Ở phần sau bài viết, chúng tôi cũng đề cập đến câu chuyện chạy án hơn nửa triệu đô la cùng sự biến mất của hung thủ trực tiếp gây ra án mạng...
Cuộc truy tìm "xưa nay hiếm"
Nhận được yêu cầu của Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành rà soát dọc dòng sông thuộc địa phận biên giới Trung Quốc đồng thời treo giải thưởng 1 vạn NDT cho những ai cung cấp thông tin về tung tích nạn nhân.
Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Công an Quảng Tây đã tiến hàng khoanh vùng, bắt khẩn cấp 6 đối tượng người Trung Quốc có liên quan đến vụ án.
5 đối tượng bị bắt với tội danh “giết người” gồm: Hà Quốc (SN 1969, trú tại P202 tầng 1, số 28 đường Hưng Thịnh, TX Đông Hưng; Trương Tôn Vũ (SN1987, trú tại thị trấn Phòng Thành, TP cảng Phòng Thành, Quảng Tây; Huyên Hán Miên; La Vĩnh Ký và A Quân.
Đối tượng Hà Đức Nguyên bị bắt vì hành vi “che giấu tội phạm”.
Các đối tượng người Trung Quốc liên quan đến vụ án.
Qua việc khai thác các đối tượng này, Công an Trung Quốc thông báo cho phía việt nam rằng 2 nạn nhân Nguyễn Văn Sỹ và Lê Văn Điệp đã bị giết chết.
Nhận được thông báo của Công an Trung Quốc về việc bắt được 6 đối tượng, đoàn cán bộ Công an Quảng Ninh dẫn đầu là đồng chí Trần Văn Tài và đồng chí Hoàng Văn Định tức tốc lên đường sang Trung Quốc ngay trong đêm.
Khi bị bắt, có đối tượng đã cao chạy xa bay đến cách biên giới 3.500km, đối tượng gần nhất cũng đã kịp bươn xa tận 1.300km. Tưởng sang đến nơi là được gặp các đối tượng này ngay, nào ngờ, đoàn cán bộ Công an Quảng Ninh còn phải… nằm chờ thêm 2 ngày nữa.
Chẳng phải vì Công an nước bạn gây khó khăn mà là vì chưa áp giải các đối tượng về đến nơi. Khi đi truy bắt, các trinh sát hình sự Trung Quốc đi bằng máy bay, đến khi về lại dẫn giải bằng ôtô nên phải mất đến 2 ngày. Trong 2 ngày chờ đợi ở Công an huyện Đông Hưng, các cán bộ của ta như ngồi trên đống lửa, chờ đợi mắt xích quan trọng của vụ án mở ra.
Các đối tượng người Trung Quốc khai nhận: khi 2 nạn nhân được đưa sang Trung Quốc thì họ vẫn còn sống. Tại đây, đối tượng người Việt Nam có tên là Chấn “điên” đã cùng với 5 đối tượng người Trung Quốc đánh đập, dùng dao đâm. Tàn độc hơn, khi nạn nhân chưa chết hẳn, các đối tượng này còn lấy băng dính bịt miệng, mũi cho ngạt thở và chết.
Sau khi thủ tiêu, bọn chúng mang một xác đến vứt ở khu vực hẻo lánh thuộc trên dãy núi có tên là Thập Vạn Đại Sơn, cái xác còn lại được bỏ vào bao tải ném xuống dòng sông Ka Long.
Sau khi lấy cung được các đối tượng người Trung Quốc, Công an hai nước bàn việc tìm kiếm xác nạn nhân. Công an Quảng Tây sẽ giúp Công an Quảng Ninh tìm xác ở khu vực Thập Vạn Đại Sơn còn cái xác ở sông Ka Long thì hai bên sẽ cùng tổ chức rà tìm.
Đồng thời với việc phát động nhân dân rà tìm dọc các sông, suối khe, hang núi, Công an Trung Quốc treo giải thưởng 5 vạn NDT cho ai tìm thấy xác ở dãy Thập Vạn Đại Sơn. Đã có hàng trăm người dân giúp đỡ lực lượng Công an phát rừng tìm xác nạn nhân.
Tại khu vực sông Ka Long, trong nhiều ngày liên tiếp, Công an Quảng Tây cùng với Công an Quảng Ninh thuê các đội thợ lặn với giá 1,3 vạn NDT để rà xác. Quang cảnh tìm xác trên sông cứ như… thời chiến. Tất cả các thuyền bè đi lại trên sông Ka Long đều bị chặn lại ở hai đầu để đội thợ lặn tìm kiếm. Cứ 3 tiếng một ca lặn xong, lại thông dòng cho tàu bè qua lại một lần.
