tiến hành các hành động pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Nguồn: Báo Khánh Hoà
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận