Vụ vượt ngục lãng mạn như phim của vợ chồng Pháp

Vụ vượt ngục lãng mạn như phim của vợ chồng Pháp

Vụ vượt ngục lãng mạn như phim của vợ chồng Pháp

Sau khi nhảy lên chiếc máy bay do vợ cầm lái, Michel Vaujour mỉm cười, quay sang nắm tay vợ và ngâm cho cô nghe một bài thơ tình.

Michel Vaujour sinh năm 1951 tại thị trấn San Quentin le Petit, cách Paris 200 km về phía bắc, trong một gia đình nghèo song sở hữu IQ cao thiên bẩm. Năm 18 tuổi, khi đang làm công nhân nhà máy, Michel lấy trộm ôtô để "đi cho vui". Bị kết án 12 tháng tù giam, Michel ngay lập tức lấy trộm chiếc xe khác để về thăm vợ con.

Bản án lần này là 30 tháng. Cuộc đời Michel sau đó là vòng luẩn quẩn của vượt ngục, cướp, bị bắt giữ, bản án trong nhiều năm, cuộc chạy trốn khác và một vụ cướp khác. Trong sáu năm, ông ta đã trốn thoát bốn lần, khi thì qua cánh cửa trại quên chốt, khi thì cưa song sắt, khi thì tự chế chìa khóa bằng vỏ của những miếng pho mát của bữa tối.

Ông ta bị nhốt trong các xà lim biệt lập ngày càng được canh gác cẩn mật, an ninh tối tân. Năm 1979, trong một lần đến tòa án, ông ta bắt cóc một quan tòa, đe dọa bằng khẩu súng giả làm từ xà phòng. Ông ta chui lủi 2 năm và phẫu thuật khuôn mặt để không bị nhận ra và trở thành tên cướp ngân hàng.

Năm 1985, Michel một lần nữa trở lại nhà tù với án phạt 18 năm không ân xá, sau khi bị bắt ở một vụ cướp vũ trang bất thành. Michel bị tống vào nhà tù De Le Santé ở Paris, nhưng không bao giờ có ý định ở đó quá lâu. Trong vài tháng đầu tiên ngồi sau song sắt, ông ta đã 4 lần thử nhưng tất cả đều thất bại.

Khi bị thẩm vấn, Michel nói tình yêu dành cho vợ đã khiến ông ta không ngừng cố gắng trốn thoát khỏi nhà tù. Song hơn ai hết, Michel hiểu rằng mỗi cuộc vượt ngục đầu xuôi đuôi lọt đều cần cộng sự bên ngoài. Với Michel, không ai khác, chính là vợ Nadine.

Về phần mình, Nadine không ngại hành động. Bà đến thăm chồng thường xuyên nhất có thể, luôn đưa cho chồng những món ăn tự làm, nơi sẽ giấu những mẩu giấy nhỏ với thông tin không thể để lộ. Michel xem xong, ngấu nghiến nuốt thông điệp của vợ phòng bại lộ.

Ngay sau khi Vaujour bị bắt, Nadine bắt đầu tham gia các lớp học để lấy bằng phi công trực thăng. Mọi người đều cho rằng đây chỉ là thú vui mới, dù những năm 1980 ở Pháp rất hiếm người có bằng lái này, vì rất đắt đỏ. Bà trở thành khách hàng thường xuyên của công ty cho thuê máy bay trực thăng ở miền nam Paris. Giá thuê một chiếc trực thăng vào thời điểm đó khoảng 2.200 franc mỗi giờ, tương đương 315 USD, bà Nadine luôn trả bằng tiền mặt.

Bên trong những bức tường của nhà tù De La Sainté khét tiếng nghiêm ngặt, Michel Vaujour khi này đã kết bạn với một bạn tù, Pierre Hernandez, người cũng đang chờ xét xử về tội cướp có vũ trang. Hai người tận dụng mọi cơ hội để xem xét khu vực trại giam, tìm kiếm vị trí thích hợp cho máy bay trực thăng hạ cánh.

Mọi thứ đều do Nadine lên kế hoạch. Bà biết rằng một chiếc máy bay trực thăng sẽ không đủ nên đã mua một khẩu súng lục đồ chơi, sơn nó màu đen cho giống thật và sơn một số quả cam màu xanh lá cây để chúng trông giống như lựu đạn. Kế hoạch của bà là đe dọa các vệ sĩ bằng những vũ khí giả, cho phép bà đến gần để chồng nhảy lên trực thăng.

Nadine nhận được bằng phi công ngày 26/5/1986, vì vậy bà quyết định "giải cứu" chồng mình vào sáng hôm sau.

10h30 ngày 27/5/1986, một chiếc trực thăng bay thấp trên trung tâm Paris. Nadine Vaujour phớt lờ cảnh báo của lính canh, đậu lơ lửng chiếc trực thăng trên nóc một tòa nhà của nhà tù De La Sainté. Trong khi đó, các sĩ quan an ninh bị phân tán bởi một sự vụ khác - hai tù nhân tay cầm lựu đạn đang đe dọa sẽ cho nổ nếu bất cứ ai đến gần.