Đầu tháng 10-2009, có nguồn tin báo quần chúng nhân dân phát rừng tìm được dấu vết xương người ở Thập Vạn Đại Sơn, Đại úy Hoàng Văn Định lại xin lệnh của cấp trên tức tốc sang Trung Quốc. Đi hàng ngàn km đường rừng, anh cùng với đoàn cán bộ Công an Trung Quốc lên ngay địa điểm nhận được tin báo. Cuối cùng, giám định thì phát hiện ra đây không phải là xương người.
Một lần nữa, các cán bộ Công an Quảng Ninh lại thất vọng quay về.
Thấy cuộc phát động tìm kiếm quá vất vả và tốn kém, lại thêm sự nhọc công của các cán bộ Công an phía Việt Nam, Công an Quảng Tây đã quyết định huy động cả lực lượng biên phòng.
60 chiến sỹ biên phòng cùng với hàng trăm người dân đã tổ chức một chiến dịch phát rừng tìm kiếm tử thi có thể gọi là lớn chưa từng có, lùng sục hàng chục km đường rừng. Đến ngày thứ 4, tức ngày 23-10-2009 thì họ tìm thấy một cái xác trong trạng thái đã bị phân hủy hoàn toàn.
Tổ công tác của Công an Quảng Ninh lại tức tốc sang Trung Quốc, lần giám định này đã đưa đến kết luận: đây là tử thi anh Lê Văn Điệp.
Lại nói về việc tìm xác anh Nguyễn Văn Sỹ trên sông Ka Long. Dòng Ka Long có địa hình lòng sông rất phức tạp, chảy qua nhiều khe núi. Hơn nữa, lại mới trải qua hai đợt nước lũ nên việc tìm kiếm càng vất vả gấp bội phần. Phải mất nhiều ngày đầm mình dưới nước, đội thợ lặn mới phát hiện được cái xác đã trương phình dưới lòng sông, nằm trong bao tải.
Tìm thấy xác hai nạn nhân, tìm thấy khẩu súng là hung khí gây án, kết hợp với lời khai của các đối tượng bị bắt ở Trung Quốc, một số đối tượng ở Việt Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành chuyển hóa chứng cứ, chuyển đổi tội danh một số bị can.
Hài cốt của các nạn nhân được gia đình đưa về mai táng.
Đồng chí Hoàng Văn Định cho biết, Công an Quảng Ninh đã thu thập đủ chứng cứ để khép: Phương “Linh Hột”, Chung “Linh Hột” và Bùi Hải Bài vào tội “giết người”.
Lệnh truy nã với tội danh giết người cũng được phát ra với Chấn “điên” (tức Vũ Ngọc Tuất), Nông Văn Môn, Vũ Huy Đô, Ty Tiến Luân.. Lệnh truy nã này đã được Công an Quảng Ninh gửi lên Văn phòng cảnh sát quốc tế.
Đối tượng Khổng Thanh Thu bị truy nã vì tội danh “không tố giác tội phạm”. Khổng Thanh Thu chính là một trong 2 đàn em của Phương “Linh Hột” khi xưa đi khiêu khích với đám Mặt Ma, Táo Lê ở quán Karaoke để sau đó phương vác kiếm chém Táo Lê - bước lên ngôi vị cao nhất của giới giang hồ vùng biên giới Đông Bắc.
Trong số các đối tượng này, Chấn “điên” (Vũ Ngọc Tuất, SN 1970, trú tại Hòa Lạc, Móng Cái) được xem là mắt xích quan trọng bậc nhất. Đối tượng này vốn là một “cai” cửu vạn nổi tiếng ở Móng Cái, chuyên nhận việc bốc xếp từ các tàu thuyền, hải cảng, các doanh nghiệp. Một trong những mối bốc xếp lớn nhất của Chấn “điên” lại chính là Công ty Quang Phát của anh em nhà Phương “Linh Hột”.
Trong vụ án này, Chấn “điên” chính là người đi cùng Chung “Linh Hột” đến đánh, bắn anh Sỹ, Điệp ở Lục Chắn, sau đó cùng với đám này bắt cóc hai nạn nhân. Khẩu súng sử dụng trong vụ va chạm đó được Công an Quảng Ninh tìm dưới lòng sông Ka Long chính là súng do Chấn “điên” sử dụng.
Khi đưa 2 nạn nhân sang đến Trung Quốc, cũng chính Chấn “điên” đã cùng 5 đối tượng người Trung Quốc đánh chết anh Chiến và anh Sỹ.
Băn khoăn sau vụ chạy án nửa triệu đô và sự biến mất của hung thủ trực tiếp giết người
Như chúng tôi đã đề cập trong các bài viết trước, vụ án Lục Chắn để lại cả một nỗi băn khoăn lớn khi mức án của Nguyễn Tiến Phương bị “nâng lên đặt xuống” nhiều lần. Nỗi băn khoăn này không phải là không có cơ sở khi mà xen giữa những phiên xét xử, cơ quan công an đã khám phá ra đường dây chạy án đến hơn nửa triệu đô la.