 

Michel Vaujour và bạn tù leo mái nhà tẩu thoát theo trực thăng đợi sẵn, sáng 27/5/1986. Ảnh: Paris Match

Những quả lựu đạn, thực chất là quả xuân đào từ nhà ăn của nhà tù được sơn màu xanh lá cây. Michel và Pierre tiến lên mái nhà, vung nắm đấm đầy đe dọa về phía các sĩ quan đang truy đuổi. Với mối đe dọa về chất nổ từ hai người đàn ông và mối đe dọa được cho là có nhiều chất nổ hơn trên chiếc trực thăng đang chờ sẵn, không một phát súng nào được bắn ra.

Nadine khi này ném cho 2 người đàn ông một bao tải chứa khẩu súng trường và một sợi dây buộc vào một cái móc. Michel nhảy lên, đứng vững trên chiếc trực thăng và ôm lấy một thanh chắn. Pierre ở trên mái nhà, bám vào ống khói, không rõ do hèn nhát hay mặc cảm tội lỗi, đã thay đổi quyết định, lặng lẽ đầu hàng. Máy bay trực thăng biến mất khỏi tầm nhìn và Vaujours biến mất.

Hôm đó là chủ nhật, các tù nhân khác và một số người đang đợi ở cổng để thăm thân nhân, đã ngẩng đầu lên xem, hò hét cổ vũ khản cổ. Nadine lái chiếc trực thăng đến một sân thể thao gần đó và cả hai lên chiếc xe hơi đang chờ sẵn, hoàn thành vụ vượt ngục thứ năm.

Cảnh sát đến sân thể thao thấy chiếc trực thăng bị bỏ rơi, Michel và vợ đã biến mất từ lâu. Họ lần theo số sê-ri của chiếc trực thăng, phát hiện ra rằng nó được thuê từ một sân bay địa phương. Cơ quan này nói rằng Nadine có tất cả thủ tục giấy tờ phù hợp nên không thấy gì sai.

Cuộc tìm kiếm lan rộng khắp nước Pháp nhưng không thành công. Đôi vợ chồng đã biến mất. Tuy nhiên, tên tuổi họ đứng đầu mọi tờ báo và tạp chí khắp châu Âu và nước Mỹ nhiều tháng liền với tiêu đề "Người phụ nữ học lái máy bay trực thăng vì tình yêu", hay "Cuộc trốn chạy lãng mạn nhất lịch sử nước Pháp".

Câu chuyện pháp luật đã biến thành một câu chuyện tình yêu được nhiều người khi đó ngưỡng mộ. Năm 1992, lấy cảm hứng từ cuộc chạy trốn, đạo diễn phim người Lebanon, Maroun Bagdadi cho ra đời bộ phim La fille de l'air (Cô gái trên không).

Nhưng vụ đào tẩu đậm chất thi ca này không giữ nhiệt được lâu. Đúng bốn tháng sau Michel cùng hai đồng bọn đối đầu với cảnh sát khi cướp ngân hàng, cũng ở Paris. Một trong những phát súng của cảnh sát găm vào đầu ông ta. Vào thời điểm bắn hạ tội phạm, họ không biết đó là ai.

Chỉ tại bệnh viện, họ mới có thể xác định danh tính của ông ta thông qua các hình xăm và dấu vân tay. Sau nhiều tuần hôn mê, Michel tỉnh dậy, nhưng đã vĩnh viễn mất khả năng vận động của đôi chân.

Ngày hôm sau, họ tìm thấy Nadine. Bà không chống cự, chỉ yêu cầu để các con được đưa đi với bà của chúng. Nadine bị kết án 14 tháng tù, song được ân xá để sinh con. Cặp đôi chia tay vài năm sau đó. Bà học luật và tận tâm để bảo vệ thân chủ, đấu tranh cho quyền của các tù nhân và để các nhà tù có điều kiện sống tốt.

Michel bị kết tội và được đưa trở lại một nhà tù an ninh tối đa, bị cô lập hoàn toàn, trong một phòng giam bê tông không có ánh sáng ban ngày. Tại đây, Michel tự lấy lại được khả năng vận động bằng cách bò hàng tháng trời trên mặt đất và hoàn toàn từ bỏ ý định vượt ngục, bắt đầu đọc sách và tập yoga.

Năm 2003, Michel, người được mệnh danh "vua đào tẩu", đã được ân xá, lần đầu bước ra khỏi nhà tù bằng cổng chính. Ở thái dương bên phải Michel vẫn có một cục u giống như hạch. Đó là viên đạn trong vụ cướp cuối cùng. Nó đã găm vào não ông ta mãi mãi, chưa có bác sĩ nào dám lấy ra.

Năm 2005 và 2018, Michel lần lượt xuất bản cuốn hồi ký và trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu về chính cuộc đời giông bão của mình.

Khi được hỏi về vụ đào tẩu năm xưa cùng vợ, Michel không do dự, đáp "Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời tôi".

Hải Thư (Theo NYT, El Pais, Historyofyesterday - VNE

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889