Sau khi 2 anh em “ông trùm” bị bắt tạm giam, Đỗ Thị Phương (vợ Chung) và Nguyễn Thị Hằng (em Chung) đã tìm cách vung tiền chạy tội. Phương và Hằng đã nhờ Phạm Trọng Du - lúc đó là Giám đốc Chi nhánh Nam Định thuộc Tập đoàn Nam Cường - Hà Nội với số tiền 600 ngàn USD. Du dự thảo giúp Hằng một tờ đơn gửi Tổng cục Cảnh sát. Đơn đứng tên bà Hột, mẹ đẻ của Phương và Chung với nội dung xin cho 2 con tại ngoại.
Tuy nhiên, 2 tuần sau, Du lại nói nói không giúp được và trả cho Hằng 150 ngàn USD, hơn 7 tỉ đồng.
Phương tiếp tục lặn lội sang tận Hải Dương nhờ Phạm Anh Tuấn tìm luật sư giỏi để bào chữa, đồng thời kiếm người để lo "chạy án" cho 2 đối tượng tránh án tử hình. Sau đó, Tuấn gặp Mạc Văn Nam, 47 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội. Nam tự xưng trước đây làm việc tại Bộ Tư pháp và có nhiều quen biết với các quan chức.
Đàn em của Phương "Linh Hột" cùng hung khí đi đòi lại tiền đã tung ra để chạy án.
Phương đưa cho Tuấn 350 ngàn USD để Tuấn lo chỗ Nam. Sau khi cầm tiền, Tuấn đưa cho Nam 99.500 USD và 350 triệu đồng và cho mượn một chiếc ôtô 4 chỗ ngồi để Nam phục vụ cho việc chạy án. Gần Tết Nguyên đán 2010, Nam còn khoác lác rằng việc lo cho Phương, Chung tránh án tử hình đã ổn và còn lo được cho 2 đối tượng tại ngoại về quê… ăn Tết với gia đình. Để lo việc này, Phường phải đưa tiếp cho Nam số tiền 150 ngàn USD. Sau khi nhận số tiền trên, Nam không lo được gì cho Phương và Chung như đã hứa...
Sau khi TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử phiên sơ thẩm và tuyên tử hình cả 2 anh em Phương, Chung, người nhà của 2 đối tượng này mới té ngửa ra là bị lừa. Tuấn đã trả lại cho Phường được 225 ngàn USD, số còn lại Tuấn nói đã đưa cho Nam nhưng tại thời điểm đó Nam bỏ trốn nên chưa đòi được.
Bị lừa cay đắng, Phương đã tổ chức cho một số đối tượng bắt giữ Tuấn để ép Tuấn và gia đình trả hết tiền cho chị ta. Khi nhận được đơn trình báo của gia đình Tuấn, Cục Cảnh sát hình sự (C45) đã tiến hành điều tra, giải cứu cho Tuấn và bắt giữ các đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Từ vụ việc này, khi được giao thụ lý vụ án, các điều tra viên của Phòng 8, Cục C45 đã vạch trần một đường dây chạy án triệu USD như đã kể trên.
Ngày 4/7/2011, Nam đã bị bắt theo lệnh truy nã tại TP Hồ Chí Minh. Theo lời khai nhận của Nam, sau khi nhận tiền, Nam có gặp lãnh đạo Viện KSND tỉnh Quảng Ninh để nhờ giúp đỡ Phương và Chung được giảm án nhưng bị từ chối. Thế là, Nam đã cầm nguyên số tiền gần chục tỷ đồng ấy sử dụng vào việc buôn bán, chơi xổ số và đã thua lỗ hết.
Như vậy là việc chạy án đến hơn nửa triệu đô la gia đình Phương “Linh Hột” chi ra đã không thành. Chỉ có một chi tiết khiến người ta “ngờ ngợ” rằng: Phiên tòa phúc thẩm đã giảm cho Chung xuống án chung thân còn Phương thì chỉ phải chịu mức án 20 năm tù giam. Tuy nhiên, nghi ngờ này đã được hóa giải sau khi phiên giám đốc thẩm tuyên tử hình cho cả 2 đối tượng này.
Mức án cao nhất cuối cùng đã được dành cho 2 anh em Phương, Chung. Tuy nhiên vụ việc cũng đề lại những băn khoăn với sự mất tích của kẻ trực tiếp giết người Chấn “điên”, rồi chuyện vung tiền chạy tội, mức án được nâng lên đặt xuống…
Dẫu sao thì một “đế chế” “giang hồ - doanh nhân” lũng đoạn suốt dải vùng biên Đông Bắc trong một thời gian dài cũng đã chấm dứt!
Hoàng Thắng
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận